Đề xuất xử phạt cơ quan ra luật ‘hành dân’

2

ĐB Võ Thị Dung đề xuất bộ, ngành nào đưa ra quy định nào đi ngược lòng dân, làm dân phản ứng, hoang mang, bức xúc thì phải có biện pháp xử phạt, không phải cứ loay hoay chỉnh sửa là xong.
Theo ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM), nếu chuyện ban hành văn bản không hợp lý lặp đi lặp lại tại một địa chỉ thì Chính phủ cần xem xét lại năng lực của người đứng đầu cơ quan đó, nếu không đảm đương được thì hãy mạnh dạn thay thế.

Người dân bức xúc

Trong phiên họp tổ về các vấn đề kinh tế – xã hội sáng 22/5, ĐB Võ Thị Dung cho biết thời gian qua có nhiều quy định ban hành nhưng không được nhân dân ủng hộ, gây bức xúc trong dư luận.
Bà dẫn một loạt ví dụ, như việc quy định chứng minh thư ghi tên cha mẹ khiến người dân phản ứng. Hay như việc ra quy định quản lý hàng rong, thức ăn đường phố, quy định phòng chống bệnh dại v.v… đều rất khó khả thi.

Theo bà, người dân “không chấp nhận được cách điều hành như vậy” và họ rất bức xúc.

“Ta ban hành văn bản như ngẫu hứng, chứa nhiều bất cập rồi lại loay hoay sửa chữa chứ không thấy hết trách nhiệm khi ban hành văn bản không đi vào cuộc sống, khiến người dân hoang mang”, ĐB Võ Thị Dung cho biết.

Đẩy phần khó cho dân

Trao đổi với VietNamNet bên lề buổi họp tổ, ĐB Võ Thị Dung nói: Cử tri không hài lòng vì những quy định đó không thực tiễn, không khả thi.

Đặc biệt, bà Dung cho rằng hiện có hiện tượng khi các bộ, ngành gặp khó khăn trong quản lý lĩnh vực của mình thì họ đẩy cái khó khăn đó về phía người dân.

“Mình làm quản lý mà không nâng cao trách nhiệm của mình, không tìm cách làm cho luật của mình khả thi trong cuộc sống mà lại buộc người dân thế này thế kia khiến người dân rất bức xúc. Vì bên cạnh đời sống vốn đã khó khăn thì việc đưa ra những quy định bất cập như thế làm cho họ cảm thấy không thể có sự chia sẻ, đồng thuận với các cơ quan công quyền, đặc biệt là cơ quan ban hành luật”, bà Dung nói.

Bà Dung cho rằng ngoài vấn đề năng lực, trình độ của đội ngũ soạn thảo thì một nguyên nhân quan trọng là tệ quan liêu.

“Mình có nhiều chuyên gia nhưng mình thiếu lắng nghe, thiếu tiếp cận ý kiến tư vấn khách quan nên rơi vào tình trạng áp đặt ý chí chủ quan cho xã hội. Đừng nghĩ mình có quyền lực thì mình cứ áp đặt. Mình là cơ quan được nhân dân giao cho quyền lực mà mình làm sai, đi ngược lại với ý chí nguyện vọng của nhân dân, làm ảnh hưởng tới đời sống của họ thì không được”, bà nói.

Về cách hành xử của các bộ, ngành khi ra văn bản “hành dân”, ĐBQH cho biết phổ biết nhất là chuyện sửa chữa, bổ sung, thậm chí văn bản còn bị bãi bỏ. Điều đó là “cần thiết”, nhưng phần nào đã làm cho người dân không còn tin tưởng nhiều vào luật pháp, làm xáo trộn đời sống của họ.

Hơn nữa, cách hành xử của nhiều bộ, ngành cũng như Chính phủ trong việc ban hành các văn bản trên được đánh giá là chưa thực sự cầu thị, chưa thể hiện thực sự trách nhiệm trước nhân dân.

“Việc này không phải xảy ra ở một bộ, ngành nhưng chưa thấy Chính phủ phê bình bộ ngành nào. Nếu có phê bình thì nên công khai”, bà nói.

Cẩm Quyên