Đầu tư công phải “chống dàn trải và tránh nể nang

118

Để nâng cao hiệu quả của đầu tư công việc đầu tiên là phải chống dàn trải vì khi nhà nước thực hiện quá nhiều dự án đầu tư thì không thể nào kiểm soát để đảm bảo hiệu quả, đặc biệt cũng cần tránh nể nang giữa các ngành và các địa phương.

Đây là chia sẻ của Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan trong cuộc trao đổi với báo chí bên lề cuộc Hội thảo Đổi mới Công tác Kế hoạch và Đầu tư công diễn ra tại Hà Nội sáng ngày 6/10.

75% dự án được chỉ định thầu

Trả lời câu hỏi của phóng viên về làm thế nào để nâng cao hiệu quả đầu tư công, bà Phạm Chi Lan cho biết: “ Chống dàn trải phải đi từ kế hoạch và kỷ luật đầu tư công thật nghiêm. Đầu tư công hiện nay của chúng ta được thực hiện trên diện rất rộng theo quy hoạch và kế hoạch, còn ham phát triển nhiều lĩnh vực khác nhau và trong các lĩnh vực đó nhà nước tham gia rất nhiều, như vậy không thể chống được dàn trải.”

“Hiện nay cơ chế phân công, phân cấp trao quyền cho các địa phương được cấp phép dự án, nhiều đơn vị tham gia dự án, nên trong cùng một dự án đơn vị nào cũng muốn lợi ích của mình được đảm bảo và cao hơn so với các đơn vị khác. Trong kỳ họp quốc hội trước,  nhiều đại biểu đồng ý chống dàn trải nhưng đại biểu của địa phương nào cũng muốn dự án ở địa phương mình được thực hiện hoặc được phát triển thêm”, bà nhấn mạnh.

Tại cuộc hội thảo, ông Trịnh Hữu Thắng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang cũng thẳng thắn chỉ ra rằng việc phân cấp đầu tư quá mạnh đã dẫn đến yếu kém trong đầu tư công: Một xã có khoảng 6-7 cán bộ đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau cũng được quyền phê duyệt dự án trong khi đó trình độ chuyên môn của họ còn hạn chế.

“Có trường hợp, tư vấn bảo gì cán bộ xã làm đấy mà thực tế rằng dự án càng lớn đơn vị tư vấn càng thu nhiều. Trong khi đó, huyện chỉ làm nhiệm vụ giám sát về trình tự thủ tục đầu tư chứ không quản về thất thoát lãng phí”, ông Thắng cho hay.

Ông cũng đề cập đến khuất tất trong đấu thầu khi chủ đầu tư được phép phê duyệt thiết kế kỹ thuật của dự án đồng thời cũng được tổ chức mời thầu và duyệt nhà thầu. Theo ông, cơ chế này đã tạo điều kiện cho chủ đầu tư thông đồng với nhà thầu.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho biết thêm: “Hiện nay có tới 75% các dự án được được thực hiện theo hình thức chỉ định thầu mà không phải là đấu thầu, thử hỏi còn đâu hiệu quả đầu tư công. Vì vậy, cần thu hẹp khu vực đầu tư công, tập trung vào sự chọn lựa nghiêm túc, tránh nể nang vì nể lẫn nhau giữa các ngành các địa phương làm kỷ luật không được thực hiện nghiêm.”

Sẽ khó cho tái cơ cấu ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước

Nếu không tái cơ cấu được đầu tư công sẽ gây khó khăn cho tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng vì các lĩnh vực này có mối quan hệ mật thiết với nhau, bà Lan nhận định.

Theo Bà Lan, trước hết cần xây dựng hệ thống luật pháp để tăng cường hiệu quả của đầu tư công. Hiện nay Luật Đầu tư công vẫn đang trong quá trình xây dựng lại mà chỉ có một số luật liên quan đã được thực hiện, điều này đã hạn chế hiệu quả về mặt pháp lý.

Bà cũng cho biết tính pháp lệnh của quy hoạch đã giảm sút nhiều vì ngày nay có nhiều vấn đề được đặt ra trong quy hoạch nhưng không được thực hiện trong khi đó, có nhiều điều không nằm trong quy hoạch lại được thực hiện.

Bên cạnh đó vai trò của người dân trong khâu tham vấn, định hướng và lựa chọn lĩnh vực đầu tư cho các dự án còn yếu. Người dân không được đóng góp ý kiến từ khâu tham vấn và đến khâu giám sát thực hiện người dân cũng không được tham gia. Thực tế cho thấy dự án nào có sự tham vấn, giám sát của người dân sẽ cho hiệu quả tốt hơn.

Đặc biệt, theo bà cần tăng cường hệ thống giám sát đầu tư công: Hiện nay hệ thống giám sát của chúng ta còn yếu  vì khi có quá nhiều dự án được đề ra thì bộ máy giám sát không đủ, nên khi bị khiển trách về trách nhiệm, cơ quan giám sát thường đổ lỗi cho việc thiếu nhân lực và thiếu ngân sách.

Nam Hằng