Bê bối đường sắt Việt Nam: Luật sư nói gì?

1

“Vụ việc xảy ra không những gây ảnh hưởng lớn đến quan hệ cung cấp vốn ODA của Nhật Bản cho Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trong lĩnh vực đấu thầu, quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA của các đối tác quốc tế”, luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc công ty luật Hưng Nguyên, Đoàn luật sư TP. Hà Nội chia sẻ.

iên quan tới vụ việc báo Nhật Bản tố cán bộ ngành đường sắt Việt Nam nhận hối lộ 16 tỷ đồng, Phunutoday đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Công ty luật Hưng Nguyên, Đoàn luật sư TP HN.

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên chia sẻ: “Đây là một vụ việc được dư luận trong và ngoài nước rất quan tâm. Có liên quan đến việc đấu thầu các dự án thuộc nguồn vốn viện trợ không hoàn lại ODA của Nhật Bản.

Vụ việc xảy ra, không những gây ảnh hưởng lớn đến quan hệ cung cấp vốn ODA của Nhật Bản cho Việt Nam, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trong lĩnh vực đấu thầu, quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA của các đối tác quốc tế.

Theo tôi, nếu sự việc trên được xác minh là thật thì cơ quan điều tra cần sớm khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can để lấy lại niềm tin và trừng trị răn đe chung. Việc điều tra vụ án có yếu tố nước ngoài, hiện nay Việt Nam và Nhật Bản chưa có hiệp ước tương trợ tư pháp hình sự, việc chuyển hóa chứng cứ từ Nhật bản vào Việt Nam, việc ủy thác tư pháp sẽ rất khó khăn.

Tuy nhiên quá trình điều tra sẽ thuận lợi nếu có sự hỗ trợ tích cực từ phía Bộ GTVT và Tổng công ty đường sắt Việt Nam”.

Liên quan đến căn cứ pháp lý để khởi tố vụ án và mức án khởi tố nếu vụ bê bối trên được xác minh là thật: “Theo quy định tại điều 100, bộ luật TTHS năm 2003  về căn cứ khởi tố vụ án hình sự: “Chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những cơ sở có tố giác của công dân; Tin báo của cơ quan, tổ chức; Tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng; Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển và các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trực tiếp phát hiện dấu hiệu của tội phạm; Người phạm tội tự thú”.

Thông tin báo chí là một trong những tin tố giác tội phạm làm căn cứ khởi tố vụ án hình sự. Với những thông tin báo chí, truyền thông đưa tin thì theo tôi đã có đủ cơ sở để khởi tố vụ án hình sự để điều tra.

Luật sư Nguyên cho rằng: “Đây là vụ án khá phức tạp, liên quan đến yếu tố nước ngoài, cần xác minh điều tra thận trọng. Thẩm quyền điều tra thuộc cơ quan điều tra bộ công an.

Về tội danh có thể  khởi tố theo khoản 4, điều 279 BLHS. Tội nhận hối lộ. Cụ thể người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng; Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm…thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm;

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp có tổ chức; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn; Phạm tội nhiều lần; Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước; Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt; Của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng; Gây hậu quả nghiêm trọng khác thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm;

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên; Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình”.

Trước đó, Theo tờ Yomiuri Shimbun, thứ ba tuần trước 18/3, Chủ tịch Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) ông Tanio Kanikuma thừa nhận công ty mình đã “lại quả” tổng cộng 130 triệu Yên để dành được hợp đồng trong 5 dự án ODA tại Việt Nam, Uzbekistan và Indonesia.Trong đó, một nguồn tin cho Yomiuri Shimbun biết, JTC đã hối lộ 80 triệu Yên (khoảng 16,5 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại) cho một quan chức cấp cao tại một cơ quan có trách nhiệm quản lý dự án tại Đường sắt Việt Nam. Đổi lại, JTC trúng thầu một dự án ODA trị giá 4,2 tỷ Yên (~867 tỷ đồng). 

Việc đưa tiền hối lộ được tiến hành khoảng 40 lần, trong thời gian từ năm 2008 đến 2012.

Theo phunutoday.vn