‘Ông Nguyễn Thanh Chấn bị oan sai không phải do Hiến pháp’

16

“Thời điểm xảy ra vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn thì các quy định của pháp luật về nguyên tắc suy đoán vô tội cũng đã được ghi nhận”, luật sư Nguyễn Văn Nguyên chia sẻ.

Sau khi Thời báo Đông Nam Á đăng tải bài viết “Nếu áp dụng Hiến pháp mới ông Chấn không bị oan sai?” với nội dung liên quan đến việc nhìn nhận vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn dưới góc độ của Hiến pháp mới, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến phản hồi, chia sẻ từ độc giả và các chuyên gia pháp lý.

Báo Seatimes trích đăng ý kiến của luật sư Nguyễn Văn Nguyên, giám đốc Công ty luật Hưng Nguyên, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội xoay quanh vấn đề này (Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn riêng của luật sư):

“Vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn như một điển hình về oan sai trong hoạt động tư pháp. Như giọt nước làm tràn ly cho một thực tế rằng có oan sai trong hoạt động Tư pháp điều tra, truy tố, xét xử ở nước ta.

Đã đến lúc cần phải thay đổi, sửa đổi hoàn thiện hệ thống pháp luật tố tụng để phù hợp với hiến pháp 1992, sửa đổi, bổ sung năm 2013. Một trong những nguyên nhân dẫn đến oan sai cho ông Nguyễn Thanh Chấn có thể là do việc cơ quan điều tra cố tình ép cung, gán ghép bắt bằng được bị can nhận tội.

Quá trình điều tra, truy tố xét xử thiếu dân chủ, khánh quan làm cho sự thật khách quan bị bóp méo, tiếng nói của người vô tội, bị oan sai, của bị can, bị cáo đã không được xem xét.

Thậm chí khi ông Nguyễn Thanh Chấn không nhận tội thì Tòa lại cho rằng bị cáo ngoan cố, quanh co chối tội. Đây là sai lầm của việc xét xử thẩm vấn một chiều, chỉ dựa vào hồ sơ, cảm nhận mang tính chất “niềm tin nội tâm” của các cán bộ tư pháp như điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán mà thiếu đi tinh thần tranh tụng và tôn trọng quyền tự bào chữa, nhờ người khác bào chữa của bị can, bị cáo.

Cần phải nhấn mạnh rằng thời điểm điều tra, truy tố, xét xử vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn thì hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2001 đã có quy định về các nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ quyền con người, cụ thể tại các Điều 71, Điều 72.

Một trong những quy định ấy là “Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải đúng pháp luật. Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân.”

Và “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.

Người bị bắt, bị giam giữ, bị truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, giam giữ, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý nghiêm minh”.

Bộ luật TTHS năm 2003 cũng có quy định các nguyên tắc, cụ thể nguyên tắc bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân (Điều 6), nguyên tắc bảo hộ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phậm, tài sản của công dân (Điều 7), nguyên tắc không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật (điều 9), điều 10 nguyên tắc xác định sự thật của vụ án,nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo (Điều 11) .

Như vậy nếu căn cứ các quy định của hiến pháp 1992, sửa đổi năm 2001, bộ luật TTHS năm 2003 thì ở thời điểm xảy ra vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn thì các quy định của pháp luật về nguyên tắc suy đoán vô tội cũng đã được ghi nhận, nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan điều tra, viện kiểm sát, Tòa án, bị can, bị cáo có quyền nhưng không có nghĩa vụ phải chứng minh mình vô tội.

Hiến pháp 1992, sửa đổi năm 2001 và bộ luật TTHS 2003 cũng đã quy định nghiêm cấm việc bức cung, nhục hình đối với bị can, bị cáo. Nói như vậy để thấy rằng ở thời điểm đó đã có sự ghi nhận nguyên tắc suy đoán vô tội, tuy nhiên vẫn không khắc phục được oan sai là có nguyên nhân vì nhiền lý do khác nhau mà các quy định này không được tôn trọng, áp dụng đầy đủ trong thực tế.

Một vấn đề nữa là quyền bào chữa của bị can, bị cáo không được tôn trọng và bảo đảm, quá trình tranh tụng trong hoạt động tố tụng không được thừa nhận như một nguyên tắc hiến định dẫn đến tiếng nói của luật sư, người bào chữa yếu hơn hẳn so với hồ sơ được lập từ cơ quan điều tra, Viện kiểm sát.

Trong khi hồ sơ được lập từ đầu nếu đã có dấu hiệu vi phạm tố tụng thì việc oan sai là khó tránh khỏi khi ý kiến luật sư không được HĐXX ghi nhận. Chính vì thế luật sư rất khó để người bào chữa gỡ tội cho bị cáo.

Nhiều khi luật sư bào chữa rất hùng hồn, thuyết phục, tuy nhiên lại không được HĐXX nghiêm túc lắng nghe hoặc chấp thuận, nhiều khi thành viên HĐXX còn mãi làm việc riêng trong khi luật sư thì cứ mải mê trình bày luận cứ bào chữa, vì thế làm cho phiên tòa trở nên thiếu nghiêm túc, giảm tâm huyết của người bào chữa.

Hiến pháp 1992, sửa đổi bổ sung năm 2013 lần này đã làm rõ thêm về nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc tranh tụng được đảm bảo theo tôi đó là một bước tiến lớn để bảo vệ người dân khi vướng vào vòng lao lý.

Điều quan trọng là cần sớm sửa đổi luật TTHS năm 2003 hoặc cần thiết thì ban hành một bộ luật mới thật sự tiến bộ để ghi nhận đầy đủ những nguyên tắc, tư tưởng tiến bộ trong hiến pháp vào trong luật mới, không để tình trạng các điều luật bị chết, không thực hiện được trong thực tế.”

Hưng Nguyên (theo seatimes.com.vn)