Hỗ trợ đúng các vấn đề pháp lý mà doanh nghiệp “bức xúc“

88

Bộ Tư pháp vừa tổ chức tọa đàm trao đổi kinh nghiệm, đánh giá hiệu quả trong triển khai công tác hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp (DN). Đây là hoạt động nằm trong Kế hoạch năm 2012 của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho DN giai đoạn 2010 – 2014 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 585 (gọi tắt là Chương trình 585).

Thay đổi căn bản ý thức tuân thủ pháp luật của DN

Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự – kinh tế (Bộ Tư pháp) Dương Đăng Huệ đánh giá: Sau 2 năm triển khai, Chương trình 585 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhất là trong việc làm thay đổi căn bản ý thức tuân thủ pháp luật của DN trong kinh doanh, cũng như nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho DN.

Tiến hành kiểm tra, khảo sát, Ban quản lý Chương trình nhận thấy, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến DN hiện quá lớn. Việc tiếp cận, tìm hiểu thường xuyên không chỉ khó khăn với DN mà cả đối với các cơ quan quản lý nhà nước. Đặc biệt, nhiều văn bản, nhiều nội dung còn mâu thuẫn, chồng chéo, trong khi chưa có một hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất từ trung ương đến địa phương được phân loại theo từng lĩnh vực, chuyên ngành cụ thể.

Vì vậy, năm 2013 Ban quản lý Chương trình sẽ tập trung chú trọng xây dựng Trang thông tin điện tử chính thức hỗ trợ pháp lý cho DN và trang thông tin hỗ trợ pháp lý cho DN của một số địa phương; tiếp tục bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho DN; tổ chức các hội thảo, diễn đàn, tọa đàm về các chuyên đề pháp luật kinh doanh nhằm trao đổi kinh nghiệm, khuyến cáo các DN trong việc thực thi pháp luật và thu thập ý kiến góp ý hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh.

“Đánh trúng” nhu cầu của DN

Trên cơ sở những kết quả đã được, ông Trương Huỳnh Thắng, Vụ Pháp chế – Bộ Tài chính chia sẻ, việc lựa chọn nội dung hội thảo và tập huấn có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của Chương trình. Với tầm quan trọng của vấn đề này, Bộ Tài chính đã lựa chọn đội ngũ cán bộ kiêm chức có trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm công tác tham gia giảng dạy vừa giúp nội dung hội thảo tập huấn được sát thực, cập nhật vừa góp phần cho cán bộ xây dựng chính sách nắm bắt thực tiễn để hoàn thiện pháp luật.

Các cuộc hội thảo, tập huấn cũng được tổ chức “đánh trúng” nhu cầu của DN, đồng thời kết hợp, lồng ghép với chương trình công tác trọng tâm của Bộ để có thể tận dụng được các nguồn nhân lực có sẵn.

Đại diện Trung tâm khoa học và phát triển nguồn lực Á Châu thuộc Hiệp hội khoa học và phát triển nguồn nhân lực – nhân tài Việt Nam nhận định, hầu như các DN chỉ chú trọng quan tâm đến hoạt động kinh doanh của mình mà không quan tâm nhiều đến các vấn đề rủi ro pháp lý trong quản lý hoạt động.

Khi có tranh chấp xảy ra, các DN mới tìm hiểu và liên hệ với các tổ chức tư vấn như công ty luật, luật sư để giải quyết. Do đó, nhu cầu về hỗ trợ pháp lý của DN rất khác nhau. Kinh nghiệm của Trung tâm này cho thấy, DN đặc biệt quan tâm đến pháp luật thu hồi nợ, thuế, lao động, phòng chống rủi ro trong quan hệ hợp đồng.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc (1 trong 7 địa phương làm điểm của Chương trình 585 suốt hai năm qua) Trần Diện đề nghị: “Nên tiếp tục duy trì công tác khảo sát, đánh giá thực trạng nhu cầu của DN về hỗ trợ pháp lý , lấy ý kiến, lắng nghe nguyện vọng của DN để từ đó xây dựng nội dung chương trình sát với thực tiễn các vấn đề nổi cộm mà các DN thực sự quan tâm, giúp tháo gỡ kịp thời các vướng mắc về mặt pháp lý”.

Ngoài ra, theo ông Diện, cần tăng cường năng lực cho Sở Tư pháp – cơ quan đầu mối của Chương trình ở địa phương cũng như có cơ chế thu hút vật lực, tài lực từ xã hội tham gia tích cực hơn nữa vào Chương trình.

Thục Quyên