Hướng dẫn chung về các thủ tục đăng ký kiểm tra chứng nhận chất lượng :
1. Địa chỉ đăng ký kiểm tra
Phòng chất lượng xe cơ giới – Cục Đăng kiểm Việt nam
Địa chỉ: 18 đường Phạm Hùng, Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội
Điện thoại: (04) 7684729; Fax: (04) 7684773
Website: http://www.vr.org.vn/vaq
2. Kiểm tra chứng nhận
2.1 Hồ sơ kiểm tra sản phẩm
Hồ sơ kiểm tra sản phẩm được Cơ sở sản xuất lập thành 01 bộ theo quy định tại thông tư số 30/2011/TT-BGTVT ngày 15 tháng 4 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.
Ngoài ra, đối với Cơ sở sản xuất lần đầu lập hồ sơ kiểm tra sản phẩm thì Cơ sở sản xuất cần cung cấp các tài liệu chứng minh đã đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp xe cơ giới theo các quy định hiện hành.
2.2 Thử nghiệm mẫu điển hình
Việc kiểm tra, thử nghiệm mẫu điển hình được thực hiện trong phạm vi 15 ngày kể từ khi nhận được đề nghị kiểm tra thử nghiệm. Cơ quan QLCL sẽ chỉ định cơ sở thử nghiệm đã được Cơ quan QLCL đánh giá và công nhận kiểm tra, thử nghiệm sản phẩm mẫu theo các quy định và tiêu chuẩn hiện hành.
Căn cứ vào phương pháp thử theo các tiêu chuẩn hiện hành, Cơ quan QLCL sẽ thống nhất với các cơ sở thử nghiệm quy định cụ thể số lượng mẫu thử phải thử nghiệm.
Cơ sở sản xuất có trách nhiệm chuẩn bị xe mẫu và các điều kiện thử theo các yêu cầu của cơ sở thử nghiệm được Cơ quan QLCL ủy quyền.
Sau khi sản phẩm mẫu kiểm tra thoả mãn tiêu chuẩn và các quy định hiện hành, Cơ sở thử nghiệm sẽ cấp báo cáo thử nghiệm cho loại sản phẩm đó.
2.3 Đánh giá điều kiện kiểm tra chất lượng tại Cơ sở sản xuất
2.3.1 Trách nhiệm của cơ sở sản xuất:
Để đảm bảo duy trì chất lượng các sản phẩm sản xuất, cơ sở sản xuất có trách nhiệm :
Xây dựng quy trình kiểm tra chất lượng cho từng kiểu loại sản phẩm ;
Trang bị các thiết bị kiểm tra cần thiết cho từng công đoạn sản xuất. Đối với các cơ sở sản xuất, lắp ráp xe cơ giới, cơ sở phải trang bị các thiết bị kiểm tra chất lượng tối thiểu quy định tại phụ lục VII của thông tư 30/2011/TT-BGTVT ngày 15/04/2011. Cơ sở sản xuất phải có trách nhiêm duy trì hoạt động và độ chính xác của các thiết bị kiểm tra trong thời gian hoạt động. Đối với cơ sở sản xuất xe cơ giới từ xe cơ sở đã được chứng nhận có thể kiểm tra bằng các thiết bị tại các Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới.
Có các kỹ thuật viên thực hiện việc kiểm tra chất lượng sản phẩm được đào tạo nghịêp vụ kiểm tra chất lượng phù hợp với loại sản phẩm sản xuất.
2.3.2 Đánh giá điều kiện kiểm tra chất lượng tại cơ sở sản xuất:
Cơ quan QLCL sẽ thực hiện việc đánh giá điều kiện kiểm tra chất lượng tại cơ sở sản xuất theo các phương thức như :
Đánh giá lần đầu: Khi cấp giấy chứng nhận chất lượng ;
Đánh giá hàng năm: Hàng năm cơ quan QLCL sẽ thực hiện đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng tại cơ sở sản xuất. Kết quả đánh giá hàng năm này là cơ sở để cơ quan QLCL xem xét hiệu lực giấy chứng nhận đã cấp cho các sản phẩm ;
Đánh giá đột xuất: Khi cơ sở sở sản xuất có các dấu hiệu vi phạm các quy định liên quan đến việc kiểm tra chất lượng hoặc khi có các khiếu nại về chất lượng sản phẩm.
2.4 Cấp giấy chứng nhận
Căn cứ theo hồ sơ, kết quả thử nghiệm mẫu điển hình và báo cáo đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng tại cơ sở sản xuất, Cơ quan QLCL sẽ cấp giấy chứng nhận, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho kiểu loại sản phẩm đăng ký kiểm tra. Nếu không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận chất lượng, Cơ quan QLCL sẽ thông báo (bằng văn bản) cho cơ sở sản xuất lý do không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận
Thời gian cấp giấy chứng nhận: trong phạm vi 05 ngày kể từ ngày hồ sơ kiểm tra đầy đủ theo các quy định và kết quả đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng tại cơ sở sản xuất đạt yêu cầu.
3. Sản xuất, lắp ráp hàng loạt
3.1 Trách nhiệm của cơ sở sản xuất:
Đối với sản phẩm cùng loại đã được Cơ quan QLCL cấp Giấy chứng nhận chất lượng, Cơ sở sản xuất có thể tiến hành sản xuất hàng loạt, kiểm tra chất lượng trong suốt quá trình sản xuất, lắp ráp cho từng sản phẩm theo các quy định hiện hành và đảm bảo các sản phẩm này đạt tiêu chuẩn kỹ thuật như hồ sơ và mẫu điển hình đã được chứng nhận.
Cơ sở sản xuất phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng các sản phẩm xuất xưởng.
Đối với các sản phẩm đủ điều kiện xuất xưởng, cơ sở sản xuất có trách nhiệm lập và cấp cho từng xe các hồ sơ sau :
Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng theo quy định hiện hành.
Tài liệu hướng dẫn sử dụng : nêu rõ các thông số kỹ thuật chính và hướng dẫn sử dụng các thiết bị an toàn của xe.
Phiếu bảo hành sản phẩm trong đó nêu rõ các điều kiện và địa chỉ các cơ sở bảo hành.
3.2 Trách nhiệm của Cơ quan QLCL:
Cơ quan QLCL có thể tiến hành thực hiện giám sát kiểm tra xuất xưởng tại các cơ sở sản xuất như đã nêu tại khoản a, mục 3, điều 10 của thông tư số 30/2011/TT-BGTVT hoặc có thể tiến hành kiểm tra đột xuất việc thực hiện kiểm tra chất lượng xuất xưởng tại các Cơ sở sản xuất, nếu phát hiện thấy Cơ sở sản xuất vi phạm các quy định liên quan đến việc kiểm tra chất lượng sản phẩm thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận hoặc phải áp dụng hình thức giám sát như đã nêu tại khoản a, mục 3, điều 10
3.3 Các hình thức kiểm tra xuất xưởng:
Cơ sở sản xuất có thể tiến hành kiểm tra xuất xưởng theo một trong hai hình thức sau :
3.3.1 Kiểm tra xuất xưởng có sự giám sát của Cơ quan QLCL:
Đối với các cơ sở sản xuất, lắp ráp xe chở nguời hoặc xe được lắp ráp từ các linh kiện rời sẽ chịu sự giám sát kiểm tra xuất xưởng của Cơ quan QLCL trong các trường hợp sau :
– Cơ sở sản xuất lần đầu tiên sản xuất, lắp ráp xe cơ giới ;
– Cơ sở sản xuất có chất lượng sản phẩm không ổn định.
– Cơ sở sản xuất vi phạm các quy định liên quan đến kiểm tra chất lượng nhưng chưa đến mức phải thu hồi giấy chứng nhận.
Sau mỗi đợt giám sát là 6 tháng hoặc 500 sản phẩm tuỳ theo yếu tố nào đến trước, Cơ sở sản xuất sẽ được Cơ quan QLCL xem xét để miễn giát sát, áp dụng hình thức Cơ sở sản xuất tự kiểm tra chất lượng xuất xưởng nêu tại khoản b, mục 3, điều 10 của thông tư 30/2011/TT-BGTVT
3.3.2 Tự kiểm tra xuất xưởng :
Các Cơ sở sản xuất không thuộc diện phải giám sát nêu tại mục a, khoản 3, điều 10 sẽ được tự thực hiện việc kiểm tra xuất xưởng theo các quy định hiện hành.
CÔNG TY LUẬT HƯNG NGUYÊN (NGUỒN CỤC ĐĂNG KIỂM VIỆT NAM)