Quy trình tổ chức đại hội đại biểu luật sư của đoàn luật sư thành phố Hà Nội

4

Quy trình tổ chức đại hội đại biểu luật sư của đoàn luật sư thành phố Hà Nội

 –         Căn cứ Luật Luật sư số 65/2006/QH 11 ngày 29-6-2006;

–         Căn cứ số lượng thành viên và Điều lệ của Đoàn luật sư thành phố Hà Nội;

–               Quy trình tổ chức Đại hội đại biểu luật sư ( sau đây gọi là Quy trình) của Đoàn luật sư thành phố Hà Nội ( sau đây gọi là Đoàn luật sư) được quy định như sau:

 

Điều 1. Triệu tập Đại hội đại biểu luật sư

  1. Đại hội đại biểu luật sư của Đoàn luật sư (sau đây gọi là Đại hội) để bầu ra Ban Chủ nhiệm và Hội đồng khen thưởng, kỷ luật được tổ chức theo Quy trình này.

Việc triệu tập Đại hội do Ban chủ nhiệm đoàn luật sư quyết định.

Điều 2. Tiêu chuẩn của đại biểu dự Đại hội

     1.Đại biểu dự Đại hội phải là luật sư của Đoàn luật sư thành phố Hà Nội;

     2. Là luật sư không bị bất cứ hình thức kỷ luật nào liên quan đến hoạt động hành nghề trong thời hạn một năm, tính đến ngày khai mạc Đại hội.

Điều 3. Các đại biểu sự Đại hội

  1. Các đại biểu đương nhiên:

a)     Các đại biểu đương nhiên dự Đại hội bao gồm:

–         Các luật sư là thành viên của Ban chủ nhiệm và Hội đồng  khen thưởng, kỷ luật;

–         Các luật sư là Trưởng Văn phòng luật sư hoặc Giám đốc công ty luật (sau đây gọi là trưởng tổ chức hành nghề);

–         Các luật sư có tên trong Danh sách bầu Ban chủ nhiệm và Hội đồng khen thưởng, kỷ luật;

–         Các luật sư nguyên là Chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội;

–         Các luật sư là người đứng đầu các tổ chức chính trị – xã hội của Đoàn luật sư như : Hội cựu chiến binh, Chi hội luật gia, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Câu lạc bộ phụ nữ và câu lạc bộ luật sư trẻ;

b)    Các đại biểu đương nhiên cũng phải đủ tiêu chuẩn như quy định tại Điều 2;

c)     Các đại biểu đương nhiên không được ủy quyền cho luật sư khác dự Đại hội;

2)     Các đại biểu do bầu cử:

a)         Tại các tổ chức hành nghề, ngoài đại biểu đương nhiên, số luật sư còn lại, cứ ba luật sư được bầu một đại biểu; nếu còn dư hai luật sư thì cũng được bầu thêm một đại biểu;

b)        Các luật sư hành nghề với tư cách cá nhân và các luật sư đang làm việc tại các tổ chức hành nghề luật sư của nước ngoài có đăng ký tại Văn phòng Đoàn luật sư (sau đây gọi là Văn phòng Đoàn) sẽ do Văn phòng Đoàn tổ chức họp để thực hiện các công việc được quy định tại khoản 2 Điều 4 của Quy trình này;

c)         Trường hợp tổ chức hành nghề, trừ các đại biểu đương nhiên, chỉ còn hai luật sư thì hai luật sư đó tự thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì luật sư nào có thâm niên nghề nghiệp cao hơn sẽ được chọn làm đại biểu.

Điều 4.Trình tự chuẩn bị Đại hội

1. Trách nhiệm của Ban chủ nhiệm

Quyết định triệu tập Đại hội cùng dự thảo Báo cáo hết nhiệm kỳ, dự thảo Báo cáo tài chính của Ban Chủ nhiệm sẽ đưa ra thảo luận tại Đại hội phải được gửi tới các tổ chức hành nghề trước ngày khai mạc Đại hội ít nhất là bốn mươi lăm ngày;

  1. Trách nhiệm của các tổ chức hành nghề

Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được quyết định triệu tập Đại hội và các tài liệu có liên quan nêu trên, Trưởng tổ chức hành nghề có trách nhiệm triệu tập họp toàn thể luật sư và những người tập sự hành nghề luật sư của tổ chức hành nghề để:

a)     Đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện nêu trên.

Các ý kiến đóng góp phải được ghi vào biên bản cuộc họp; ngoài ra, các thành viên không được bầu làm đại biểu vẫn có quyền đóng góp ý kiến bằng văn bản gửi Đại hội hoặc gửi về Văn phòng Đoàn trước ngày khai mạc Đại hội;

b)    Bầu đại biểu đi dự Đại hội theo tiêu chuẩn như quy định tại Điều 2 và Điều 3.

Người tập sự hành nghề luật sư được tham dự họp tại tổ chức hành nghề, được phát biểu ý kiến nhưng không có quyền biểu quyết.

Cách thức đề cử, ứng cử, biểu quyết bằng phiếu kín hoặc giơ tay do hội nghị của tổ chức hành nghề quyết định.

c) Thực hiện quyền đề cử và tự ứng cử vào Ban Chủ nhiệm và Hội đồng khen thưởng, kỷ luật theo nguyên tắc: quyền đề cử không bị giới hạn bởi tổ chức hành nghề; quyền tự ứng cử được thực hiện tại các tổ chức hành nghề nhưng đều phải theo các tiêu chuẩn sau đây:

– Là luật sư không bị bất cứ hình thức kỷ luật nào liên quan đến hành nghề trong thời hạn ba năm, tính đến ngày khai mạc Đại hội;

– Là luật sư đã hành nghề từ ba năm trở lên, tính đến ngày khai mạc Đại hội; gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật, Điều lệ, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp và có điều kiện dành thời gian phục vụ cho Đoàn luật sư;

d) Trưởng tổ chức hành nghề có trách nhiệm gửi biên bản cuộc họp; danh sách đại biểu dự Đại hội và danh sách những luật sư được đề cử hoặc tự ứng cử ( sau đây gọi chung là ứng cử viên) vào Ban chủ nhiệm và Hội đồng khen thưởng, kỷ luật ( kèm theo năm ảnh chân dung cỡ 4×6 và tóm tắt lý lịch luật sư – theo mẫu thống nhất – có chữ ký của ứng cử viên và xác nhận của tổ chức hành nghề) về Văn phòng Đoàn trong thời hạn chậm nhất là sau năm ngày, kể từ ngày họp;

đ) Trường hợp luật sư ở tổ chức hành nghề để cử ứng cử viên ở tổ chức hành nghề khác thì, ngay sau khi nhận được báo cáo nêu tại điểm d, Văn phòng Đoàn phải thông báo ngay cho ứng cử viên đó để họ gửi về Văn phòng Đoàn năm ảnh chân dung cỡ 4×6 cùng tóm tắt lý lịch luật sư – theo mẫu thống nhất – có chữ ký của ứng cử viên và xác nhận của tổ chức hành nghề nơi họ đang hành nghề. Nếu ứng cử viên đó hành nghề với tư cách cá nhân có đăng ký tại Văn phòng Đoàn sẽ do Văn phòng Đoàn xác nhận.

3. Những việc khác chuẩn bị cho Đại hội

Ban chủ nhiệm ra quyết định thành lập Ban Tổ chức Đại hội ( sau đây gọi là Ban Tổ chức); Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Giám sát.

a.1) Ban Tổ chức có nhiệm vụ giúp Ban Chủ nhiệm chuẩn bị tất cả các điều kiện cần thiết để Đại hội được tiến hành đúng thời hạn và đạt kết quả;

a.2) Tiểu ban Văn kiện giúp Ban Chủ nhiệm dự thảo Báo cáo hết nhiệm kỳ và báo cáo tài chính và tổng hợp ý kiến của các luật sư và các tổ chức hành nghề đã góp để trình Đại hội;

a.3) Tiểu ban Giám sát gồm các tổ chức quần chúng trong Đoàn luật sư mà nòng cốt là Hội cựu chiến binh. Tiểu ban Giám sát có nhiệm vụ giúp Ban tổ chức giám sát toàn bộ quá trình chuẩn bị và tiến hành Đại hội.

Trước Đại hội, nếu có khiếu nại, tố cáo liên quan đến Đại hội thì Tiểu ban Giám sát giúp Ban Tổ chức tiến hành xác minh và giải quyết khiếu nại, tố cáo đó.

Nếu có khiếu nại, tố cáo liên quan đến các ứng cử viên thì Tiểu ban Giám sát phải giải quyết xong chậm nhất là mười lăm ngày, trước ngày khai mạc Đại hội. Nếu giải quyết vẫn không xong hoặc sau đó mới có khiếu nại, tố cáo liên quan đến các ứng cử viên thì Tiểu ban Giám sát sẽ chuyển vụ việc đó cho Ban Kiểm tra tư cách đại biểu của Đại hội để xem xét, giải quyết.

Không xem xét, giải quyết đối với các đơn khiếu nại, tố cáo nặc danh;

c)     Ban Tổ chức họp với các ứng cử viên để xem xét, hiệp thương và chính thức lập Danh sách bầu Ban Chủ nhiệm và Hội đồng khen thưởng, kỷ luật bao gồm những luật sư đủ tiêu chuẩn như đã nêu tại Điều 4 để trình Đại hội.

Những luật sư có tên trong Danh sách nêu trên phải có văn bản tự nguyện cam kết dành thời gian phục vụ cho Đoàn luật sư, nếu trúng cử.

Điều 5. Triệu tập đại biểu dự Đại hội

  1. Ban Chủ nhiệm gửi giấy mời dự Đại hội đến các đại biểu thông qua các tổ chức hành nghề, trong đó xác định thời gian, địa điểm của Đại hội, kèm theo bản tổng hợp các ý kiến đã đóng góp cho bản dự thảo Báo cáo hết nhiệm kỳ, Báo cáo tài chính và Danh sách bầu vào Ban Chủ nhiệm và Hội đồng khen thưởng, kỷ luật cùng bản tóm tắt lý lịch luật sư của các ứng cử viên và các tài liệu cần thiết khác, nếu có.

Các đại biểu hành nghề với tư cách cá nhân và các luật sư làm việc tại các tổ chức hành nghề luật sư của nước ngoài nhận giấy mời và các tài liệu nêu trên tại Văn phòng Đoàn;

  1. Thời hạn gửi giấy mời và các tài liệu có liên quan nêu trên phải trước ít nhất là mười ngày, trước ngày khai mạc Đại hội.

Cùng thời gian gửi giấy mời, Ban Tổ chức phải hoàn tất mọi công việc phục vụ Đại hội;

  1. Ảnh cùng Danh sách bầu Ban Chủ nhiệm và Hội đồng khen thưởng, kỷ luật – xếp theo thứ tự A, B, C – được niêm yết công khai tại Văn phòng Đoàn và tại hội trường của Đại hội.

Điều 6. Thay thế các đại biểu được bầu

Trước ngày họp Đại hội, nếu đại biểu nào đã được bầu mà vì lý do khách quan không thể tham gia dự được Đại hội, thì tổ chức hành nghề có đại biểu đó sẽ cử luật sư khác đủ tiêu chuẩn như quy định tại Điều 2 để dự họp thay.

Luật sư Trưởng tổ chức hành nghề phải báo cáo ngay cho Ban Chủ nhiệm biết về việc thay đổi đại biểu đó.

Điều 7. Tính hợp lệ của Đại hội

  1. Đại hội được coi là hợp lệ nếu có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu được triệu tập tham dự;
  2. Trường hợp lần thứ nhất không đủ số lượng đại biểu được triệu tập thì trong thời hạn ba mươi ngày, Ban Chủ nhiệm phải triệu tập Đại hội lần hai.

Đại hội được triệu tập lần hai không phụ thuộc vào số lượng đại biểu đã được triệu tập.

Điều 8. Tiến trình Đại hội

  1. Đại hội bầu Đoàn chủ tịch để điều hành công việc của Đại hội;
  2. Nếu có khiếu nại, tố cáo Đại hội sẽ bầu Ban kiểm tra tư cách đại biểu theo sự giới thiệu của Đoàn Chủ tịch để giúp Đại hội xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo đó;
  3. Tiểu ban giám sát có nhiệm vụ giúp Ban Tổ chức và Đoàn Chủ tịch kiểm tra danh sách các đại biểu trước khi khai mạc  Đại hội; giúp Đại hội giám sát công việc của Ban Kiểm tra tư cách đại biểu và Ban Kiểm phiếu.

Điều 9. Thể thức bầu cử

  1. Hội nghị dự kiến số lượng thành viên Ban Chủ nhiệm là mười lăm người; số lượng thành viên Hội đồng khen thưởng; kỷ luật là chin người.

Số lượng thành viên chính thức để bầu Ban Chủ nhiệm và Hội đồng khen thưởng, kỷ luật do Đại hội quyết định;

2.Tại Đại hội không được đề cử hoặc tự ứng cử thêm vào Danh sách bầu Ban chủ nhiệm và Hội đồng khen thưởng, kỷ luật đã được Ban Tổ chức chuẩn bị để trình Đại hội;

3. Tại Đại hội, người có tên trong Danh sách bầu Ban Chủ nhiệm và Hội đồng khen thưởng, kỷ luật có quyền rút khỏi danh sách này khi được sự đồng ý của Đoàn chủ tịch;

4. Không được tiến hành vận động bầu cử tại Đại hội. Đại hội sẽ dành thời gian thích hợp cho mỗi ứng cử viên để tự giới thiệu;

5. Ứng cử viên vắng mặt mà không có lý do chính đáng sẽ bị đưa ra khỏi Danh sách bầu Ban chủ nhiệm và Hội đồng khen thưởng, kỷ luật;

6. Việc bầu Ban chủ nhiệm và Hội đồng khen thưởng, kỷ luật được tiến hành theo nguyên tắc: chung một danh sách và bỏ phiếu kín, cụ thể như sau:

a. Đại hội bỏ phiếu kín để bầu Ban Chủ nhiệm theo Danh sách bầu Ban Chủ nhiệm và Hội đồng khen thưởng, kỷ luật đã được Ban Tổ chức chuẩn bị để trình Đại hội;

b. Người trúng cử vào Ban Chủ nhiệm phải được số phiếu bầu quá một nửa so với tổng số đại biểu được triệu tập và có số phiếu cao hơn. Nếu ở cuối danh sách trúng cử có nhiều người bằng phiếu nhau và nhiều hơn số lượng cần bầu thì bầu lại số người bằng phiếu đó để chọn người có số phiếu cao hơn, không cần phải quá một nửa.

Trường hợp bầu lại mà số phiếu vẫn ngang nhau thì luật sư nào có thâm niên nghề nghiệp cao hơn sẽ trúng cử.

Nếu bầu một lần mà chưa đủ số lượng thành viên Ban chủ nhiệm do Đại hội quy định thì sẽ bầu lần hai. Ứng cử viên để bầu lần hai là các luật sư còn lại trong Danh sách bầu Ban chủ nhiệm và Hội đồng khen thưởng, kỷ luật – trừ những ứng cử viên sau lần bỏ phiếu đầu tiên được rút với sự đồng ý của Đoàn chủ tịch hoặc được số phiếu quá thấp, tỷ lệ cụ thể do Đại hội quyết định.

Nếu bầu lần hai mà vẫn chưa đủ, có bầu thêm nữa hay không do Đại hội quyết định.

Trường hợp phải triệu tập Đại hội lần hai thì người trúng cử chỉ cần được quá một nửa số phiếu bầu so với tổng số đại biểu có mặt;

c. Đại hội bỏ phiếu kín bầu Chủ nhiệm Đoàn luật sư trong số những luật sư đã trúng cử vào Ban Chủ nhiệm.

Số lượng ứng cử viên được đề cử hoặc tự ứng cử vào chức vụ Chủ nhiệm Đoàn luật sư do Đại hội quyết định.

Người trúng cử chức vụ Chủ nhiệm Đoàn luật sư là người được số phiếu cao nhất trong các ứng cử viên, không cần phải quá một nửa.

Trường hợp có nhiều người cùng có số phiếu cao nhất và bằng phiếu đó để chọn người có số phiếu cao hơn, không cần phải quá một nửa.

Trường hợp bầu lại mà số phiếu vẫn bằng nhau thì luật sư nào có thâm niên nghề nghiệp cao hơn sẽ trúng cử.

d. Sau khi bầu xong Ban Chủ nhiệm và Chủ nhiệm, Đại hội tiến hành bầu Hội đồng khen thưởng, kỷ luật trong số các ứng cử viên còn lại của Danh sách bầu Ban chủ nhiệm và Hội đồng khen thưởng kỷ luật.

Cách thức bầu Hội đồng khen thưởng, kỷ luật được thực hiện như cách bầu Ban Chủ nhiệm.

Điều 10. Thông qua nghị quyết của Đại hội

Nghị quyết của Đại hội được thông qua khi có quá một nửa so với tổng số đại biểu được triệu tập tán thành.

Trường hợp phải triệu tập Đại hội lần hai thì chỉ cần có quá một nửa so với tổng số đại biểu có mặt tán thành.

Bản Quy trình tổ chức Đại hội đại biểu luật sư này được thông qua tại hội nghị giữa Ban Chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật và các Trưởng tổ chức hành nghề, các tổ chức chính trị – xã hội của Đoàn luật sư thành phố Hà Nội ngày 10-5-2008 và có hiệu lực kể từ ngày công bố.

Công ty luật Hưng Nguyên