Đề xuất quy định người dân trực tiếp bầu Thủ tướng

3

Hàng trăm, hàng nghìn ý kiến góp ý về dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi đã được đăng tải trên website duthaoonline của Văn phòng Quốc hội 1 tuần sau ngày công bố bản dự thảo. Nhiều nội dung “nóng” đã được đề cập thẳng thắn với tinh thần xây dựng.

Đặt vấn đề tăng cường cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước đề ra như một yêu cầu cho lần sửa Hiến pháp này, bạn Thiết Kiều Tam phân tích, đời sống xã hội đã đổi thay, lợi ích kinh tế được đặt lên cao nên đòi hỏi hệ thống luật pháp phải có sự kiểm soát nhau chặt chẽ, ở mức cao, không thể trông chờ tự nguyện, tự giác.

Theo ý kiến của độc giả này, cần thiết lập hệ thống quyền lực mà Quốc hội có nhiệm vụ chính là lập pháp, giám sát hành pháp, tư pháp. Tư pháp hiện có phần “chiếu dưới” so với hành pháp khi Chánh tòa địa phương lại thuộc quản lý của Chủ tịch UBND cùng cấp, dẫn tới một số biểu hiện thiếu độc lập trong xét xử. Việc này đòi hỏi Quốc hội có quyền giám sát trực tiếp các phiên xử thông qua một cơ quan giám sát xét xử do Quốc hội thành lập.

“Khi đó, tình trạng kéo dài ở quá trình điều tra hay xét xử sẽ được rút ngắn, sức mạnh pháp quyền mới thực sự phát huy. Cơ chế kiểm soát vòng tròn cũng sẽ làm tham nhũng, tội phạm bị đẩy lùi” – độc giả viết.

Bạn Phùng Đình Quân lại lập luận, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân cần thể hiện ở việc để người dân bầu trực tiếp một số vị trí lãnh đạo nhà nước như Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND các cấp trên cơ sở đề cử của Đảng, MTTQ. Mỗi vị trí bầu phải có tối thiểu 3 ứng cử viên. Người trúng cử Chủ tịch UBND mỗi cấp đương nhiên làm thành viên HĐND cùng cấp đó.

Điều 103 (đổi, bổ sung điều 114) dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định: “Thủ tướng Chính phủ do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội, là người đứng đầu Chính phủ” cũng nhận được ý kiến quan tâm của bạn Trần Phước Thịnh. Độc giả này cho rằng nên quy định: “Thủ tướng Chính phủ do nhân dân bầu thông qua tranh cử”.

Bạn Trần Diệu Hưng nhận xét, trong bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi được đưa ra lấy ý kiến, quyền nhân dân vẫn còn khá chung chung. Nên dành cho nhân dân có quyền bỏ phiếu bầu người đứng đầu cơ quan hành pháp TƯ và địa phương, cụ thể ở đây là chức danh Thủ Tướng Chính Phủ và Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Lý giải hướng kiến nghị hai chức danh này để nhân dân bỏ phiếu bầu, độc giả cho rằng đây là những chức danh có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích người dân, là người đại diện cho nhân dân, thực hiện những mong ước trong cuộc sống của người dân.

“Mở đường” cho hôn nhân đồng giới

Một khía cạnh khác liên quan đến quyền công dân, quyền con người được nhiều người thảo luận, góp ý lại là một chủ đề “nóng” dư luận năm qua là công nhận hay không hôn nhân đồng giới.

Bạn Nguyễn Minh Đoàn nêu quan điểm, nội dung Điều 39: “Nam, nữ có quyền kết hôn và ly hôn” không đảm bảo quyền kết hôn và lập gia đình cho người đồng tính, song tính và chuyển giới. Vì vậy, nên sửa lại điều luật này là “mọi công dân có quyền kết hôn và ly hôn. Hai người độc thân có quyền kết hôn theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, tôn trọng lẫn nhau”.

Bạn Mai Thiên Ân lập luận, Điều 27 dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi quy định “công dân nam, nữ bình đẳng và có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình… Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử về giới”. Như vậy, tất cả những người có quốc tịch Việt Nam đều là công dân và đã là công dân thì phải bình đẳng. Điều 27 nhấn mạnh “công dân nam, nữ” vô hình trung đã loại bỏ những công dân là người chuyển giới hoặc người liên giới tính.

Độc giả này đề xuất bỏ yếu tố giới, chỉ sử dụng từ “công dân” trong điều luật để đảm bảo quyền bình đẳng cho tất cả mọi người. Bên cạnh đó, quy định các hành vi bị cấm nên bổ sung nội dung nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử về xu hướng tính dục và bản dạng giới vì nó liên quan đến yếu tố gia đình.

Nêu thực tế có rất nhiều phân biệt đối xử với người đồng tính, song tính và chuyển giới xảy ra trong môi trường gia đình, độc giả này cho rằng, vì thiếu hiểu biết, chịu sức ép định kiến xã hội mà nhiều bậc cha mẹ, anh em, họ hàng đã có hành vi ngược đãi, đánh đập, thậm chí là tước quyền học tập, chăm sóc sức khỏe chỉ vì con em họ là người đồng tính, song tính hoặc chuyển giới. Vì vậy, độc giả kiến nghị sửa khoản 2 Điều 17 là “Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, và gia đình”.

Tương tự độc giả Đoàn, Mai Thiên Ân cũng cho rằng, quy định của Điều 39 trong dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi không đảm bảo quyền kết hôn và lập gia đình của người đồng tình, song tính và người chuyển giới. Độc giả này cho rằng điều luật nên được sửa theo hướng “Mọi công dân có quyền kết hôn và ly hôn. Hai người độc thân có quyền kết hôn theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, tôn trọng lẫn nhau”.

“Nên chú ý đến xu hướng hôn nhân đồng giới hiện nay. Nếu Hiến pháp chỉ thừa nhận hôn nhân giữa nam và nữ thì dự thảo luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi sắp tới cũng phải tính theo hướng này. Còn nếu thừa nhận hôn nhân đồng giới thì nên mềm hóa quy định về hôn nhân” – Mai Thiên Ân viết.

Theo dantri.com.vn