Thấp thỏm lo xăng, điện tăng giá

3

Trước áp lực biến động mạnh của thế giới, thông tin tăng giá xăng, điện và nhiều hàng hoá tiêu dùng khác lại làm “rúng động” thị trường. Nhiều người tiêu dùng đang thấp thỏm từng ngày “sợ” nếu những mặt hàng này điều chỉnh cao lên, sẽ khiến chi tiêu gia đình bị gia tăng đáng kể.

Áp lực tăng mạnh nhất trong bối cảnh hiện nay phải kể đến là mặt hàng xăng, dầu. Trong hơn một tháng trở lại đây, thị trường xăng dầu thế giới đã liên tục vọt cao. Nguyên nhân chính của động thái này là do, những tín hiệu khả qua từ nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ đang phát triển  trở lại. Bằng chứng là tốc độ tăng trưởng GDP quý 4/2011 của Mỹ được điều chỉnh tăng lên cao hơn so với số liệu sơ bộ đưa ra ban đầu.

Chốt phiên giao dịch cuối cùng của tháng 2, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 4 trên sàn New York tăng 52 cent, tương ứng 0,5%, lên chốt ở mức 107,07 USD/thùng. Với phiên quay đầu này, tính chung cả tháng mặt hàng này đã tăng thêm đến 8,7%. Đây được xem là mức điều chỉnh cao nhất kể từ tháng 10 năm ngoái tới nay.

Cũng chịu áp lực từ đà tăng của Mỹ, giá xăng dầu thành phẩm của thị trường Singapore trong thời gian qua cũng đã vọt chóng mặt.

Nếu như trung bình nửa đầu tháng 1/2012, giá xăng RON92 chỉ đứng ở mức 119,74 USD/thùng và dầu hoả là 127,18 USD/thùng, thì sang nửa đầu tháng 2 giá mặt hàng này đã tăng lên tương ứng là 125,94 USD/thùng và 130,11 USD/thùng. Đà tăng này tiếp tục được tiếp nối đến trong những ngày tiếp theo của tháng 2.

Tính đến tháng 28/2, giá xăng dầu thành phẩm tại thị trường Singapore vẫn đứng ở mức cao. Cụ thể, dầu hoả là 136,63 USD/thùng; diezen là 137,45 USD/thùng và xăng RON 92  là 132,78 USD/thùng.

Theo các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối, với mức điều chỉnh quá nhanh của xăng dầu thế giới, hiện giá bán lẻ ra mỗi lít xăng dầu doanh nghiệp đang lỗ khoảng hơn 1 nghìn đồng/lít.

Trước áp lực lỗ lớn này, nhiều doanh nghiệp đã gửi kiến nghị Bộ Tài chính xin được điều chỉnh giá bán lẻ. Tuy nhiên, đề nghị này đã không được áp dụng mà thay vào đó là Bộ quyết định giảm thuế nhập khẩu xuống 0% đối với xăng, 3% đối với dầu. Đối với dầu hỏa và dầu diezel từ 5% xuống 3%.

Mặc dù vậy, theo chia sẻ của các doanh nghiệp đầu mối trong nước, mặc dù thuế nhập khẩu xăng dầu được điều chỉnh xuống, nhưng hiện kinh doanh vẫn gặp khó khăn và lỗ khoảng 1 nghìn đồng/lít.

Như vậy, với mức lỗ và nếu giá cả thế giới cứ tiếp tục tăng lên như hiện nay, thì việc tăng giá xăng có lẽ chỉ là thời gian.

Một mặt hàng khá nhạy cảm và được rất nhiều người quan tâm đó là điện, cũng đang rúng động lên bởi khả năng điều chỉnh trong tháng 3.

Tháng 3 được coi là tháng tăng giá của ngành điện, khi đã có tới 2 năm liền Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng giá điện ngay từ ngày đầu tháng.

Cụ thể, ggày 1/3/2010, EVN tăng giá điện 6,8%. Tiếp đến 1/3/2011,Tập đoàn này lại tiếp tục điều chỉnh tăng giá bán điện tới hơn 15,28%, lên 1.240 đồng/kwh. Tới cuối năm 2011, một lần nữa giá điện lại tăng tiếp 5%.

Chưa dừng ở đó, trong hầu hết các cuộc họp báo, hội nghị liên quan đến ngành điện, lãnh đạo Tập đoàn này cũng không ngừng kiến nghị tăng giá bán điện, để giảm bớt khó khăn, đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài.

Tại Buổi ký kết tiết giảm chi phí năm 2012 của EVN, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã khẳng định, trước những khó khăn của Tập đoàn này và áp lực thu hút đầu tư nước ngoài, giá bán điện trong năm 2012 sẽ phải tăng thêm.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cũng cho biết, thời điểm và mức tăng sẽ được cân nhắc kỹ, để đảm bảo thực hiện 2 mục tiêu. Một là đến hết năm 2013, thực hiện đúng Nghị quyết của Quốc hội là các mặt hàng điện, xăng dầu, than và một số dịch vụ công về cơ bản thực hiện theo nguyên tắc thị trường. Mục tiêu thứ hai là đồng thời kiềm chế lạm phát của năm 2012 dưới 1 con số, cụ thể là Chính phủ đã đặt mục tiêu khoảng 9%.

Trong khi đó, trái với động thái thấp thỏm về việc điều chỉnh giá xăng và điện thì kể từ đầu tháng 3, giá bán lẻ gas đã vọt tăng chóng mặt với mức 52 nghìn đồng/bình 12 kg. Động thái này kéo giá bán lẻ mặt hàng này được giữ ở mức gần 500 nghìn đồng/bình 12 kg. Việc điều chỉnh này chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến chi tiêu  của người tiêu dùng.

Ngoài những mặt hàng trên, kể từ đầu tháng 3 nhiều hãng sữa trong nước cũng công bố điều chỉnh giá bán lẻ từ 10 – 12%.

Đặc biệt, từ 1/3 20 mặt hàng hoá mỹ phẩm của các tập đoàn đa quốc gia sản xuất tại Việt Nam và một số sản phẩm nhập khẩu, sẽ được siêu thị điều chỉnh tăng giá thêm từ 5-10%.