Kinh tế vĩ mô chưa định hình các yếu tố bền vững

3
Công ty Luật Hưng Nguyên

Ủy ban kinh tế của Quốc hội yêu cầu Chính phủ phân tích đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn một số vấn đề nổi bật của nền kinh tế hiện nay. Đặc biệt khi “kiểm soát lạm phát đạt mục tiêu nhưng kinh tế vĩ mô chưa định hình các yếu tố bền vững”.
Tâm lý và niềm tin của thị trường vẫn chưa bền vững

Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2012, ông Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho biết: Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, dự kiến năm nay có 10/15 chỉ tiêu kinh tế – xã hội đạt và vượt kế hoạch theo Nghị quyết Quốc hội. Kết quả này được hầu hết các thành viên Ủy ban Kinh tế nhận định là sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Tuy nhiên, một số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng, tâm lý và niềm tin của thị trường vẫn chưa bền vững, khó khăn có thể kéo dài sang năm tới.

Một số ý kiến nhận xét, Báo cáo của Chính phủ đánh giá chưa sát với tình hình, một số số liệu còn có độ vênh so với thực tế, chưa phản ánh hết mức độ khó khăn của đời sống xã hội và nền kinh tế, đặc biệt là khó khăn của doanh nghiệp.

Nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế phân tích trong Báo cáo chủ yếu do khách quan, chưa nêu bật những nguyên nhân chủ quan từ điều hành, 5 chỉ tiêu không đạt theo Nghị quyết Quốc hội đều là những chỉ tiêu quan trọng, phản ánh tính bền vững của nền kinh tế trong trung và dài hạn.
Theo Ủy ban kinh tế của Quốc hội, Chính phủ cần phân tích đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn một số vấn đề nổi bật của nền kinh tế hiện nay. Cụ thể, nền kinh tế đang đối mặt với tình trạng lạm phát giảm, nhập siêu giảm nhưng cho thấy những dấu hiệu lo ngại về sự trì trệ nền kinh tế; thanh khoản toàn hệ thống ngân hàng dư thừa nhưng doanh nghiệp vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận vay vốn; tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế đã đạt sự thống nhất cao, nhưng việc thực hiện trên thực tế đến nay chưa mang lại kết quả rõ nét.

Nhiều ý kiến nhận định, việc lạm phát hạ nhanh hơn mức dự kiến, thể hiện qua chỉ số CPI tăng thấp tháng 3 (0,16%), tháng 4 (0,05%) và tháng 5 (0,18%), giảm trong tháng 6 (-0,26%) và tháng 7 (-0,29%), cùng với việc nhập siêu giảm mạnh liên tục và xuất siêu trong 9 tháng cho thấy thực trạng đáng lo ngại về năng lực hấp thụ đầu vào và tổng cầu của nền kinh tế đang suy giảm mạnh; hai nút thắt của nền kinh tế là nợ xấu và hàng hóa tồn kho đang làm tắc nghẽn quá trình chu chuyển nguồn lực quốc gia.

Bên cạnh đó, thu ngân sách nhà nước 9 tháng chỉ đạt 67,3% dự toán, là năm có tiến độ thu thấp nhất trong các năm gần đây; khả năng thu những tháng còn lại rất khó khăn, ảnh hưởng đến thực hiện các nhiệm vụ kinh tế – xã hội.
Cũng theo Ủy ban kinh tế của Quốc hội, kiểm soát lạm phát đạt mục tiêu nhưng kinh tế vĩ mô chưa định hình các yếu tố bền vững. Nguy cơ lạm phát cao vẫn tiềm ẩn; cán cân thương mại có sự cải thiện đáng kể nhưng chủ yếu do nhập khẩu giảm xuất phát từ sự khó khăn của khu vực sản xuất. Sự phối hợp trong quản lý, điều hành giá, quản lý thị trường trong một số lĩnh vực chưa thực sự hợp lý tại một số thời điểm đã tác động không tốt đến niềm tin và tâm lý thị trường, tác động trực tiếp đến sản xuất và đời sống, nhất là tháng 9 chỉ số giá tiêu dùng tăng đột biến do điều chỉnh tăng giá xăng, dầu, phí dịch vụ, y tế, giáo dục.

Đặc biệt, cơ chế quản lý thị trường vàng, kinh doanh vàng miếng chưa mang lại hiệu quả và chưa đạt được mục tiêu đưa giá vàng trong nước sát với giá thế giới. Có ý kiến cho rằng, diễn biến giá cả mặc dù chỉ xảy ra trong tháng 9 nhưng đòi hỏi cần chỉ đạo ngăn ngừa lạm phát cao có thể quay trở lại cuối năm và trong năm 2013.

Ngoài ra, Chính phủ cần phân tích rõ và thuyết phục hơn về kết quả tăng trưởng GDP quý sau tăng cao hơn quý trước trong bối cảnh các thị trường đều giảm sút. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả năm dự kiến bằng 29,5% GDP, thấp hơn 4% so với chỉ tiêu theo Nghị quyết Quốc hội và các năm trước (số thực hiện năm 2011 bằng 34,6% GDP, 2010 bằng 41,9% GDP, 2009 bằng 42,8% GDP); tín dụng tăng trưởng âm một thời gian dài và mới tăng lại trong vài tháng gần đây ở mức thấp chỉ 2,5% so với cuối năm 2011 nhưng số dư này tăng chưa bù đắp được nợ xấu gia tăng, tổng nợ xấu của toàn hệ thống các TCTD tăng từ 3,07% cuối năm 2011 lên 4,49% hoặc 8,82% theo báo cáo của NHNNVN vào cuối tháng 6/2012…

Tập trung xử lý nút thắt nền kinh tế

Đối với những tháng còn lại của năm, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cơ bản đồng tình với các giải pháp cần triển khai trong thời gian tới của Chính phủ, nhiều ý kiến cho rằng cần xử lý hài hòa giữa các vấn đề trước mắt và lâu dài, bảo đảm tính minh bạch, công khai, kỷ cương, kỷ luật trong điều hành, chủ động thông tin chính xác, rõ ràng đến người dân và doanh nghiệp để tăng thêm niềm tin, đồng thuận đối với các chính sách.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành từ nay đến Tết âm lịch khẩn trương giải quyết cơ bản các nút thắt của nền kinh tế là hàng hóa tồn kho và nợ xấu. Chính phủ chỉ đạo rà soát tính chính xác, minh bạch quy mô nợ xấu, các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu, tiếp tục cơ cấu lại nợ. Các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước nắm quyền chi phối phải chấp hành nghiêm và gương mẫu chia sẻ những khó khăn cùng doanh nghiệp; các tổ chức tín dụng cần nhận thức tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chính là tháo gỡ khó khăn cho chính hệ thống tổ chức tín dụng mình.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng kiến nghị Chính phủ cần sớm hoàn thành việc rà soát lại các công trình đầu tư dở dang đang bị giãn, hoãn tiến độ, thanh toán dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản; tập trung đầu tư hoàn thiện các dự án trọng yếu, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, ngành, vùng, địa phương.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần chủ động chỉ đạo, điều hành công tác quản lý giá, quản lý chất lượng, cân đối hàng hóa phục vụ nhân dân, bình ổn thị trường trong dịp trước, trong và sau Tết; bảo đảm giá vàng trong nước liên thông với giá vàng quốc tế…
Công ty Luật Hưng Nguyên