Bồi thường oan: Có khi vướng từ đương sự

16
Công ty luật

Thực tế có những đương sự thỏa thuận xong rồi đổi ý thì cơ quan chức năng không biết làm sao.

Thực tiễn giải quyết chuyện bồi thường oan cũng có khi khó khăn, chậm trễ lại xuất phát từ phía đương sự như thỏa thuận xong rồi đổi ý, chậm yêu cầu bồi thường dù bản án đã có hiệu lực pháp luật từ lâu…

Theo báo cáo của VKSND TP.HCM tại tọa đàm sơ kết ba năm thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (vừa diễn ra tại TP.HCM), ba năm qua, ngành kiểm sát TP không để xảy ra trường hợp làm oan nào phải bồi thường theo luật. Tuy nhiên, có bốn trường hợp xảy ra từ trước năm 2010 (thời điểm Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có hiệu lực), người dân yêu cầu bồi thường thì vẫn giậm chân tại chỗ, chưa thể giải quyết dứt điểm.

Thỏa thuận xong lại đổi ý

Cụ thể, năm 1996, Công an quận 10 khởi tố ông Lê Thành Minh về tội nhận hối lộ (có phê chuẩn của VKS quận). Quá trình điều tra vụ án sau đó đã bộc lộ nhiều sai sót như thu thập chứng cứ không theo đúng trình tự, thủ tục tố tụng hình sự nên không có giá trị. Vì thế, tòa đã không thể tuyên án mà liên tục trả hồ sơ điều tra lại từ đầu. Cuối cùng, VKS quận 10 phải ra quyết định đình chỉ vụ án vì không đủ chứng cứ buộc tội.

Ông Minh yêu cầu được bồi thường oan theo Nghị quyết 388. Đầu năm 2007, ông Minh và VKS quận 10 đã thống nhất số tiền bồi thường do bị làm oan là hơn 17 triệu đồng. Các thủ tục khác như VKS quận xin lỗi công khai ba kỳ trên báo chí cũng đã hoàn tất. Sau khi làm các thủ tục cấp kinh phí, số tiền trên đã được chuyển về Kho bạc Nhà nước quận nhưng ông Minh lại kiên quyết không chịu nhận dù VKS quận nhiều lần mời. Lý do là sau khi thỏa thuận, ông Minh lại muốn được bồi thường số tiền cao hơn nên không nhận tiền và gửi đơn khiếu nại khắp nơi. Vì vậy, sáu năm qua, số tiền trên vẫn nằm trong kho bạc.

Yêu cầu bồi thường quá chậm

Vụ khác, năm 1997, VKS quận 8 phê chuẩn quyết định khởi tố bà Trần Thị Thuận về tội hủy hoại tài sản. Tuy nhiên, quá trình điều tra không chứng minh được hành vi phạm tội của bà Thuận nên cuối năm 2005, VKS quận 8 phải ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can.

Tiếp đó, VKS quận ra thông báo gửi cho bà Thuận xác định bà không phạm tội và thuộc diện được bồi thường theo Nghị quyết 388. Tuy nhiên, điều lạ là VKS quận đã nhiều lần gửi giấy mời đến nhận quyết định đình chỉ và tiến hành thương lượng bồi thường oan mà bà Thuận lại không đến. Thậm chí, khi UBND quận thành lập một tổ công tác đến tận nhà bà Thuận làm việc, bà cũng không tiếp. Mãi mới đây, bà mới có đơn yêu cầu được thương lượng bồi thường nên VKS quận đang giải quyết.

Tương tự, năm 2007, được VKS quận phê chuẩn, Công an quận Gò Vấp đã khởi tố ông Đặng Ngọc Dân về tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Tháng 9-2009, TAND TP xử phúc thẩm đã tuyên bố ông Dân không phạm tội. Án phúc thẩm là án có hiệu lực pháp luật ngay nhưng mãi đến đầu năm 2012, ông Dân mới có đơn yêu cầu bồi thường oan. VKS quận Gò Vấp đã đồng ý bồi thường hơn 72 triệu đồng nhưng đến nay vẫn chưa xong vì còn chờ các cơ quan có thẩm quyền xét duyệt cấp kinh phí…

Nên quy định thời hạn giải quyết bồi thường

Ông Trần Thật (Trưởng phòng Kiểm sát điều tra án kinh tế – chức vụ VKS TP.HCM) nhận xét Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định về thời hạn yêu cầu với đương sự là hai năm kể từ ngày có văn bản xác định oan nhưng lại chưa quy định về thời hạn giải quyết việc bồi thường. Thực tế có những đương sự thỏa thuận xong rồi đổi ý thì cơ quan chức năng không biết làm sao như vụ việc của ông Minh phản ánh ở trên. Lúc này, cơ quan chức năng dù có thành ý giải quyết nhanh cũng không xong, làm vụ việc kéo dài từ năm này qua năm khác. Do đó, ông Thật đề nghị luật quy định cụ thể là người đã được bồi thường oan nhưng sau bao nhiêu ngày mà không đến nhận tiền thì sẽ không xem xét, giải quyết nữa.

Cạnh đó, theo ông Thật, luật mới chỉ quy định việc bồi thường về vật chất, tinh thần cho người bị oan. Nhưng thực tế người bị oan không chỉ là người dân bình thường mà có khi còn là cán bộ, công chức… Khi có quyết định thừa nhận sai của cơ quan có thẩm quyền thì những quyền lợi hợp pháp khác của họ như chức vụ, cấp bậc, thưởng, bảo hiểm… có được bồi thường hay không, dựa trên cơ sở nào? Trường hợp chủ doanh nghiệp bị làm oan, uy tín doanh nghiệp bị ảnh hưởng, không ký được hợp đồng trong thời gian bị làm oan thì tính thiệt hại vật chất như thế nào?

Người nước ngoài bị oan, tính sao?

Theo một đại diện VKS TP.HCM, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cũng chưa quy định trường hợp người bị oan là người nước ngoài thì có phải bồi thường hay không. Nếu có thì việc xác định căn cứ tính thiệt hại bồi thường về vật chất, tinh thần có giống như người Việt Nam hay không, thủ tục xin lỗi công khai, đăng báo như thế nào? Tất cả đều cần phải được dự liệu vì thực tế sẽ xảy ra.

Cứ phản ánh đến Cục Bồi thường

Quá trình thi hành luật, có vướng mắc gì các ban, ngành cứ phản ánh trực tiếp đến Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp), chúng tôi sẽ hướng dẫn giải quyết ngay. Chẳng hạn, vướng mắc của VKSND TP.HCM về trường hợp đương sự không chịu nhận tiền bồi thường để vụ việc kéo dài nhiều năm thì cần báo cáo để Cục tìm hướng giải quyết. Đối với một số vấn đề bất cập nêu ra như việc xác định thiệt hại khi chủ doanh nghiệp bị làm oan thì Cục đang xây dựng thông tư hướng dẫn trong tố tụng hình sự. Nhưng nếu xảy ra thì trước mắt các địa phương cứ áp dụng theo chế độ lương tối thiểu hiện nay kết hợp với việc làm tốt công tác thương lượng.

Ông NGUYỄN THANH TỊNH, Cục trưởng Cục Bồi thường
Nhà nước (Bộ Tư pháp)

 

Luật “đánh đố” người được bồi thường

Người dân chưa được tạo điều kiện thuận lợi trong việc yêu cầu bồi thường cả trong quản lý hành chính lẫn tố tụng. Luật quy định thời hiệu yêu cầu là hai năm kể từ thời điểm phát sinh thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ. Tức là người dân phải có văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác định mình bị thiệt hại, trong khi có được văn bản này rất khó khăn. Người dân chỉ còn cách khiếu nại để cơ quan có thẩm quyền ra văn bản nhưng việc này thường bị kéo dài, cơ quan nọ đùn đẩy cơ quan kia. Thậm chí, cơ quan nào kết luận hành vi của cán bộ, công chức là sai để người dân làm căn cứ yêu cầu bồi thường cũng chưa được xác định rõ.

Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO, Phó Chủ nhiệm
Đoàn Luật sư TP.HCM

THANH TÙNG