Phải tháo “điểm nghẽn” thể chế để án dân sự có hiệu lực

132

Một trong những nguyên nhân quan trọng của việc thi hành án dân sự (THADS) còn tồn đọng trước hết là do thể chế của pháp luật về tố tụng và THADS chưa coi trọng công tác bảo đảm cho bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật được chấp hành trên thực tế. Nếu “tháo” điểm nghẽn này, án tồn đọng chắc chắn sẽ giảm.

Không có tài sản, Tòa tuyên phạt “cho vui”        

Xin kể ba nguyên nhân điển hình dẫn đến án tồn đọng. Thứ nhất, từ khi khởi tố vụ án hình sự, khởi kiện vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, lao động… cho đến khi có quyết định thi hành án dân sự, thời gian này có thể kéo dài từ 2 tháng đến 3 năm và có thể lâu hơn đối với vụ việc phức tạp, thì cơ quan THADS mới bắt đầu tổ chức thi hành án dân sự.

Trong khi đó, tội phạm, hay người có hành vi vi phạm pháp luật, có lỗi…, có thể nói phần lớn không phải là người có ý thức tuân thủ pháp luật tốt. Đối với người có điều kiện THADS thì việc tẩu tán tài sản để trốn tránh việc thi hành án từ khi bắt đầu có quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc có đơn khởi kiện là điều dễ thấy.

Hai là  tỷ lệ việc THADS trong bản án hình sự chiếm khá cao hàng năm từ 55 – 65% số quyết định thi hành án dân sự; thế nhưng tội phạm về các tội mà BLHS qui định hình phạt tiền, tịch thu tài sản, nhiều người phạm tội hoàn toàn không có điều kiện để thi hành (không có tài sản, việc làm, thu nhập, đời sống khánh kiệt) ngay từ khi có quyết định khởi tố vụ án; nhưng Toà án vẫn phải tuyên phạt tiền, tịch thu tài sản, án có hiệu lực, cơ quan THA vẫn phải chủ động ban hành quyết định THA theo qui định của pháp luật về THADS và sau đó phải ra quyết định hoãn thi hành; hằng năm phải tiến hành thủ tục xác minh cho đến khi đủ thời gian được miễn giảm mới được đình chỉ thi hành gây không ít khó khăn cho cơ quan thi hành án, tốn kém cho ngân sách Nhà nước và giá trị của hình phạt này không có ý nghĩa trên thực tiễn.

Ba là Luật THADS qui định chấp hành viên cơ quan THADS là người chịu trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành án đối với các khoản chủ động ra quyết THADS và xác minh điều kiện thi hành án khi có đơn yêu cầu xác minh điều kiện thi hành án của người được thi hành án; nhưng qui định của pháp luật về xét miển giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cho người đang chấp hành hình phạt tù đồng thời phải thi hành án dân sự, chấp hành viên cơ quan THADS không được tham gia; không được lấy ý kiến về điều kiện THADS của người phải THADS đang chấp hành hình phạt tù; cho nên có trường hợp người đang chấp hành hình phạt tù, có điều kiện thi hành về tài sản, chưa thi hành xong nghĩa vụ dân sự, chính quyền địa phương xác nhận cho là ‘hoàn cảnh kinh tế khó khăn’, vẫn được giảm án ra tù trước thời hạn, gây không ít bức xúc cho người được THADS và bất bình trong nhân dân.

Cần sửa luật để hạn chế tình trạng “án trên giấy”

Từ thực tiễn công tác THADS cho thấy chỉ khi nào bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật được thi hành trên thực tế, thì mới được mọi người tôn trọng; mới bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân… .

Ngược lại, nếu bản án, quyết định của Toà án nhân dân được tuyên rõ ràng, chính xác, công bằng, nhưng không được thi hành hoặc thi hành không có hiệu quả, thì bản án, quyết định đó chỉ có ý nghĩa trên giấy, thậm chí còn phản tác dụng, làm cho người phải chấp hành án coi thường pháp luật, thậm chí “nhờn” luật, những người biết rõ việc thi hành án không có hiệu quả, cũng có thể coi thường pháp luật.

Vì vậy, bảo đảm cho bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật được chấp hành trên thực tế, phải là một nhiệm vụ quan trọng của pháp luật về tố tụng và là mục đích tối thượng của việc xây dựng hoàn thiện pháp luật về thi hành án dân sự, trong đó có sửa đổi Luật THADS và các văn bản pháp luật có liên quan, làm sao đảm bảo những bản án khi tuyên có khả năng thi hành trên thực tế giảm mức tối đa án dân sự tồn đọng

Võ Thuần Nho (Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Hà Tĩnh).

Công ty Luật Hưng Nguyên (sưu tầm)