Xăng dầu hạ “nốc ao” doanh nghiệp

18

Dịch vụ Luât: Hơn một tháng, giá xăng dầu tăng tới hai lần. Theo các chuyên gia kinh tế, việc tăng giá xăng dầu sẽ khiến doanh nghiệp càng “chết thảm” ở thị trường nội địa và mất sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Mặc dù Bộ Tài chính tính toán việc tăng giá xăng dầu ngày 20-4 sẽ tác động lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 0,305% nhưng các doanh nghiệp lại cho rằng trong bối cảnh hiện nay, việc tăng giá xăng như một “cú nốc ao” đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của rất nhiều ngành nghề.

Thế giới giảm, trong nước tăng!

Ghi nhận diễn biến giá xăng dầu thế giới, đặc biệt là giá các mặt hàng xăng dầu thành phẩm tại Singapore – thị trường nhập khẩu chủ yếu của các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu VN, cho thấy khi giá bán lẻ trong nước được điều chỉnh tăng thì giá thế giới lại đang có xu hướng giảm. Cụ thể ngày 19-4, giá nhập khẩu là 129,48 USD/thùng, giảm tới 5-7 USD/thùng so với các phiên giao dịch cuối tháng 3, đầu tháng 4.

“Với hàng xuất khẩu, giá thế giới có mặt bằng chung. Doanh nghiệp trong nước chịu chi phí cao hơn sẽ khiến hàng VN “một mình một giá”. Nhà nhập khẩu sẽ không đặt hàng doanh nghiệp VN mà chuyển sang các nước khác có chi phí thấp hơn”

Chuyên gia kinh tế
Lê Đăng Doanh

Nếu theo cách tính của Bộ Tài chính mà các chuyên gia cho rằng đã quá lạc hậu thì tới thời điểm 1-2 ngày trước khi tăng giá bán lẻ, giá cơ sở bình quân 30 ngày cao hơn giá bán lẻ khoảng 500 đồng/lít (sau khi đã trừ khoản lợi nhuận định mức và 300 đồng sử dụng quỹ bình ổn). Vì vậy, trước khi Bộ Tài chính có quyết định tăng giá xăng thêm 900 đồng/lít, đại diện một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cho rằng chỉ cần tăng giá xăng thêm 500-600 đồng/lít là hợp lý.

Trong khi đó, thay vì tính trung bình 30 ngày, các chuyên gia tính toán giá trung bình bảy phiên giao dịch từ ngày 11-4 đến 19-4 cho thấy doanh nghiệp đã không còn phải chịu lỗ. Cụ thể, nếu trừ đi khoản lợi nhuận định mức 300 đồng/lít nằm trong giá cơ sở và 300 đồng/lít doanh nghiệp được sử dụng từ quỹ bình ổn giá, giá cơ sở thấp hơn giá bán lẻ khoảng 300-400 đồng/lít.

Còn giả sử doanh nghiệp nhập hàng về cảng và thanh toán trong ngày 19-4, giá cơ sở cũng thấp hơn giá bán lẻ khoảng 500 đồng/lít. Nếu doanh nghiệp lấy hàng ra khỏi cảng ngày 19-4, bán ra cho các đại lý sau ngày 21-4 thì giá cơ sở thấp hơn so với giá bán lẻ mới (23.800 đồng/lít) tới 1.400 đồng/lít. Ngay cả trường hợp tính theo giá vốn cao hơn giá cơ sở 250-300 đồng/lít do chi phí kinh doanh cao hơn định mức của Bộ Tài chính thì doanh nghiệp vẫn có thể lời khoảng 1.000 đồng/lít cho các lô hàng nhập có giá tương đương giá nhập ngày 19-4.

Nội địa tồn hàng, xuất khẩu mất cạnh tranh

Theo TS Nguyễn Minh Phong – Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội, sở dĩ có tình trạng giá trong nước phải tăng trong thời điểm giá thế giới đang giảm là do cơ chế bất hợp lý trong việc tính và điều hành giá xăng dầu. Nghị định 84 về điều hành giá xăng dầu viết rất rối, đặc biệt trong cách tính giá cơ sở.

Ông Phong cho rằng cần thay đổi cơ chế tính giá, trong đó quy định giá sàn là phần cứng gồm những chi phí tối thiểu, phần mềm linh động hơn gồm các khoản thuế, phí thu về ngân sách và lợi nhuận doanh nghiệp. Người tiêu dùng nhìn vào phần cứng để theo dõi mức độ hợp lý hay không hợp lý của giá xăng dầu. Khi đó, việc tăng giá sẽ tạo tâm lý thoải mái hơn. Ngoài ra, cần thay đổi khoảng thời gian tính giá cơ sở từ trung bình 30 ngày xuống còn bảy ngày thì giá xăng dầu trong nước sẽ không còn diễn biến ngược so với giá thế giới.

Về tác động của việc tăng giá xăng dầu, ông Phong cho rằng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến CPI. Tâm lý của bất kỳ người bán hàng hay doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nào cũng vậy, khi giá đầu vào tăng thêm sẽ phải cộng vào giá thành sản xuất và tăng giá bán ra. Trong bối cảnh doanh nghiệp đang đình đốn như hiện nay, đây thật sự là vấn đề rất lớn và ảnh hưởng không hề nhỏ chút nào.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, với hai lần điều chỉnh, từ đầu năm đến nay giá xăng tăng đến 3.000 đồng/lít. Điều này khiến doanh nghiệp chịu gánh nặng quá lớn từ các chi phí nguyên vật liệu tăng giá, lãi suất ngân hàng cao ngất ngưởng. Đến một lúc nào đó, doanh nghiệp sẽ không thể nào chịu đựng nổi. Hàng trong nước đã tồn kho sẽ càng ùn ứ hơn.

Doanh nghiệp bị sốc

Theo tính toán của ông Nguyễn Phúc Tiến – phó tổng giám đốc Công ty TNHH nệm Vạn Thành, hiện xăng dầu chiếm 3-5% chi phí giá thành sản xuất. Riêng việc vận chuyển, mỗi tháng công ty phải chi khoảng 1 tỉ đồng để mua xăng dầu. Với mức giá xăng dầu ngày 20-4, công ty phải chi thêm một khoản không hề nhỏ. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất là đầu ra hiện rất khó khăn, sức mua èo uột khiến doanh nghiệp không thể tăng giá bán để cân đối chi phí.

Tương tự, ông Vĩnh Như, giám đốc Công ty cổ phần Than miền Nam, cho biết khi dầu DO tăng thêm 500 đồng/lít, chi phí vận chuyển than từ Bắc vào Nam (hiện chiếm 16-20% trong chi phí giá thành sản phẩm) sẽ tăng lên 0,5% so với trước. Với lượng vận chuyển khoảng 100.000 tấn/tháng, chi phí đội lên thêm 160 triệu đồng/tháng.

“Việc tăng giá xăng dầu là một cú sốc rất lớn đối với doanh nghiệp, bởi xăng dầu và than hiện là hai chi phí chiếm tỉ trọng lớn nhất trong chi phí sản xuất ximăng” – ông Nguyễn Quang Trung, tổng giám đốc Công ty cổ phần ximăng Fico Tây Ninh, lo lắng.

Theo tính toán chưa đầy đủ của ông Trung, việc chuyên chở nguyên liệu và ximăng thành phẩm đã ngốn hết khoảng 20 tỉ đồng mỗi tháng. Do đặc thù ký hợp đồng vận chuyển bỏ lửng giá xăng dầu nên cước vận chuyển sẽ tăng lên ít nhất 5%, công ty sẽ phải tiêu tốn thêm hàng trăm triệu đồng.

“Doanh nghiệp khó có thể giữ giá trong bối cảnh tất cả chi phí đầu vào đều tăng. Cho nên người tiêu dùng sẽ là “nạn nhân” buộc phải gánh chi phí tăng lên này” – ông Trung nói.

Theo ông Huỳnh Siêu Huê – phó tổng giám đốc tài chính Công TNHH sản xuất thương mại Bình Tiên (Biti’s), các đối tác cung ứng nguyên liệu, chuyên chở vận tải đều đã “đánh tiếng” sẽ có giá mới trong vài ngày tới. Dù đã có dự phòng nhưng rất khó để doanh nghiệp cân đối chi phí sản xuất bởi chi phí xăng dầu chiếm không nhỏ trong giá thành sản xuất.

“Còng lưng” gánh thêm chi phí

Ông Nguyễn Văn Thế, chủ doanh nghiệp tư nhân sản xuất – kinh doanh Đại Hương Việt (TP.HCM), cho biết có khu vực sức mua đã giảm tới 40% khiến doanh nghiệp khốn đốn. Trong khi đó, đối tác vận chuyển cà phê lại vừa thông báo tăng giá cước thêm 5%, tuyến xa tăng tới 10-15%. Theo ông  Thế, nếu trước đây cước vận chuyển là 4.000 đồng/kg cà phê thì nay tăng lên 5.500 đồng/kg. Tuy nhiên, do sức mua tụt thê thảm nên doanh nghiệp đành còng lưng gánh thêm chi phí, thậm chí bù lỗ.

Tương tự, bà Sâm, chủ một doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng trên đường Lý Thường Kiệt, cho biết các đối tác vận chuyển hàng hóa cho bà Sâm đã bàn bạc tăng giá vận chuyển thêm 10%.

ĐÌNH DÂN

Theo Bạch Hoàn – Trần Vũ Nghi (Tuổi Trẻ)