Gắn camera ở phòng xử: Khó khả thi?

2

Từ thực trạng công tác xét xử của tòa còn bị nhiều đương sự, luật sư khiếu nại, đã có ý kiến đề nghị tòa nên triển khai hệ thống ghi âm, ghi hình đồng bộ tại các phòng xử.
Tuy nhiên, nhiều người e ngại là việc này sẽ khó khả thi…

Như chúng tôi đã thông tin trên số báo trước, luật sư Trần Hồng Phong (Đoàn Luật sư TP.HCM, người đang khiếu nại về một phiên xử phúc thẩm của TAND TP.HCM) cho biết tuần này, ông sẽ gửi đơn thư kiến nghị đến các cơ quan chức năng về việc nên gắn hệ thống camera ở các phòng xử.

Để phiên tòa được minh bạch

Theo luật sư Phong, tòa án là nơi giải quyết tranh chấp, cần có hệ thống ghi âm, ghi hình đồng bộ để ghi lại toàn bộ diễn biến phiên xử. Băng ghi âm, ghi hình này là tài sản của tòa, do tòa quản lý, không phải bất cứ ai cũng có thể sử dụng. Trong trường hợp người tham gia tố tụng có bức xúc, khiếu nại thì tòa có thể dựa trên băng ghi âm, ghi hình để xem xét thấu đáo cho họ.

Luật sư Phong cho rằng việc gắn hệ thống camera không quá khó và không vượt quá sức của các tòa. Bởi lẽ chi phí gắn camera là không cao. Hiện tất cả cơ quan nhà nước hiện nay đều có hệ thống camera như cơ quan hải quan để chống tiêu cực.

Đồng tình, luật gia Đặng Đình Thịnh (Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật TP.HCM – Hội Luật gia Việt Nam) nói: “Lâu nay tình trạng hạn chế việc tranh tụng, phát biểu của luật sư tại phiên tòa cũng như không ghi hoặc ghi không đầy đủ ý kiến của họ vào bản án vẫn xảy ra, làm ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án và vi phạm tố tụng”. Vì vậy, theo ông Thịnh, việc ghi âm, ghi hình và lưu vào hồ sơ vụ án cũng như công khai biên bản phiên tòa là cần thiết, thể hiện rõ sự minh bạch, khách quan của phiên tòa và làm căn cứ để tiếp tục giải quyết vụ án ở cấp tòa tiếp theo.
Khó khả thi?

Ngược lại, luật sư Nguyễn Minh Thuận (Giám đốc Công ty Luật hợp doanh Sài Gòn Việt Nam) cho rằng việc trang bị hệ thống ghi âm, ghi hình đồng bộ các phiên xử là rất khó khả thi.

Luật sư Thuận phân tích: Trước hết, việc gắn hệ thống này tại các phòng xử là rất tốn kém bởi ngoài camera còn phải trang bị hệ thống âm thanh để ghi âm đồng bộ. Ngoài ra, tòa còn phải bố trí con người và phương tiện để lưu trữ, bảo quản các file ghi âm, ghi hình này. Mặt khác, hằng ngày tại một tòa có thể diễn ra rất nhiều phiên xử tại nhiều phòng xử. Liệu tòa có thể ghi âm, ghi hình hết, quản lý được hết? Đó là chưa nói có những phiên xử mà để đảm bảo an ninh trật tự thì không thể ghi âm, ghi hình công khai…

Kiểm sát viên Lưu Mỹ Hường (Trưởng phòng Kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự VKSND TP.HCM) cũng chung quan điểm này. Bà Hường lưu ý là ngoài các điều kiện vật chất, con người, luật còn quy định việc ghi âm, ghi hình về diễn biến phiên tòa chỉ có thể được tiến hành khi được sự đồng ý của HĐXX. Tức về mặt quản lý hành chính, tòa án có thể trang bị camera giám sát trụ sở cơ quan nhưng trong một phiên tòa cụ thể thì quyền cho ghi âm, ghi hình hay không lại do HĐXX quyết định.

Xâm phạm quyền nhân thân?

Quan trọng hơn, hai luật sư Bùi Quang Nghiêm và Lê Thành Kính (Đoàn Luật sư TP.HCM) bày tỏ lo ngại rằng việc ghi âm, ghi hình phiên tòa còn ảnh hưởng đến quyền nhân thân của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng nên không thể tùy tiện gắn camera tại các phòng xử. Chưa kể, việc này sẽ làm những người có mặt tại phiên xử có cảm giác gò bó, không thoải mái, mất tự nhiên, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng phiên tòa…

Nhiều chuyên gia khác cũng cho biết vì tôn trọng quyền nhân thân mà nhiều nước có nền tố tụng tiến bộ cấm ghi âm, ghi hình phiên tòa. Ở các nước này, bản tin thời sự về các phiên xử đều chỉ sử dụng các ảnh vẽ. Một phần chuyện này do lịch sử tư pháp của các nước để lại. Một phần là từ nguyên nhân đề cao quyền con người, không cho tự tiện đưa hình ảnh cá nhân lên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tăng cường vai trò giám sát của VKS

Một kiểm sát viên cao cấp VKSND Tối cao nhận xét kênh giám sát hoạt động xét xử tại phiên tòa bằng camera sẽ không thể hiệu quả bằng sự giám sát của kiểm sát viên, luật sư, đương sự. Điều cần làm hiện nay là phải tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm giám sát hoạt động tuân thủ pháp luật tố tụng tại các phiên tòa của kiểm sát viên. Nếu kiểm sát viên có trách nhiệm thì sẽ phát hiện được các vi phạm tố tụng của HĐXX hay người tham gia tố tụng để tùy tính chất mà tham mưu cho lãnh đạo VKS kháng nghị hay kiến nghị. Ngoài ra, khi xác minh khiếu nại, lãnh đạo tòa cũng có thể tham khảo ý kiến của kiểm sát viên đã trực tiếp tham gia phiên xử để có thêm căn cứ giải quyết.

Camera tại tòa án Việt Nam

Tại Khánh Hòa, từ đầu năm 2008, TAND tỉnh này đã trang bị hệ thống cổng từ tại phòng bảo vệ và gắn camera tại các phòng xử án nhằm tăng cường an ninh, trật tự cho các phiên tòa. Mọi phiên xử đều được ghi hình, ghi âm rồi truyền trực tiếp đến phòng chánh án và tại sảnh của tòa trước khi được lưu lại.

Thời điểm TAND tỉnh Khánh Hòa gắn camera tại các phòng xử án, bên cạnh nhiều ý kiến không thuận thì cũng có nhiều ý kiến ủng hộ, cho rằng thông qua việc gắn camera, diễn biến phiên tòa sẽ được ghi âm, ghi hình, phát công khai và lưu lại. Điều này sẽ giải quyết được tình trạng luật sư, đương sự… phàn nàn là bản án được ban hành có nhiều khác biệt với diễn biến phiên tòa hoặc biên bản phiên tòa ghi thiếu nội dung này, nội dung khác, cái có ghi thành không, cái không thì thành có… hoặc tòa xét xử phiến diện, nạt nộ quy chụp, văn hóa pháp đình bị xem nhẹ…

Tại TP.HCM, về việc có nên trang bị hệ thống camera tại các phòng xử hay không, Chánh án Bùi Hoàng Danh cho các phiên tòa cho rằng tòa án là ngành đặc thù, có sự quản lý về nhiều mặt. Thứ nhất, về quản lý hành chính do chánh án điều hành và chịu trách nhiệm toàn bộ. Thứ hai, về tố tụng thì chánh án không được can thiệp mà phải để HĐXX toàn quyền quyết định trong các phiên xử và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tại phiên xử, thẩm phán chủ tọa phiên tòa là người toàn quyền điều hành trong suốt quá trình xét xử. Chủ tọa sẽ ra các quyết định trực tiếp xử lý các vấn đề xảy ra ngay tại phiên tòa. Như vậy, theo nguyên tắc này, chính HĐXX mới có quyền cho ghi âm, ghi hình phiên tòa hay không.

HOÀNG YẾN