Cần có luật quản lý vốn đầu tư của Nhà nước

3

Dịch vụ tư vấn luật – Tại phiên họp Quốc hội thảo luận về chương trình xây dựng pháp luật khóa 13, nhiều đại biểu đã nhắc lại đề nghị đã nêu ra từ nhiệm kỳ trước về xây dựng Luật Quản lý vốn đầu tư của Nhà nước vào các doanh nghiệp, nhằm lấp khoảng trống pháp luật liên quan tới chức năng quản lý của Nhà nước với tư cách chủ sở hữu.

Trước thời điểm Luật Doanh nghiệp nhà nước hết hiệu lực (1-7-2010), nước ta có hai luật doanh nghiệp áp dụng song song. Đó là Luật Doanh nghiệp nhà nước, công cụ quản lý các doanh nghiệp nhà nước, cả về mặt nhà nước, cả về mặt kinh doanh; và Luật Doanh nghiệp, công cụ quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước.

Đối với doanh nghiệp nhà nước, do Nhà nước còn là chủ sở hữu, nên cơ quan chủ quản phải vào vai “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Để xóa bỏ tình trạng này, Luật Doanh nghiệp 2005 đã tách quản lý kinh doanh với quản lý nhà nước bằng quy định Luật Doanh nghiệp nhà nước chỉ có hiệu lực đến 1-7-2010. Ngày 9-3-2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 25/2010/NĐ-CP chuyển tất cả các doanh nghiệp nhà nước chưa cổ phần hóa thành công ty TNHH một thành viên.

Vì Nhà nước ban hành Luật Doanh nghiệp với tư cách cơ quan quyền lực xã hội, nên phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp 2005 tuy mở rộng hơn, nhưng vẫn chỉ giới hạn trong chức năng quản lý nhà nước. Trong điều kiện Luật Doanh nghiệp nhà nước đã hết hiệu lực, Luật Doanh nghiệp lại chỉ quản lý về mặt nhà nước, hệ thống pháp luật nước ta thiếu hẳn một luật về quản lý kinh doanh các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước, do đó đã và đang gây ra cho các cơ quan quản lý nhiều lúng túng trong việc xử lý các vấn đề thuộc thẩm quyền của chủ sở hữu, nhiều tác hại không nhỏ cũng đã xảy ra mà không quy được trách nhiệm.

Để lấp khoảng trống pháp luật này, nhiều đại biểu Quốc hội yêu cầu cấp bách soạn thảo và ban hành Luật Quản lý vốn của Nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp. Có thể coi đây là một dạng Luật Doanh nghiệp nhà nước kiểu mới, trong đó, với tư cách chủ sở hữu, Nhà nước quy định cơ chế quản lý kinh doanh trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư của mình. Tất nhiên luật này không có hiệu lực đối với khu vực ngoài nhà nước, do đó không thể xếp nó ngang hàng với Luật Doanh nghiệp, mà ngược lại, nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, phải đặt nó trong khuôn khổ điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp.

Thực ra, trong nghị định về chuyển đổi các doanh nghiệp nhà nước thành các công ty TNHH một thành viên đã có một số quy định về mặt này. Hoặc trong nhiều văn bản về cổ phần hóa, cũng có những quy định về quản lý doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Song những văn bản loại này đều xuất phát từ yêu cầu xử lý những vấn đề cụ thể trong những thời điểm khác nhau, nên không thể là những quy định mang tính nguyên tắc, lại đều mang hình thức văn bản dưới luật, không đủ tầm nhân danh Nhà nước.

Do còn thiếu Luật Quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, nên trong cơ cấu bộ máy quản lý khu vực kinh tế nhà nước cũng thiếu hẳn một cơ cấu tổ chức là cầu nối giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước với Nhà nước. Hiện chưa có câu trả lời có sức thuyết phục nào cho câu hỏi: ai là cấp trên của công ty TNHH một thành viên là doanh nghiệp nhà nước và của công ty cổ phần có vốn của Nhà nước? Ai là người có quyền quyết định cuối cùng, cũng là người chịu trách nhiệm cuối cùng, về mọi vấn đề hoạt động kinh doanh của những công ty nói trên?

Căn cứ vào Nghị định 25/2010/NĐ-CP phải chăng có thể trả lời: cấp trên của công ty TNHH một thành viên cấp trung ương là Thủ tướng, cấp địa phương là chủ tịch UBND cấp tỉnh? Nhưng có người lại chưa thông với sự giải thích như vậy, vì cho rằng Thủ tướng hay chủ tịch UBND cấp tỉnh là chính khách, không phải là doanh nhân, mà cũng thiếu căn cứ pháp lý để những người có chức vụ này đại diện cho Nhà nước làm chủ sở hữu vốn đầu tư vào doanh nghiệp.

Cũng có người muốn trao trọng trách đó cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Tuy nhiên, điều này chỉ có thể nếu SCIC là một cơ quan nhà nước quản lý kinh doanh các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước, nhưng nếu SCIC vẫn là một doanh nghiệp kinh doanh vốn như hiện nay, thì nhiệm vụ này là bất khả thi.

Những điều nêu trên cho thấy: chừng nào Nhà nước còn là nhà đầu tư vào kinh doanh, thì song song với Luật Doanh nghiệp để quản lý nhà nước, còn phải có luật quản lý vốn đầu tư của Nhà nước để quản lý kinh doanh các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước. Thiếu luật này, Nhà nước sẽ thiếu hẳn các văn bản quy định về quản lý kinh doanh với tư cách chủ sở hữu.