Một số suy nghĩ và đề xuất về sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư 2006

7

I. ĐẶC ĐIỂM CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN CỦA NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ LUẬT SƯ, TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG LUẬT SƯ Ở NƯỚC TA

Để định hướng và đề xuất những nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư 2006, trước hết chúng tôi thấy cần thiết phân tích đặc điểm lịch sử, kinh tế, chính trị, xã hội kèm theo những thay đổi, phát triển của những quy định về luật sư, tổ chức và hoạt động luật sư ở nước ta từ khi giành độc lập 1945 cho đến nay.

Quá trình này có thể được chia thành các giai đoạn sau đây:

– Giai đoạn từ Sắc lệnh số 46/SL ngày 10/10/1945 về Tổ chức Đoàn thể luật sư đến Pháp lệnh tổ chức luật sư 1987;

– Giai đoạn từ Pháp lệnh Tổ chức luật sư năm 1987 đến Pháp lệnh Luật sư 2001;

– Giai đoạn từ Pháp lệnh luật sư năm 2001 đến Luật Luật sư 2006;

– Giai đoạn thi hành Luật Luật sư từ 2006 đến nay.

1. Giai đoạn từ Sắc lệnh số 46/SL ngày 10/10/1945 về Tổ chức đoàn thể luật sư đến Pháp lệnh Tổ chức luật sư 1987

Đây là giai đoạn nước nhà giành độc lập, nhưng ngay sau đó bước vào hai cuộc kháng chiến cứu nươc chống thực dân Pháp và giải phóng miền Nam, tiếp theo là 10 năm trong cơ chế quan liêu – bao cấp nặng nề; Bởi vậy, trên thực tế, Sắc lệnh số 46/SL về Tổ chức đoàn thể luật sư không được triển khai thi hành. Trong giai đoạn này nước ta có ba Hiến pháp 1946, 1959 và 1980. Điều 67 Hiến phap 1946 quy định: “…Người bị cáo được quyền tự bào chữa lấy hoặc mướn luật sư”; tuy nhiên Hiến pháp 1959 chỉ quy định: “…Quyền bào chữa của bị cáo được bảo đảm” ( Điều 101), mà không hề nhắc tới luật sư; điều này phản ánh rõ quan niệm khi đó về cơ chế bảo vệ quyền của bị can, bị cáo trong tố tụng và quan niệm tiêu cực về luật sư và nghề luật sư. Vì những nguyên nhân nêu trên, nên trên thực tế trong giai đoạn này, nghề luật sư không tồn tại ở nước ta, thay vào đó là chế định bào chữa viên với Sắc lệnh số 69/SL ngày 12/01/1949 quy định bị cáo có thể nhờ người không phải là luật sư bào chữa cho mình, Nghị định số 01/NĐ-VY ngày 12/01/1950 quy định tiêu chuẩn bào chữa viên, Thông tư số 691/QLTPK ngày 31/10/1983 của Bộ Tư pháp “về công tác bào chữa viên” quy định tiêu chuẩn bào chữa viên, tổ chức bào chữa viên. Để khắc phục nhược điểm này, tạo cơ sở pháp lý khôi phục chế định luật sư, Hiến pháp 1980 đã lấy lại quy định “quyền bào chữa của bị cáo được bảo đảm” của Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959, với một nội dung bổ sung quan trọng, có ý nghĩa định hướng cho việc xây dựng chế định luật sư mới ở nước ta : “…Quyền bào chữa của bị cáo được bảo đảm.

Tổ chức luật sư được thành lập để giúp bị cáo và các đương sự khác về mặt pháp lý.” (Điều 133, Hiến pháp 1980 ).

2. Giai đoạn từ Pháp lệnh Tổ chức luật sư 1987 đến Pháp lệnh luật sư 2001

Bắt đầu giai đoạn này là những năm khởi đầu đổi mới ở nước ta kể từ Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 với một chủ trương lớn và quan trọng là mở rộng dân chủ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực tư pháp. Tuy nhiên, tiền đề cho việc khôi phục chế định luật sư thì đã có từ Hiến pháp 1980 như đã trình bày ở trên. Pháp lệnh Tổ chức luật sư năm 1987 đã được xây dựng căn cứ vào tinh thần Hiến pháp 1980 và quan điểm đổi mới mà Đai hội VI của Đảng đề ra và được ban hành chỉ một năm sau khi có Nghị quyết Đại hội VI. Đặc điểm này đã khiến nội dung Pháp lệnh tuy đã có những quy định tương đối tiến bộ như quy định lĩnh vực hành nghề luật sư bao gồm tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác, quy định cụ thể các quyền, nghĩa vụ của luật sư trong các lĩnh vực hoạt động…; nhưng các quy định về tổ chức thì còn mang nặng dấu ấn của quan liêu – bao cấp với quan điểm coi trọng “tổ chức”, xem nhẹ vị trí, vai trò của cá nhân luật sư. Điều này được thể hiện ngay ở tên của Pháp lệnh, cách bố cục của Pháp lệnh và được triển khai cụ thể ở các quy định về Đoàn luật sư. Theo Pháp lệnh thì Đoàn luật sư là “ tổ chức nghề nghiệp của các luật sư”, tất cả các luật sư của mỗi tỉnh, thành phố đều hành nghề và sinh hoạt trong một Đoàn luật sư theo một quy chế tổ chức và hoạt động như một “hợp tác xã”; các luật sư không được thành lập văn phòng luật sư hoặc công ty luật (tổ chức hành nghề) của mình. Chính những quy định này đã là nguyên nhân cơ bản trói buộc, kìm hãm sự pháp triển đội ngũ luật sư và nghề luật sư nói chung. Qua gần 14 năm thi hành Pháp lệnh tổ chức luật sư, số lượng luật sư ở nước ta mới chỉ là trên 1000 luật sư, chất lượng dịch vụ của luật sư thấp, tính chất cơ bản của nghề luật sư là một nghề tự do không được tôn trọng, nghề luật sư ở nước ta quá cách biệt và lạc hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới…

3. Giai đoạn từ Pháp lệnh Luật sư năm 2001 đến Luật Luật sư 2006

Đây là giai đoạn chuyển đổi cơ bản của chế định luật sư ở nước ta. Sau 15 năm đổi mới, đất nước ta đã có những thay đổi rõ rệt, đã đạt được những thành tựu to lớn trong mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và hội nhập quốc tế; công cuộc đổi mới, cải cách tổ chức và hoạt động tư pháp được xúc tiến mạnh mẽ và đã thu được những kết quả quan trọng. Trong bối cảnh đó, Pháp lệnh Luật sư 2001 được ban hành đã trả lại cho nghề luật sư những đặc tính vốn có của nó phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo tiền đề cho sự phát triển nhanh và đúng hướng của nghề luật sư ở nước ta. Điều này được thể hiện rõ ở những điểm sau đây:

Thứ nhất, Pháp lệnh Luật sư đã chuyển hẳn cách tiếp cận vấn đề từ chỗ đặt tổ chức luật sư (Đoàn luật sư) làm trung tâm đến chỗ đặt Luật sư ở vị trí trung tâm, từ đó quy định tiêu chuẩn, điều kiện trở thành luật sư, quyền, nghĩa vụ của luật sư, tổ chức hành nghề của luật sư, tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư… Cách tiếp cận vấn đề như vậy là đúng với bản chất của nghề luật sư và phù hợp với quan niệm phổ biến về luật sư và nghề luật sư trên thế giới.

Thứ hai, về tiêu chuẩn luật sư, so với Pháp lệnh tổ chức luật sư 1987, Pháp lệnh luật sư 2001 đã không chấp nhận người có trình độ “tương đương đại học pháp lý” và bổ sung một tiêu chuẩn quan trọng là phải qua khóa đào tạo nghề luật sư. Đây là một bước tiến lớn theo hướng “chính quy hóa”, chuyên nghiệp hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư và tiếp cận với thông lệ quốc tế về tiêu chuẩn luật sư.

Thứ ba, và cũng là vấn đề mấu chốt, mang ý nghĩa đột phá, “cởi trói” là Pháp lệnh luật sư 2001 đã quy định các luật sư có quyền thành lập tổ chức hành nghề của mình (văn phòng luật sư, công ty luật); đồng thời phân biệt rạch ròi giữa “tổ chức hành nghề” và “tổ chức xã hội – nghề nghiệp” của luật sư, đưa các Đoàn luật sư về đúng vị trí của của một tổ chức xã hội-nghề nghiệp. Nhờ có quy định “cởi trói” này mà số lượng luật sư ở nươc ta đã tăng nhanh đáng kể, từ trên 1000 luật sư vào trước thời điểm Pháp lệnh luật sư 2001 có hiệu lực , đến tháng 12/2006, tức là chỉ sau 5 năm, số lượng luật sư đã là trên 4200. Đồng thời, các tổ chức hành nghề luật sư đã được thành lập hàng loạt ngay sau ngày Pháp lệnh có hiệu lực và và liên tục tăng nhanh; tính đến tháng 12/2006 đã dạt tới con số trên 1200 tổ chức hành nghề luật sư. Chất lượng dịch vụ của luật sư cũng từng bước được nang cao; đã bắt đầu có những công ty luật chuyên cung cấp dịch vụ trong các lĩnh vực kinh doanh, đầu tư, thương mại trong nước và hành nghề luật quốc tế.

4. Giai đoạn thi hành Luật Luật sư từ tháng 01/2007 đến nay

Những đặc điểm chính trị, kinh tế sau đây của đất nước dẫn đến việc ban hành Luật Luật sư thay thế Pháp lệnh Luật sư 2001:

– Bộ Chính trị BCHTU Đảng ra Nghị quyết số 49-NQ/TU ngày 02/6/2005 về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó đề ra định hướng chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 bao gồm ba nội dung chính là phát triển đội ngũ luật sư về số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế; hoàn thiện cơ chế bảo đảm để luật sư thực hiện tốt việc tranh tụng tại phiên tòa; tạo điều kiện về pháp lý để phát huy chế độ tự quản của tổ chức luật sư ;

– Đất nước bước vào thời kỳ hội nhập mạnh mẽ với việc ký kết Hiệp định Thương mại với Mỹ và gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới;

– Chủ trương của Quốc hội nâng các Pháp lệnh lên thành Luật để tiến tới bỏ hình thức Pháp lệnh.

Có thể nói, về cơ bản nội dung của Pháp lệnh Luật sư năm 2001 đã phù hợp với bản chất của nghề luật sư theo thông lệ quốc tế và có tính đến điều kiện đặc thù của nước ta. Trong thực tế thi hành, Pháp lệnh Luật sư đã phát huy tác dụng rõ rệt trong việc phát triển đội ngũ luật sư và nghề luật sư nói chung ở nước ta theo hướng chính quy, chuyên nghiệp. Bởi vậy , Luật Luật sư được ban hành thay thế Pháp lệnh, về cơ bản vẫn giữ lại các quy định của Pháp lệnh, với một số sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu của Chiến lược cải cách tư pháp và tăng cường hội nhập quốc tế. Những sửa đổi, bổ sung chính đó là:

– Mở rộng diện đối tượng đã làm công tác tư pháp được miễn đào tạo nghề luật sư, được miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư; thay quy chế luật sư tập sư bằng quy chế người tập sư hành nghề luật sư, trong đó, để bảo đảm quyền lợi của khách hàng sử dụng dịch vụ pháp lý, người tập sư hành nghề luật sư không được phép hoạt động hành nghề như luật sư tập sự theo quy định của Pháp lệnh luật sư ;

– Bổ sung hoạt động đại diện ngoài tố tụng trong phạm vi hành nghề của luật sư; quy định cụ thể một số quyền, nghĩa vụ của luật sư trong các hoạt động hành nghề;

– Bổ sung một hình thức hành nghè luật sư với tư cách cá nhân; cho phép luật sư thành lập công ty luật trách nhiệm hữu hạn, kể cả công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên ;

– Quy định đầy đủ về tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư là Liên đoàn luật sư Việt Nam và Đoàn luật sư ở các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ; một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc Bộ Tư pháp trước đó được chuyển giao cho LĐLSVN;

– Đưa quy định về hành nghề của luật sư nước ngoài tại Việt Nam vào Luật Luật sư.

Những sửa đổi, bổ sung trong Luật Luật sư so với Pháp lệnh Luật sư về cơ bản đã phát huy tác dụng trong thực tế. Số lượng luật sư tiếp tục tăng, từ trên 4200 (tháng 12/2006) lên 6659 luật sư (tính đến tháng 10/2011); số lượng tổ chức hành nghề luật sư tăng nhanh, từ trên 1200 (tháng 12/2006) lên đến gần 3000 (tháng 10/2011). Chất lượng đội ngũ luật sư được cải thiện một bước. Số lượng dịch vụ pháp lý của luật sư tăng, chất lượng được nâng cao. Liên đoàn luật sư được thành lập và đã bước đầu thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các luật sư, vai trò tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư, tập hợp các Đoàn luật sư, các luật sư trong cả nước dưới môt mái nhà chung…

Tuy nhiên, qua thực tiễn sau 5 năm thi hành, Luật Luật sư cũng đã bộc lộ một số nhược điểm cần đươc quan tâm khắc phục. Theo chúng tôi thì nhược điểm của Luật Luật sư tập trung vào hai nhóm vấn đề chính sau đây:

Thứ nhất, quy định về điều kiện, thủ tục trở thành luật sư còn tương đối rươm rà và có những điểm chưa hợp lý ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư; cụ thể là :

– Quy định chỉ người có bằng cử nhân luật mới được tham gia khóa đào tạo và  tập sự để trở thành luật sư đã bó hẹp nguồn nhân lực phát triển đội ngũ luật sư, đồng thời lãng phí một lực lượng có trình độ chuyên môn sâu trong các lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng…, những lĩnh vực ngày càng thường xuyên cần đến dịch vụ của luật sư rất;

– Quy định người tập sư hành nghề luật sư không được thực hiện dịch vụ pháp lý cho khách hàng làm giảm chất lượng tập sự hành nghề; đồng thời việc bỏ quy chế “luật sư tập sự” để thay bằng quy chế “người tập sự hành nghề luật sư” đã làm mất đi sự gắn kết của người tập sự với tổ chức xã hội-nghề nghiệp của luật sư, hạn chế hiệu quả của công tác quản lý, giám sát của Đoàn luật sư, Liên đoàn luật sư đối với những người này ;

– Theo quy định của Luật Luật sư thì người muốn trở thành luật sư và được hành nghề luật sư phải trải qua các công đoạn sau: khóa đào tạo nghề 06 tháng, đăng ký tập sự, tập sự hành nghề từ 09 đến 18 tháng, kỳ kiểm tra kết quả tập sự, gia nhập Đoàn luật sư, đăng ký hành nghề luật sư; và phải có được các văn bằng, chứng chỉ sau: Giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo nghề, Chứng chỉ hành nghề, Thẻ luật sư, Giấy đăng ký hành nghề (đó là không kể đến Bằng cử nhân luật, Giấy chứng nhận người bào chữa nếu muốn được tham gia tố tụng ). Liệt kê trên đây cho thấy các điều kiện và thủ tục để trở thành luật sư và được phép hành nghề luật sư là tương đối nặng nề và phức tạp, phần nào có ảnh hưởng tiêu cực đến sư phát triển của đội ngũ luật sư và nghề luật sư nói chung;

Thứ hai, Luật Luật sư đã quy định hoàn chỉnh hệ thống tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư, đặc biệt đã quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ chức luật sư toàn quốc. Sau hơn hai năm thi hành Luật Luật sư, Liên đoàn luật sư Việt Nam đã được thành lập và đã tích cực triển khai thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Liên đoàn đã hoàn chỉnh và ổn định về tổ chức theo quy định của pháp luật và Điều lệ của Liên đoàn; đã triển khai nhiều hoạt động có hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình. Cho đến nay Liên đoàn Luật sư đã bước đầu tập hợp, gắn kết được các Đoàn luật sư, các luật sư thành viên của Liên đoàn. Tuy nhiên, những kết quả trong việc gắn kết và thực hiện chức năng của tổ chức xã hội – nghề nghiệp tự quản thống nhất trong phạm vi toàn quốc của Liên đoàn còn bị hạn chế do một số quy định của Luật Luật sư và các văn bản quy định chi tiết còn chưa hợp lý. Cụ thể là :

– Ngoài Điều lệ của Liên đoàn, các Đoàn luật sư có Điều lệ riêng của mỗi Đoàn. Quy định này đã gây khó khăn cho công tác quản lý thống nhất của Liên đoàn, hạn chế sự gắn kết của các Đoàn luật sư với Liên đoàn;

– Chưa có cơ chế gắn kết các tổ chức hành nghề luật sư với Đoàn luật sư và Liên đoàn luật sư;

– Việc thưc hiện nguyên tắc kết hợp quản lý nhà nước với vai trò tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư chưa có hiệu quả cao do Luật Luật sư chưa phân định thật rõ ràng và có những điểm chưa hợp lý về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước và của tổ chức luật sư; dẫn đến việc quy định chi tiết thi hành và trong thực tiễn thi hành, cơ quan quản lý nhà nước làm thay một số nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức luật sư.

Ngoài ra, một số quy định về tổ chức và hoạt động hành nghề của luật sư còn chưa thật hợp lý, phần nào gây khó khăn cho luật sư khi hành nghề và cho công tác quản lý, cũng cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.

5. Nhận xét chung

Kể từ khi nước ta giành độc lập 1945 cho đến nay, quy định về luật sư, tổ chức và hoạt động luật sư ở nước ta đã có 4 giai đoạn phát triển để tiến tới hoàn thiện. Trong đó, mở đầu mỗi giai đoạn đều có một văn bản pháp luật mới thay thế văn bản pháp luật cũ. Đặc điểm này là do điều kiện thực tế và yêu cầu xây dựng, phát triển của đất nước trong mỗi giai đoạn. Pháp lệnh Tổ chức luật sư 1987 thay thế Sắc lệnh số 46/SL năm 1945 về tổ chức đoàn thể luật sư khi đất nước ta đã chuyển hoàn toàn từ điều kiện chiến tranh, chia cắt sang thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước Việt Nam thống nhất; Pháp lệnh Luật sư 2001 thay thế Pháp lệnh tổ chức luật sư 1987 là một bước chuyển đổi cơ bản về chất phù hợp với yêu cầu của đất nước trong điều kiện nền kinh tế chuyển sang phát triển theo cơ chế thị trường, xây dựng nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế; Luật Luật sư thay thế Pháp lệnh Luật sư 2001 thưc ra chỉ sửa đổi, bổ sung một số chương, điều, khoản cụ thể nhằm góp phần thể chế hóa Chiến lược cải cách tư pháp và  hội nhập quốc tế, nhưng do yêu cầu thay đổi hình thức văn bản nên ban hành Luật Luật sư thay thế Pháp lệnh Luật sư.

II. MỘT SỐ ĐỀ XUẤT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG LUẬT LUẬT SƯ

Như trên đã trình bày, những quy định của Luật Luật sư hiện hành, về cơ bản, đã là phù hợp bản chất, tính chất của nghề luật sư theo thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế. Bởi vậy, lần này, theo chúng tôi chỉ nên đặt vấn đề ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư nhằm khắc phục những nhược điểm đã bộc lộ qua thực tế thi hành, làm tăng tính khả thi và hiệu quả thi hành của các điều khoản đó, góp phần thực hiện định hướng chiến lược của Cải cách tư pháp và các mục tiêu của Chiến lược phát triển nghề luật sư.

Trên tinh thần đó, chúng tôi đề xuất sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể sau đây:

1. Sửa đổi, bổ sung một số quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình trở thành luật sư và được phép hành nghề luật sư ( chương II, Luật Luật sư ) nhằm tạo cơ sở pháp lý thuận lợi hơn cho việc phát triển số lượng luật sư, nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư.

– Sửa quy định tiêu chuẩn “có bằng cử nhân luật” thành quy định “có bằng cử nhân luật hoặc bằng cử nhân kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng”.

Việc nới rộng tiêu chuẩn như vậy sẽ tăng thêm nguồn bổ sung cho đội ngũ luật sư, đồng thời tăng cường số lượng, chất lượng, tính chuyên sâu cho đội ngũ luật sư tư vấn và tranh tụng trong các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại. Một số nước , trong đó có Trung quốc cũng có quy định tương tự.

– Giữ quy định thời gian của khóa đào tạo luật sư đối với người có bằng cử nhân luật là 06 tháng, bổ sung quy định “thời gian khóa đào tạo luật sư đối với người có bằng cử nhân thuộc các lĩnh vực khác là 12 tháng, trong đó có 06 tháng học về kiến thức pháp luật”.

Bỏ quy định miễn đào tạo nghề luật sư đối với thẩm tra viên chính, kiểm sát viên chính, chuyên viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật.

Bổ sung quy định người được miễn đào tạo nghề luật sư phải qua khóa bồi dưỡng ngắn hạn kỹ năng hành nghề luật sư do Liên đoàn luật sư tổ chức.

– Lấy lại danh xưng “luật sư tập sự” thay cho danh xưng “người tập sự hành nghề luật sư” và sửa đổi, bổ sung quy định về luật sư tập sự như sau:

Luật sư tập sự được tư vấn cho khách hàng, được tham gia tố tung hình sự đối với các vụ án phạm tội ít nghiêm trọng, với điều kiện được khách hàng đồng ý và luật sư hướng dẫn phải chịui trách nhiệm trước khách hàng và liên đới chịui trách nhiệm trước pháp luật.

Luật sư tập sự là thành viên (không đầy đủ) của Đoàn luật sư, Liên đoàn luật sư, có các quyền, nghĩa vụ của thành viên, trừ quyền bầu cử, ứng cử vào các cơ quan, các chức danh của Đoàn luật sư, Liên đoàn luật sư.

– Thay kỳ “kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư” bằng kỳ Thi chứng chỉ luật sư. Kỳ thi do Liên đoàn luật sư chủ trì tổ chức, có sự giám sát của Bộ Tư pháp. Thành phần Hội đồng thi có đại diện Liên đoàn luật sư, Bộ Tư pháp, Tòa án tối cao.

Người thi đỗ kỳ Thi chứng chỉ luật sư được Liên đoàn Luật sư cấp Chứng chỉ luật sư, trở thành thành viên chính thức của Đoàn Luật sư và Liên đoàn Luật sư .

2. Sửa đổi, bổ sung quy định về tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư (chương V, Luật Luật sư ) nhằm “ phát huy chế độ tự quản của tổ chức luật sư” và nâng cao trách nhiệm của tổ chức luật sư trong công tác quản lý đội ngũ luật sư.

– Quy định Tổ chức xã hội- nghề nghiệp của luật sư chỉ có một Điều lệ chung là Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt nam. Các Đoàn luật sư không có Điều lệ riêng, mà chỉ có những quy định nội bộ không trái với Điều lệ Liên đoàn.

– Bổ sung quy định tổ chức hành nghề luật sư là thành viên tự nguyện của Đoàn luật sư và Liên đoàn Luật sư.

– Bổ sung vào nhiệm vụ, quyền hạn của Liên đoàn luật sư nhiệm vụ “quản lý đội ngũ luật sư, luật sư tập sự trong cả nước nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn bảo đảm cung cấp dịch vụ pháp lý có chất lượng cho xã hội”.

Liên quan đến việc bổ sung quy định này, cần bỏ quy định quản lý nhà nước “về luật sư”, chỉ giữ lại quản lý nhà nước “về hành nghề luật sư” trong chương “Quản lý hành nghề luật sư” (chương VII ). Nhà nước chỉ tập trung vào những  việc sau đây: ban hành khung pháp lý; cấp phép thành lập, phê duyệt Điều lệ của tổ chức xã hội – nghề nghiệp luật sư; đăng ký hành nghề cho tổ chức hành nghề luật sư, luật sư; kiểm tra thanh tra việc chấp hành pháp luật của các tổ chức hành nghề luật sư, luật sư nhằm phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý vi phạm; hỗ trợ phát triển nghề luật sư.

– Giao cho Liên đoàn luật sư quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện các quy định của Luật Luật sư về tập sự hành nghề luật sư; về tổ chức, hoạt động của Đoàn luật sư và các quy định khác trong Chương về tổ chức xã hội-nghề nghiệp của luật sư.

3. Tạo cơ sở pháp lý để góp phần tháo gỡ những khó khăn, cản trở trong hoạt động hành nghề của luật sư, đồng thời đề cao trách nhiệm của luật sư trong hành nghề.

Vấn đề này có liên quan đến một số đạo luật khác, đặc biệt là các luật tố tụng. Trong phạm vi điều chỉnh của Luật Luật sư, theo chúng tôi, cần sửa đổi, bổ sung một số quy định sau đây ( chương III ):

– Bổ sung một điều quy định về trách nhiệm của luật sư trong hành nghề, bao gồm: tôn trọng và tuân thủ pháp luật, tuân theo quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp; bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng; đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật…

– Đơn giản hóa thủ tục cấp giấy chứng nhận luật sư tham gia tố tụng với quan niệm quyền được tự bào chữa,bảo vệ hoặc nhờ luật sư bào chữa, bảo vệ trong tố tụng là  quyền của cá nhân, tổ chức, và việc tham gia tố tụng theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức là quyền của luật sư đã được Hiến pháp và luật quy định; do đó khi cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng cho một người chỉ cần xác nhận người đó có phải là luật sư không và có được cá nhân, tổ chức  yêu cầu không. Xuất phát từ quan niệm đó, trước hết đề nghị đổi tên “ giấy chứng nhận” tham gia tố tụng thành “giấy đăng ký” tham gia tố tụng; để được cấp giấy đăng ký tham gia tố tụng trong trường hợp do khách hàng nhờ,luật sư chỉ cần cung cấp thông tin về họ tên, số, ngày tháng cấp Chứng chỉ luật sư và nộp giấy nhờ luật sư của khách hàng; giấy giới thiệu của tổ chức hành nghề chỉ phải có trong trường hợp khách hàng nhờ luật sư qua tổ chức hành nghề mà không nhờ đích danh luật sư ; bỏ quy định phải có giấy giới thiệu của Đoàn luật sư đối với trường hợp khách hàng nhờ luật sư hành nghề với tư cách cá nhân; Giấy đăng ký luật sư tham gia tố tụng chỉ cấp một lần cho luật sư nhận bào chữa, bảo vệ cho cùng một người trong cung một vụ án, do cơ quan tiến hành tố tụng thuộc giai đoạn tố tụng mà luật sư đó bắt đầu tham gia cấp và có giá trị trong tất cả các giai đoạn tố tụng tiếp theo.

– Bỏ quy định tổ chức hành nghề luật sư có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho luật sư của tổ chức mình, với lý do Luật kinh doanh bảo hiểm hiện hành chỉ quy định hoạt động tư vấn pháp luật phải có bảo hiểm bắt buộc, trong khi đó hầu hết các tổ chức hành nghề luật sư của ta hiện nay đều cung cấp dịch vụ trong cả lĩnh vực tham gia tố tụng và tư vấn pháp luật, trong đó đa phần cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực tham gia tố tụng là chủ yếu. Mặt khác,trong điều kiện thưc tế của nghề luật sư ở ta hiện nay, khi mà đại bộ phận luật sư, đặc biệt là luật sư ở các tỉnh mới chỉ cung cấp những dịch vụ nhỏ, giá trị kinh tế không cao và rủi ro tài chính thấp, thì chưa nên quy định bảo hiểm bắt buộc đối với dịch dịch vụ tư vấn pháp luật và dịch vụ luật sư nói chung; mà nên để cho những công ty luật chuyên cung cấp dịch vụ trong các lĩnh vưc kinh doanh, đầu tư, thương mai tự nguyện mua bảo hiểm khi thấy cần thiết để bảo đảm sự tin tưởng của khách hàng.

– Nghiên cứu đơn giản hóa các thủ tục đăng ký hoạt động, thay đổi nội dung giấy đăng ký,tạm ngừng hoạt động, hợp nhất, sát nhập, giải thể tổ chức hành nghề luật sư theo quan điểm nhường thuận lợi cho dân, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, công chức nhà nước.

Hà Nội, ngày 30/10/2011
Luật sư Nguyễn Văn Thảo