Thuế khổ vì các chiêu chuyển lỗ

4

Tổng cục Thuế vừa có báo cáo đánh giá tổng thể thực trạng quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá tại VN trong giai đoạn 2006-2010. Báo cáo này đã tập trung lật tẩy các phương thức chuyển giá của doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Lợi dụng ưu đãi thuế

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, năm 2009, cả nước có đến 760/1.580 DN FDI đang hoạt động tại VN kê khai lỗ, trong đó hầu hết các DN thua lỗ liên tục trong ba năm. Tính riêng TP.HCM hiện có khoảng 3.500 DN có vốn đầu tư FDI đang hoạt động nhưng nhiều năm qua luôn có tới 60% DN thường xuyên kê khai lỗ. Tương tự, các địa phương như Lâm Đồng, Bình Dương, Đà Nẵng cũng có đến trên 50% DN báo lỗ từ năm 2006 đến 2010.

Các DN kê khai lỗ thường tập trung vào một số ngành nghề như may mặc, da giày, chế biến lương thực, thực phẩm… Có đến 90% DN FDI hoạt động trong lĩnh vực may mặc ở TP.HCM có kết quả kinh doanh thua lỗ trong khi hầu hết các DN cùng ngành nghề trong nước đều có lãi. Mặc dù thua lỗ triền miên nhưng các DN này vẫn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Phó Trưởng ban Cải cách và Hiện đại hóa (Tổng cục Thuế), cho biết: Các DN thường dùng các hình thức chuyển giao tài sản hữu hình giữa các bên liên kết, chuyển giao tài sản vô hình giữa các bên liên kết, chuyển giao nguyên vật liệu, chuyển giao dịch vụ giữa các bên liên kết, chi trả vay vốn sản xuất, kinh doanh giữa các bên liên kết. Trong đó, hình thức chuyển giá thông qua chuyển giao nguyên vật liệu, hàng hóa tương đối phổ biến của các DN FDI tại VN.

Mua giá cao, bán giá thấp

Theo ông Sơn, thuế suất thuế thu nhập DN (TNDN) của VN tương đối cao so với nhiều nước khác (trước đây là 32%, nay giảm xuống còn 25%). Do đó, công ty mẹ tại nước ngoài đã chi phối giá chuyển giao nguyên liệu, hàng hóa giữa công ty con tại VN và các bên liên kết theo hướng chuyển lợi nhuận từ VN về công ty liên kết tại quốc gia có thuế suất TNDN thấp hơn.

Chẳng hạn, tại Đà Nẵng, trong giai đoạn từ năm 2006 đến 2009, Công ty TNHH LesGants VN có số lỗ lũy kế 20,8 tỉ đồng vì giá bán thấp hơn giá thành sản xuất. Cụ thể, giá bán cho công ty mẹ thấp hơn 36%-44% so với giá bán cho các công ty ngoài tập đoàn. Qua kiểm tra, Cục Thuế TP Đà Nẵng đã ấn định lại giá thị trường, kết quả doanh thu tăng gần 40 tỉ đồng và giảm chi phí chênh lệch giá ngoại tệ hơn 6 tỉ đồng.

Tương tự, Công ty TNHH DaiWa VN (chuyên sản xuất cần câu cá các loại) từ năm 2007 đến 2009 đã báo lỗ hơn 300 tỉ đồng. Trong quá trình sản xuất, công ty chủ yếu bán sản phẩm cho các đơn vị nước ngoài trong cùng tập đoàn. Tài sản máy móc thiết bị đều được nhập từ công ty trong cùng tập đoàn. Tuy trong nước không có công ty nào sản xuất mặt hàng này nhưng qua thanh tra, Cục Thuế TP Đà Nẵng cũng phát hiện Công ty DaiWa Đài Loan nhận một số lô hàng của Công ty DaiWa VN giao hàng tay ba cho một DN VN đóng tại TP.HCM với giá cao hơn.

Cung cấp dịch vụ “ảo”

Ngoài ra, việc chuyển giá còn thông qua cung cấp dịch vụ và chi trả lãi vay vốn sản xuất, kinh doanh. Việc cung cấp dịch vụ giữa công ty mẹ với các công ty con và giữa công ty con với nhau thường rất khó định giá và khó xác định có thực sự phát sinh hay không. Lợi dụng đặc tính này, một số tập đoàn đa quốc gia đầu tư vốn vào VN đã cung cấp dịch vụ quản lý và hỗ trợ quản lý cho cả tập đoàn như dịch vụ kế toán, tài chính, tư vấn tài sản… và tính giá cao để chuyển lợi nhuận.

Cạnh đó, các DN FDI còn chuyển giá thông qua hình thức vay vốn từ bên liên kết và trả lãi suất mức rất cao. Với chiêu thức này, lợi nhuận từ DN FDI tại VN đã được chuyển sang cho bên liên kết tại nước ngoài có thuế suất thuế TNDN thấp hơn. Hình thức này thường phổ biến ở các lĩnh vực khai thác mỏ, sản xuất, lắp ráp phương tiện vận tải…

Thiếu cơ sở pháp lý

Theo lãnh đạo ngành thuế, thực tế chuyển giá ở DN FDI có thể thấy rõ nhưng để có cơ sở xử lý theo luật định lại không đơn giản. Một lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng hiện nay các cơ quan chức năng chưa xây dựng được một cơ sở dữ liệu về giá của các loại hàng hóa được giao dịch giữa các công ty độc lập và các công ty liên kết. Vì vậy, khi xảy ra mua bán nội bộ thì cơ quan thuế rất khó khăn trong việc tìm kiếm cơ sở tương đương để so sánh theo nguyên tắc giá thị trường. Mặt khác, cơ quan quản lý thuế chưa có dữ liệu về tỉ suất lợi nhuận bình quân của các ngành nghề để áp dụng khi tiến hành kiểm tra hay thanh tra thuế. “Có nhiều DN kinh doanh những ngành nghề có tỉ suất lợi nhuận rất cao, có dấu hiệu chuyển giá nhưng cơ quan thuế không biết xử lý ra sao” – lãnh đạo này chia sẻ.

Cục Thuế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã phát hiện nhiều DN có dấu hiệu chuyển giá. Chẳng hạn như Công ty TNHH Gạch men Mỹ Đức, là DN 100% vốn nước ngoài, thành lập từ năm 1996 đến năm 2007 liên tục báo cáo lỗ. Qua thanh tra cho thấy giá trị tài sản cố định đơn vị nhập khẩu rất lớn (334 tỉ đồng) dẫn đến chi phí khấu hao lớn nhưng đoàn thanh tra không có cơ sở để xác định lại giá trị số tài sản này. Công ty TNHH Dầu khí Halliburton VN có tổng số lỗ từ năm 2007 đến 2010 hơn 8 tỉ đồng nhưng qua thanh tra thấy có dấu hiệu chuyển giá, thanh tra đã giảm lỗ 2,9 tỉ đồng và truy thu thêm 1,1 tỉ đồng thuế GTGT, thuế TNCN và thuế nhà thầu.

Năm 2012, thanh tra chống chuyển giá 1.500 DN

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết trong năm 2011, ngành thuế đã thực hiện thanh tra chống chuyển giá tại 921 DN lỗ, có dấu hiện chuyển giá, xử lý giảm lỗ 6.617 tỉ đồng (tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm trước). Năm 2012, ngành thuế sẽ thanh tra, kiểm tra khoảng 1.500 DN. Đối tượng thanh tra tập trung vào nhóm DN ở các ngành như ngân hàng, dược phẩm, bất động sản, điện, dầu khí, bưu chính viễn thông, khoáng sản…

TRÀ PHƯƠNG