Lượng luật sư tăng nhanh nhưng chất đổi chậm

5

Dịch vụ tư vấn luật: Theo đánh giá chung, đội ngũ luật sư Việt Nam hiện nay đã phát triển về số lượng, từng bước cải thiện được chất lượng nhưng muốn đáp ứng được yêu cầu của cải cách tư pháp và hội nhập thì vẫn còn phải nỗ lực rất nhiều…

Theo chiến lược phát triển nghề luật sư, đến năm 2020, nước ta sẽ có khoảng 18.000-20.000 luật sư (gấp ba lần hiện nay). Dự kiến có khoảng 30 tổ chức luật sư có quy mô từ 50 luật sư trở lên hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài (trong đó, 10 tổ chức có thương hiệu, uy tín trong khu vực và thế giới). Số luật sư có khả năng tham gia tư vấn, giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế là khoảng 150 người…

Chưa đạt tầm khu vực

Theo nhiều chuyên gia, việc chiến lược vạch ra các mục tiêu như trên là cần thiết, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với nghề luật sư. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn ngổn ngang rất nhiều câu hỏi: Làm thế nào nâng chất được luật sư để đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế? Làm thế nào để xã hội, người dân đặt nhiều niềm tin hơn vào vai trò của luật sư?

Tại một hội thảo phát triển nghề luật sư do Bộ Tư pháp tổ chức hồi cuối tháng 8 vừa qua, một lãnh đạo Bộ Tư pháp nhận xét: Đội ngũ luật sư hiện nay còn nhiều hạn chế như thiếu kinh nghiệm, kỹ năng hành nghề, thiếu chuyên nghiệp và chưa có tác phong tốt tại phiên tòa. Cạnh đó, chưa có nhiều luật sư rành rẽ về chuyên môn khó như sở hữu trí tuệ, tranh chấp thương mại quốc tế, hàng hải… Tất cả tranh chấp thương mại mang tính quốc tế thời gian vừa qua, Việt Nam toàn phải đi thuê luật sư nước ngoài. Theo thống kê, chỉ có khoảng 20 luật sư (trên tổng số hơn 6.250) đủ trình độ ngang tầm với luật sư trong khu vực – một tỉ lệ rất thấp.

 Các luật sư đang làm nhiệm vụ tại một phiên tòa ở TP.HCM. Ảnh: HTD

Trong một lần trả lời phỏng vấn của Pháp Luật TP.HCM mới đây, luật sư Nguyễn Đăng Trừng (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết khả năng ngoại ngữ yếu kém đang là một rào cản đối với giới luật sư Việt Nam khi hội nhập quốc tế. Ngay tại Đoàn luật sư TP.HCM – đoàn luật sư mạnh nhất nước, trong tổng số khoảng 4.000 luật sư và người tập sự hành nghề luật sư thì chỉ có khoảng 400 người nghe, nói thạo tiếng Anh. Không thông thạo ngoại ngữ, các luật sư sẽ mất những cơ hội trao đổi, tiếp thu kinh nghiệm quý báu của đồng nghiệp khu vực và quốc tế trong hoạt động pháp lý ngày một rộng mở hiện nay.

Vì mưu sinh mà thiếu “lửa nghề”?

Nghề luật sư cao quý ở chỗ không chỉ đơn thuần cung cấp dịch vụ pháp lý để kiếm tiền mà còn mang trên mình sứ mệnh của một “hiệp sĩ” bảo vệ công lý, công bằng xã hội.

Tuy nhiên, điều đáng tiếc là hiện vẫn còn một bộ phận không nhỏ luật sư “khủng hoảng trong ý thức về lý tưởng nghề nghiệp” như nhận định thẳng thắn của luật sư Trịnh Vĩnh Phúc (Đoàn Luật sư TP.HCM). Theo ông, nhiều luật sư chỉ xem nghề là phương tiện kiếm sống đơn thuần, dùng các tiểu xảo nghề nghiệp để trục lợi. Họ làm việc như… “thợ luật”, dễ dàng chà đạp lên chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và vi phạm pháp luật.

luật sư Phan Trung Hoài (Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn luật sư Việt Nam) cũng nhìn nhận phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của luật sư vẫn đang là một mối quan tâm lớn. Trong một chừng mực nhất định, hoạt động của luật sư chưa tương xứng với kỳ vọng của xã hội, chưa gầy dựng được niềm tin trong lòng công chúng.

Trong một buổi tọa đàm do Pháp Luật TP.HCM tổ chức, Thẩm phán Vũ Phi Long (Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM) cho biết điều làm các cán bộ tố tụng bức xúc là có cả những luật sư già tuổi đời, cứng chuyên môn lại vẫn thường xuyên dùng “tiểu xảo” để kéo rê vụ án. Sự thiếu hợp tác này thực chất là một thái độ “phản tranh tụng” tiêu cực, vì lợi ích riêng của thân chủ mà bất chấp đến lợi ích chung. Kiểm sát viên cao cấp Võ Văn Thêm (Viện Phúc thẩm 3 VKSND Tối cao) cũng cho rằng một số luật sư phải nhìn lại mình nếu như họ muốn là một thành phần quan trọng trong cải cách tư pháp.

Nhiều luật sư thất nghiệp, vì sao?

Tại hội thảo phát triển nghề luật sư do Bộ Tư pháp tổ chức cuối tháng 8 tại TP Vũng Tàu, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai Lê Quang Y than thở: Hiện nay đang tồn tại một nghịch lý là số lượng tổng thể ít mà nhiều luật sư vẫn đang thất nghiệp. Chẳng hạn ở Đồng Nai, nhiều văn phòng luật sư mở ra nhưng không có khách. Các luật sư phải xoay xở bằng cách chuyển sang làm các dịch vụ như dịch thuật, sao chụp tài liệu… để trả tiền thuê mặt bằng mở văn phòng.

Không chỉ riêng Đồng Nai, theo một đại biểu khác, ngay tại TP.HCM – thị trường dịch vụ pháp lý sôi động nhất nước thì số lượng luật sư chỉ đơn thuần sống bằng việc hành nghề luật sư thật sự lại không nhiều, phần lớn là kiêm nhiệm các dịch vụ khác.

Theo luật sư Quang Y, nguyên nhân của thực tế đáng buồn này là do tâm lý người dân chưa đặt niềm tin vào luật sư và xã hội chưa tạo ra vị trí xứng đáng cho luật sư.

________________________________________

Muốn nghề luật sư phát triển thì cần phải làm ba việc cụ thể: Tác động vào cơ chế thực thi pháp luật, làm thay đổi nhận thức của xã hội về nghề này và nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động của đội ngũ luật sư.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp HOÀNG THẾ LIÊN

Chiến lược phát triển nghề luật sư vạch ra việc tăng số lượng là thiết yếu nhưng quan trọng nhất vẫn là nâng tầm và nâng chất luật sư. Để làm được điều ấy, chúng ta phải tạo ra một môi trường pháp lý thông thoáng, lành mạnh; hoàn thiện cơ chế quản lý phối hợp giữa các cơ quan tố tụng, Liên đoàn Luật sư và các sở, ban ngành liên quan.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM UNG THỊ XUÂN HƯƠNG

Luật sư không được vì lợi ích trước mắt mà vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật, không thể dùng mọi khả năng để đổi trắng thay đen sự thật. Để được như vậy, luật sư cần phải tự nâng cao, trau dồi kỹ năng kiến thức nghề nghiệp, phải tận tâm, tận tình trong công việc.

Luật sư NGUYỄN MINH TÂM (Phó Tổng Thư ký Liên đoàn
Luật sư Việt Nam)

Nếu luật sư không giữ gìn đạo đức nghề nghiệp cao quý của mình mà cứ hứa hão, hứa suông nhằm lôi kéo khách hàng, nhằm thu tiền thù lao cao thì rất nguy hiểm. Vừa dễ dẫn đến mất uy tín, vừa không xây dựng được thương hiệu cho mình lại dễ dẫn tới sai phạm.

Luật sư TRƯƠNG XUÂN TÁM (Đoàn Luật sư tỉnh
Bà Rịa-Vũng Tàu)

Nhiều luật sư nhưng không có ai thuê hoặc không có chất lượng thì cũng chẳng để làm gì. Do vậy phát triển số lượng thì cũng phải tính cả những biện pháp tổng thể khác.

Luật sư TRẦN HẢI ĐỨC (Đoàn Luật sư TP.HCM)

CÔNG TY LUẬT HỒNG NGUYÊN