Tranh tụng giúp “lan tỏa” tinh thần cải cách tư pháp

14

Đó là chỉ đạo của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương tại buổi làm việc giữa Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương với Liên đoàn luật sư Việt Nam (LĐLS VN) chiều qua (5/8).

Đảm bảo LS thực hiện tốt các quyền hành nghề

Chủ tịch LĐLS VN Lê Thúc Anh cho biết: “Trong 4 năm qua, LĐLS VN đã triển khai có kết quả nhiều hoạt động quan trọng có tính chất bản lề, tạo sự chuyển biến rõ ràng trong tổ chức và nhiều lĩnh vực hoạt động LĐ. Vai trò, vị thế của LĐ đã được khẳng định cả trong nước và quốc tế… Những thành công này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đặt nền móng, tạo cơ sở vững chắc hoàn thiện và phát triển tổ chức, hoạt động của LĐ và các thành viên của LĐ trong những nhiệm kỳ tiếp theo, tạo niềm tin cho đội ngũ LS vào tổ chức của mình và triển vọng phát triển trong tương lai của nghề LS”.

Thừa nhận còn hạn chế, tồn tại trong hoạt động LS, LĐLS VN cũng chỉ ra những khó khăn, cản ngại trong quá trình tham gia tố tụng hình sự của LS thời gian qua như pháp luật thực định còn nhiều hạn chế, vướng mắc, nhận thức và quan hệ phối hợp giữa các chủ thể thực hiện các chức năng tố tụng, một bộ phận LS chưa ý thức được một cách sâu sắc chức năng xã hội cao quý của nghề nghiệp, còn bị quan điểm “dịch vụ” chi phối nên làm ảnh hưởng đến hình ảnh “hiệp sỹ” của LS trong công chúng…

Khẳng định những kết quả đạt được của LĐLS VN, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính cho rằng, LĐLS VN cần khắc phục một số hạn chế trong hoạt động LS hiện nay như đội ngũ LS chưa đủ số lượng đáp ứng nhu cầu dịch vụ pháp lý của xã hội, đặc biệt là đội ngũ LS phục vụ hội nhập.

Sự phân bổ LS không đồng đều, chất lượng còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu tranh tụng theo tinh thần cải cách tư pháp, một số LS hành nghề chưa chuyên nghiệp, có hành vi vi phạm ảnh hưởng đến uy tín của nghề LS. Đa số là các tổ chức hành nghề LS có qui mô nhỏ (72%), thiếu sự hoạt động chuyên ngành…

Hoạt động tự quản của LĐ trong các hoạt động bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp của LS thành viên… chưa được như mong muốn. Và để tạo điều kiện phát triển hoạt động LS, Bộ Tư pháp kiến nghị đơn giản hóa các thủ tục hành chính để đảm bảo LS thực hiện tốt các quyền hành nghề, phát huy vai trò của LĐLS và các đoàn LS. Đồng thời, đổi mới mô hình cơ quan tố tụng để tăng cường sự tham gia của LS…

Tăng cường nâng cao nhận thức về vai trò của LS

Đại diện TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an, Ban Nội chính trung ương, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… đều bày tỏ sự nhất trí cao đối với những đánh giá về kết quả, hạn chế, nguyên nhân và kiến nghị của Bộ Tư pháp, LĐLS VN về tổ chức, hoạt động của LS và LĐLS VN, cũng như đồng tình về sự cần thiết phải có LS tham gia vào quá trình tố tụng vì có LS thì chất lượng giải quyết vụ án sẽ tốt hơn, “không có LS thì không có quá trình tố tụng hoàn chỉnh”, khó đảm bảo tính dân chủ.

Cùng khẳng định, “luôn tạo điều kiện đảm bảo cho LS hoạt động theo pháp luật, nếu có vi phạm cản trở hoạt động hợp pháp của LS sẽ xử lý nghiêm”, đại diện các cơ quan, ban, ngành còn lưu ý, LĐLS VN cần tăng cường hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, đạo đức; xử lý nghiêm những LS vi phạm pháp luật và đạo đức để giữ sự trong sạch của đội ngũ…, bản thân LS cần tự nâng cao vai trò, uy tín nghề nghiệp của mình để dân biết, cơ quan tiến hành tố tụng “nể” như một trong những mấu chốt để khắc phục nhiều vấn đề đang hạn chế hoạt động LS hiện nay.

Ghi nhận các ý kiến tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động LS của Bộ Tư pháp và nhận xét, LĐLS VN đã đạt được nhiều kết quả có “xu hướng tiến bộ” trong thực hiện Nghị quyết 49/NQ-TƯ. Nhờ đó, hoạt động LS “đi vào đời sống, chính trị xã hội, tư pháp”, nhất là sau khi có Nghị quyết 49, ngày càng nổi rõ yêu cầu “tranh tụng  tại tòa kết hợp điều tra” để có nền tư pháp dân chủ, công bằng với vai trò của LS…

Tuy nhiên, vì còn những tồn tại, hạn chế trong hoạt động tố tụng nói chung và hoạt động LS nói riêng, Chủ tịch nước đề nghị, các cơ quan, tổ chức liên quan đến hoạt động tố tụng cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với sự công tâm vì hoạt động tố tụng liên quan đến thân phận pháp lý, tài sản, tính mạng của cá nhân, cơ quan, tổ chức…

Phải thực hiện tốt yêu cầu tranh tụng theo đúng tinh thần Nghị quyết 49 để “có sức lan tỏa” về hoạt động tố tụng công khai, công tâm, dân chủ, chấm dứt những đánh giá về những tiêu cực trong hoạt động tố tụng, để xã hội “tâm phục khẩu phục” với những phán quyết tố tụng. Bộ Tư pháp, LĐLS VN phải làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ LS theo qui định để khắc phục những hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, nâng cao chất lượng LS. Có chính sách để khắc phục sự phân bổ LS không đồng đều ở các địa phương…

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước yêu cầu, các cơ quan, ban, ngành, nhất là Bộ Tư pháp, LĐLS và các LS cần góp phần vào công tác tuyên truyền thường xuyên, liên tục để xã hội hình thành nhận thức sâu sắc về vai trò, sự cần thiết của LS trong quá trình cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN…

Hương Giang