Luật sư phân tích pháp lý về một tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ

3

Những ngày qua thông tin Hồng Phước Idol có nguy cơ bị kiện do bị nghi ngờ sử dụng sản phẩm thơ của tác giả khác để chuyển thể thành bài hát mà không xin phép đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Dưới góc độ pháp lý, chuyên gia sẽ nhận định như thế nào về vấn đề này?

Trong khi ca khúc Khi chúng ta già do Hồng Phước Idol thể hiện cùng với Hương Giang Idol đang được nhiều người yêu thích bởi sự mới mẻ, sáng tạo cùng lời bài hát vô cùng lãng mạn thì bất ngờ Nguyễn Thị Việt Hà – người nhận là tác giả của bài thơ Khi chúng ta già đã lên tiếng tố Hồng Phước sử dụng sản phẩm của mình để phổ nhạc mà không xin phép. Thậm chí nhà thơ “nghiệp dư” Nguyễn Thị Việt Hà còn phát tín hiệu sẽ khởi kiện nếu như Hồng Phước không xin lỗi và có lời giải thích rõ ràng.

Tuy nhiên, trước những phản ứng gay gắt từ Việt Hà, Hồng Phước Idol lại chọn giải pháp im lặng, thậm chí quản lý của anh còn nói rằng phía Hồng Phước chủ trương không nói về vấn đề này trên truyền thông.

Chia sẻ với Phunutoday.vn về những khía cạnh pháp lý liên quan đến quyền tác giả trong vụ việc này, Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết: “Hiện tượng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung và xâm phạm quyền tác giả nói riêng khá phức tạp, đa dạng ở Việt Nam. Các vụ việc như “đạo văn, đạo nhạc…” đã được báo chí, truyền thông nhắc đến cũng khá nhiều. Đây là lĩnh vực đã có luật sở hữu trí tuệ quy định và điều chỉnh. Theo đó, khi phát hiện quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm thì cá nhân, tổ chức bị xâm phạm được phép sử dụng các quyền năng mà luật trao cho để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với tài sản sở hữu trí tuệ do mình sở hữu hoặc sáng tạo. Cụ thể trong vụ việc này là tác giả bài thơ “Khi chúng ta già” Nguyễn Thị Việt Hà và ca sỹ Hồng Phước”.

Luật sư Nguyên nhấn mạnh: “Tôi nghĩ trước sau rồi cũng sẽ được làm rõ, như vậy sẽ bảo vệ được uy tín và danh dự của các bên có liên quan. Luật cũng quy định quyền khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền của chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Điều quan trọng các bên chủ sở hữu tác phẩm phải chứng minh được mình là tác giả sáng tạo ra tác phẩm đó chứ không phải là vay mượn, ăn cắp, đạo văn… của người khác. Để chứng minh điều này thì luật quy định nghĩa vụ chứng minh thuộc về các bên”.

Trước đó, Ngày 12/2, ca khúc Khi chúng ta già do Hồng Phước giới thiệu là sáng tác mới bị tố đạo thơ của tác giả Việt Hà. Tác giả lên tiếng, chị cho Hồng Phước 2 ngày để đính chính bài hát được phổ thơ Nguyễn Thị Việt Hà và công khai xin lỗi trước truyền thông. Sau hai ngày, trước sự im lặng của nam ca sĩ, Việt Hà đã nhờ luật sư yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết về vấn đề bản quyền

Theo nữ tác giả, bài thơ Khi chúng ta già được cô đăng tải trên trang cá nhân và một trang xã hội vào tháng 4/2013. Từ lời chia sẻ của một người bạn về cuộc sống trồng rau, nuôi gà, cô nảy ra ý tưởng và sáng tác bài thơ Khi chúng ta già chỉ trong vài phút. So sánh lời bài thơ và bài hát sẽ thấy không có sự khác biệt nhiều. Phần lời hát của Hồng Phước Idol chỉ đảo lộn và thêm thắt một vài từ ngữ để phù hợp với khuông nhạc.

Trên trang cá nhân, nhà thơ Việt Hà bày tỏ quan điểm: “Đây là bài thơ của mình – Nguyễn Thị Việt Hà! Mình không hẹp hòi, nhưng mình không thích khi ca sĩ Hồng Phước nói đó là sáng tác của bạn ấy, nghĩa là bài hát Khi chúng ta già, trong khi thực chất bạn ấy phổ nhạc từ một bài thơ của mình. Bạn ấy phát biểu thế này: ‘Nhân dịp ngày Lễ Tình Nhân sắp đến, Hồng Phước đã tiếp tục viết một ca khúc dành riêng cho cả hai mang tên khá đặc biệt Khi chúng ta già nói về kế hoạch nghỉ hưu’. Trong khi bài thơ chính là quà tặng của mình dành cho một người khá đặc biệt vào ngày 11/4/2013″.

Theo Chu Du (phunutoday.vn)