Đề xuất thành lập Ủy ban quốc gia tái cơ cấu kinh tế

1

Bên cạnh những giải pháp trước mắt cho năm 2013, trong phiên thảo luận về kinh tế – xã hội sáng 30/10, nhiều đại biểu Quốc hội cũng thúc giục Chính phủ tích cực hơn với nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế.

Là chủ đề “nóng”, phiên thảo luận về kinh tế – xã hội sáng 30/10 thu hút sự quan tâm từ các đại biểu. Ngay từ đầu phiên, theo thông báo của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, danh sách đăng ký phát biểu cho 2 ngày thảo luận đã không còn chỗ trống.

Mở đầu phần thảo luận, đại biểu Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) đi sâu vào tìm hiểu những nguyên nhân của kết quả cũng như những tồn tại trong nền kinh tế. Theo đó, bên cạnh những mặt được là quyết tâm kiềm chế lạm phát tái cơ cấu kinh tế, điều hành linh hoạt… đại biểu cho rằng hoạt động điều hành của Chính phủ vẫn còn nhiều yếu kém.

Cùng với những khuyết điểm đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đứng ra nhận lỗi, đại biểu đoàn Thái Bình cho rằng, bất cập trong thời gian qua còn nằm ở việc cơ quan quản lý chưa thực sự kiểm soát được tình hình, số liệu thống kê thiếu tin cậy, dẫn đến một số chính sách nửa vời. “Hệ quả là làm mất ý chí phấn đấu, gây nghi ngờ chính sách trong một bộ phận doanh nghiệp, người dân cũng như nhà đầu tư nước ngoài”, ông nói.

Trước thực tế đó, đại biểu Cao Sĩ Kiêm cho rằng nhiệm vụ đặt ra cho 2013 là rất khó khăn, nặng nề, trong khi các giải pháp được đưa ra là “chưa đủ”. Đại biểu cho rằng trong thời gian còn lại của năm 2012, cần làm rõ 3 vấn đề là đánh giá lại thật xác đáng tình hình, công bố giải pháp cụ thể cho các vấn đề như tồn kho, nợ xấu… cũng như cần một chương trình cụ thể để theo dõi việc sửa sai của Chính phủ.

Chia sẻ với nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trong các phần phát biểu tiếp sau, lần lượt các đại biểu Lê Hữu Đức (Khánh Hòa), Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương), Trần Du Lịch ( TP HCM) đã tập trung vào việc gợi ý giải pháp cho Chính phủ.

Đánh giá mục tiêu tăng GDP 5,5%, giữ lạm phát khoảng 8% đề ra là khả thi, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng cơ quan điều hành cần tập trung vào 3 nhóm giải pháp lớn là tiền tệ, tài khóa và đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế. Về tiền tệ, đại biểu đoàn TP HCM cho rằng “vòng kim cô” nợ xấu đang có dấu hiệu ngày một siết chặt, làm chết không biết bao nhiêu doanh nghiệp. Đây là nút thắt quan trọng, cần sớm được giải quyết.

Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng cho rằng không nên hiểu việc xử lý nợ xấu hiện nay đơn thuần là mua bán nợ. Đại biểu ủng hộ chủ trương của Chính phủ không dùng ngân sách để xử lý nợ, nhưng đề nghị Ngân hàng Nhà nước, với vai trò quản lý của mình, cần “năng động” để hoàn thành tốt nhiệm vụ nêu trên. “Có thể sử dụng các quỹ dự phòng của ngân hàng, hoặc chào bán nợ cho các tổ chức tài chính quốc tế”, đại biểu này gợi ý.

Song song với quá trình này, các đại biểu cũng cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa quá trình xử lý các ngân hàng yếu kém, kiên quyết cho dừng hoạt động các tổ chức tín dụng yếu kém, có nguy cơ mất thanh khoản. Đồng thời, các nhà băng “khỏe” cũng cần mạnh dạn hơn nữa trong việc cho vay tiêu dùng, đặc biệt quan tâm tới việc làm ấm thị trường bất động sản, vốn đang có tồn kho khoảng 100.000 căn hộ…

Theo gợi ý của đại biểu Trần Du Lịch, Chính phủ nên tiếp tục kéo dài các chương trình hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết 13 đến hết năm sau. Đồng thời, nếu được Quốc hội thông qua ở kỳ họp này, đại biểu đề xuất nên áp dụng ngay luật thuế thu nhập cá nhân, mới mức giảm trừ gia cảnh mới từ 1/1/2013, thay vì phải đến giữa năm mới thực hiện. Ông cũng đề xuất tiếp tục giữ lộ trình tăng lương, đồng thời tiếp tục cắt giảm 10% chi thường xuyên trong năm 2013, so với mức thực chi của Chính phủ trong năm 2012.

Bên cạnh đó, đại diện đoàn TP HCM cũng như các đại biểu khác cũng dành nhiều thời gian đề nghị cơ quan quản lý cần có giải pháp về thị trường để tháo gỡ vấn nạn tồn kho cho doanh nghiệp. Cùng với đó, cần tính đến và làm mạnh hơn nữa các giải pháp lâu dài, đặc biệt là tái cơ cấu nền kinh tế.

“Tôi đề nghị phải xây dựng bằng được một lộ trình tái cơ cấu trong vòng 3 năm (2012 – 2015), chứ không thể ăn đong từng năm một như hiện nay. Ngoài ra, cần thành lập Ủy ban quốc gia về tái cơ cấu kinh tế, do Thủ tướng đứng đầu. Tôi không tin một bộ, một ngành riêng lẻ có thể lo từ việc tái cơ cấu ngân hàng đến cứu doanh nghiệp…”, đại biểu Trần Du Lịch thẳng thắn.

Cũng trong phiên thảo luận buổi sáng, nghị trường Quốc hội cũng nóng lên bởi bài phát biểu nhiều tâm huyết của đại biểu Lê Như Tiến xung quanh vấn nạn tham nhũng và lãng phí. Theo đó, hai tệ nạn này được đại diện đoàn Quảng Trị so sánh là “anh em sinh đôi, là đồng hành, đồng lõa, đồng phạm” dẫn đến những trì trệ của nền kinh tế.

Ví dụ về Vinashin một lần nữa được đại biểu Tiến lấy lại khi tính toán số tiền thất thoát do tham nhũng, thiếu trách nhiệm trong vụ việc này lên tới 107.000 tỷ đồng. “Nếu số tiền này không thất thoát, Việt Nam đã có thêm 214.000 phòng học, 107.000 nhà văn hóa hoặc 53.000 trạm xã. Chúng ta cũng không phải băn khoăn, trăn trở buộc lùi thời hạn tăng lương do không bố trí được khoảng 60.000 tỷ”, ông nói.

Đại biểu cũng dẫn số liệu của Tổng thanh tra Chính phủ cho thấy đã thanh tra 62.000 vụ, nhưng mới chuyển cơ quan điều tra 464 vụ, chiếm 0,6%. “Phải chăng có xu hướng hành chính hóa các vụ án hình sự liên quan đến tham nhũng? Hoặc có sự nắn dòng, bẻ ghi làm chuyển hướng kết quả thanh tra?”, đại biểu này đặt câu hỏi.

So với tham nhũng, theo đại biểu Tiến, lãng phí thậm chí còn nguy hại hơn bởi “chưa có vụ án nào xét xử lãng phí”, “tham nhũng bị coi là tội còn lãng phí chỉ là khuyết điểm”… Ông tiếp tục lấy ví dụ khi có hàng chục nghìn luận án khoa học được đóng bìa cứng, mạ chữ vàng, xếp ngay ngắn trong thư viện hay các viện nghiên cứu… nhưng có không đến 30% được áp dụng vào thực tiễn.

“Do thiếu quy hoạch, thiếu tầm nhìn xa… mà hàng triệu tấn xi măng, sắt thép đang nằm dãi dầu, ế ẩm, lãng phí nhiều ngàn tỷ đồng. Với 2.445 tổ chức được giao 250.862 ha thu hồi đất sản xuất của dân rồi để hoang hóa từ nhiều năm nay. Hàng trăm tỷ đồng lẽ ra phải được hồi sinh từ đất lại bị chôn vùi trong đất”, đại biểu Tiến nói.

Không chỉ lãng phí dưới đất, bài phát biểu còn cho rằng, Việt Nam đang lãng phí trên trời. Ví dụ được đưa ra là trường hợp vệ tinh Vinasat – 2 được đầu tư 250 triệu USD, tương đương 5.000 tỷ đồng, dung lượng 13.000 kênh thoại – Internet, 150 kênh truyền hình… Tuy nhiên đến nay, vệ tinh này chưa lấp đầy được một phần tư dung lượng.

Theo đại biểu Lê Như Tiến, chính những sự tham nhũng, lãng phí này đã khiến giá thành sản phẩm của Việt Nam cao hơn nhiều so với hàng nhập ngoại, hệ số ICOR (đầu tư so với tăng trưởng) cũng gấp đôi các nước trong khu vực. Nhắc lại câu nói của Hồ Chủ tịch cách đây 60 năm: “Tham ô, lãng phí là kẻ thù của nhân dân”, đại biểu Tiến cho rằng vấn đề này hiện rất cấp thiết, cần sớm được giải quyết trong quá trình phát triển của Việt Nam.

Nhật Minh