Luật sư tư vấn việc đấu tranh vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xăng dầu

3

Luật sư tư vấn việc đấu tranh vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xăng dầu

1. Thời gian qua, dư luận phản ánh về nhiều vi phạm, trốn thuế, lợi dụng chính sách để lợi dụng phạm tội trong lĩnh vực tạm nhập nhưng không tái xuất xăng, dầu, gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước.
– Đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an cho biết đã xử lý được bao nhiêu vụ hình sự? Trách nhiệm của ngành Công an trong vấn đề này?
– Đề nghị Bộ trưởng chỉ đạo cơ quan điều tra, các đơn vị chức năng của Bộ khẩn trương tập trung, xem xét, xử lý theo chức năng đối với lĩnh vực này, báo cáo Quốc hội và công khai tổ chức, cá nhân quản lý Nhà nước và doanh nghiệp vi phạm.
2. Thời gian qua, cử tri, dư luận có nhiều phản ánh và nghi ngờ về những dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng trong quản lý Nhà nước, điều hành kinh doanh xăng dầu. Đề nghị Bộ trưởng chỉ đạo cơ quan, đơn vị chức năng của Bộ tập trung điều tra, làm rõ những tiêu cực của tổ chức, cá nhân liên quan đến điều hành kinh doanh, điều hành giá, hạn ngạch xuất nhập, hải quan để phát hiện vi phạm, tham nhũng trong lĩnh vực này và báo cáo Quốc hội”.

1. Về tình hình vi phạm, trốn thuế, lợi dụng chính sách để phạm tội trong lĩnh vực tạm nhập nhưng không tái xuất xăng, dầu, gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước

Hiện nay, cả nước có 13 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu. Các doanh nghiệp này hoạt động kinh doanh xăng dầu theo Nghị định số 84/2009/NĐ-CP, ngày 15/10/2009 của Chính phủ. Trên cơ sở đó, Bộ Công thương ban hành Quy chế kinh doanh tạm nhập, tái xuất xăng dầu; Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan đối với nhập khẩu xăng, dầu và tạm nhập, tái xuất xăng dầu. Chỉ những doanh nghiệp đầu mối đủ điều kiện kinh doanh xăng, dầu theo Nghị định 84/2009 thì mới được phép kinh doanh tạm nhập, tái xuất xăng dầu.

Theo quy định hiện hành, xăng dầu tạm nhập tái xuất phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu quốc tế, cảng biển quốc tế và chịu sự giám sát của ngành Hải quan cho tới khi thực xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Xăng dầu tạm nhập tái xuất được lưu tại Việt Nam không quá 90 ngày, kể từ ngày hoàn thành thủ tục nhập khẩu. Trong trường hợp cần gia hạn, doanh nghiệp phải có văn bản đề nghị gia hạn gửi Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi làm thủ tục, thời hạn gia hạn không quá 03 lần cho mỗi lô xăng dầu tạm nhập tái xuất, mỗi lần gia hạn không quá 30 ngày. Như vậy mỗi lô xăng dầu tạm nhập – tái xuất chỉ được lưu tại Việt Nam không quá 180 ngày. Khi doanh nghiệp tái xuất không hết số xăng, dầu đã tạm nhập thì được làm thủ tục đưa vào kinh doanh nội địa và phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế với Nhà nước (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, phí xăng dầu …). Việc kinh doanh tạm nhập, tái xuất được các cơ quan Hải quan, cơ quan Thuế quản lý chặt chẽ.

Để tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh đối với vi phạm, trốn thuế, lợi dụng chính sách để phạm tội trong lĩnh vực tạm nhập nhưng không tái xuất xăng, dầu gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước, Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 23/CT-TTg, ngày 07/9/2012 về “Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan”; đồng thời chỉ đạo các đơn vị chức năng trong lực lượng Công an triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi gian lận, buôn lậu, trốn thuế trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Ngày 28/7/2012, lực lượng Công an phát hiện, bắt, xử lý Tàu Giang Châu của Trung Quốc đang bán xăng trái phép cho 3 tàu Việt Nam, thu giữ 2.000 tấn xăng tương đương 40 tỷ đồng; đã khởi tố bắt tạm giam 14 bị can (trong đó, 2 bị can là người Trung Quốc). Ngày 6/8/2012, tại vùng biển Vũng Tàu bắt quả tang Tàu Arafura mua bán dầu không có giấy tờ với Tàu BV 98459TS do Lê Minh Giáo điều khiển, đã tạm giữ gần 400.000 lít dầu.
Qua theo dõi, Bộ Công an chưa phát hiện việc các doanh nghiệp lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất xăng dầu để trốn thuế.

– Về nguyên nhân tình hình trên có nhiều, nhưng chủ yếu là do:
+ Nhiều doanh nghiệp tạm nhập nhưng không tái xuất mà tìm mọi cách đưa tiêu thụ nội địa như bán ngoài khơi phao số 0 hoặc bán cho tàu thuyền tại các vùng biển trong nước…
+ Khâu thanh toán trong việc mua – bán không quản lý được do bên kê khai tạm nhập không thanh toán trực tiếp mà do bên thứ 3 thanh toán; việc thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt…
+ Công tác kiểm tra, kiểm soát đối với các doanh nghiệp tạm nhập, tái xuất rất khó khăn, bị buông lỏng vì phần lớn các vụ mua bán xăng dầu trái phép đều xảy ra ở ngoài biển.
–  Về giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng vi phạm nêu trên
+ Các bộ, ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra từ khâu kê khai tạm nhập đến khâu tái xuất theo chứng từ nhập – xuất; đặc biệt là phải có quy định cụ thể trong công tác quản lý giám sát hàng hóa trong thời gian lưu kho, lưu bãi… đảm bảo không để các đối tượng lợi dụng tìm cách đưa tiêu thụ nội địa.
+ Quy định thanh toán phải qua hệ thống ngân hàng; bên nhập khẩu phải trực tiếp thanh toán không qua bên trung gian; không thanh toán bằng tiền mặt.
+ Bộ Công an tăng cường các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm minh các vi phạm trong lĩnh vực này.

2. Về vấn đề cử tri, dư luận có nhiều phản ánh và nghi ngờ về những dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng trong quản lý Nhà nước, điều hành kinh doanh xăng, dầu
Về vấn đề này, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị chức năng chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, nắm tình hình, phát hiện, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh các hành vi tiêu cực, tham nhũng của các tổ chức, cá nhân liên quan đến điều hành kinh doanh, điều hành giá, hạn ngạch xuất nhập, hải quan. Hiện nay, Bộ Công an chưa phát hiện và xử lý vụ việc vi phạm nào trong lĩnh vực này.

Bộ Công an xin cảm ơn sự quan tâm của Đại biểu./.

Công ty luật Hà Nội – Văn phòng luật sư Hưng Nguyên