Chiều qua, 3.12, UBTVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự. Một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau đó là kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự; thời hiệu giải quyết vụ việc dân sự; việc sửa đổi, bổ sung Điều 284, Điều 288 về phát hiện bản án có hiệu lực pháp luật, vi phạm pháp luật và thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm…
Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên: Cơ sở lý luận nào để quy định Kiểm sát viên chỉ tham gia và phát biểu ý kiến ở khâu xét xử sơ thẩm?
Tôi xin hỏi cơ sở lý luận nào để dự kiến quy định Kiểm sát viên chỉ tham gia và phát biểu ý kiến ở khâu xét xử sơ thẩm, không phát biểu về việc giải quyết vụ án, nhưng từ phúc thẩm trở đi thì lại được phát biểu ở tất cả các khâu? Có phải vì có bộ luật nào đó hiện tại quy định như thế nên bây giờ phải tuân theo theo hay còn có cơ sở lý luận nào đó. Nếu như bộ luật làm căn cứ pháp lý cho quy định này nhưng không phù hợp thì sửa quy định của bộ luật đó để bảo đảm cho kiểm sát viên được tham gia ở cả các khâu từ sơ thẩm đến phúc thẩm và giám đốc thẩm.
Khi xét xử sơ thẩm cũng phải có quyết định và có một bản án, trên cơ sở người đó người ta thấy đúng hay không đúng mới khiếu nại, từ đó mới có phúc thẩm. Nhưng nếu lý luận như thế không biết nó có đúng hay không? Trước đây, cũng có thể do hệ thống tổ chức, đội ngũ không đủ về số lượng, về trình độ… cho nên, mặc dù quy định như thế, nhưng trên thực tế không làm được. Bây giờ bộ máy đàng hoàng hơn, hoành tráng hơn, đội ngũ đông đảo hơn, năng lực khá hơn bây giờ bổ sung vào một đoạn thì có bảo đảm cho quyền của công dân về vấn đề này không? Hơn nữa, lâu nay, trong xây dựng pháp luật có một thực tế là hay viện dẫn đến một luật hay bộ luật trước đó, coi như bộ luật, luật trước đó là đúng 100%, nhưng sự vật đang vận động đòi hỏi có sự sửa đổi thì ngay quy định trước đó làm “điểm tỳ” pháp luật cho các văn bản quy định pháp luật đằng sau cũng cần phải sửa đổi…
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba: Quy định như vậy là hợp lý…
Cũng như trước đây trong Luật Tố tụng Hành chính và lần này là Bộ luật Tố tụng dân sự xác định trách nhiệm của Viện kiểm sát ở phiên tòa dân sự căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát. Hiện nay Viện kiểm sát có 2 chức năng, một là chức năng công tố, hai là chức năng kiểm sát hoạt động xét xử. Công tố chỉ đặt vấn đề trong hình sự, còn chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp trong đó có hoạt động xét xử tức là tham dự phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, nhưng giai đoạn sơ thẩm chỉ phát biểu về việc chấp hành pháp luật trong tố tụng. Bởi vì tại phiên tòa sơ thẩm, theo trình tự, thủ tục đến giai đoạn Viện kiểm sát phát biểu ý kiến, lúc đó Tòa án chưa nghị án và chưa ra phán quyết. Do vậy, nếu nói rằng Viện kiểm sát phát biểu với vai trò là kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án thì chưa đúng vì lúc này chưa có bản án, quyết định, vì vậy, chỉ nên phát biểu ý kiến về việc chấp hành pháp luật về tố tụng từ giai đoạn điều tra, thu thập hồ sơ chứng cứ để triệu tập đương sự, điều khiển phiên tòa, bảo đảm cho các bên đương sự bình đẳng với nhau và tuân theo pháp luật trong cả quá trình tố tụng sơ thẩm. Đến phiên tòa phúc thẩm Viện kiểm sát mới phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án vì lúc này tòa án đã tuyên bản án hoặc đã ra quyết định, Kiểm sát mới biết bản án, quyết định đó đúng hay không đúng và phát biểu quan điểm với chức năng kiểm sát bản án, quyết định của tòa án. Theo Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành, Viện kiểm sát không tham gia phiên tòa, phiên họp trừ trường hợp khi đương sự có đơn yêu cầu hoặc có khiếu nại về việc giải quyết của Tòa án, lúc đó Viện kiểm sát mới tham gia phiên tòa, phiên họp…
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng: Đây là vấn đề rất lớn…
Về việc Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự. Qua báo cáo tổng hợp và Báo cáo của Ủy ban Tư pháp, hiện nay vẫn còn 3 loại ý kiến. Theo tôi hiểu 2 loại ý kiến thứ nhất và thứ hai đồng tình với việc Viện kiểm sát nhân dân tham gia vào tất cả các vụ việc về dân sự, kể cả đối với các phiên tòa sơ thẩm. Ý kiến thứ ba đề nghị trước mắt giữ như quy định hiện hành của Bộ luật Tố tụng dân sự, chưa xem xét việc sửa đổi, bổ sung trong lần này về vai trò của Viện kiểm sát nhân dân. Đây là vấn đề rất lớn. Nếu theo loại ý kiến thứ nhất, thứ hai là Viện kiểm sát nhân dân tham gia không hạn chế tại các phiên tòa sơ thẩm. Như vậy đặt vai trò Viện kiểm sát nhân dân trước năm 2002, trước khi ban hành Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân mới. Pháp lệnh về thủ tục giải quyết các vụ án dân sự trước đó cũng không hạn chế sự tham gia của Viện kiểm sát nhân dân. Nhưng đến khi có Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành, về cơ bản Viện kiểm sát nhân dân không tham gia vào các phiên tòa sơ thẩm và nếu cần có sự hỗ trợ giúp đỡ đã có luật sư, trợ giúp viên pháp lý tham gia… Theo tôi, vấn đề này cần tiếp tục nghiên cứu, kể cả mức độ tham gia và quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân đến đâu…
Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng: Thế nào là thực hành quyền công tố?
Ta vẫn nói Viện kiểm sát thì được thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp, nhưng đến nay thế nào là thực hành quyền công tố chưa hẳn đã được làm sáng tỏ. Hầu như tất cả chúng ta đều nghĩ thực hành quyền công tố là dành riêng cho lĩnh vực hình sự, có nghĩa là Viện kiểm sát thay mặt Nhà nước đưa một người phạm tội ra Tòa, nhưng hiện nay ngay bản thân Luật tổ chức Viện kiểm sát cũng không hoàn toàn phân biệt thực hành quyền công tố và kiểm sát trong các vụ án hình sự, thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong các vụ án dân sự. Do vậy, câu hỏi thế nào là thực hành quyền công tố cũng phải làm sáng tỏ.
Về thời hiệu, tôi đồng ý với Ủy ban Tư pháp là có những quan hệ phải loại trừ. Phải tính thời hiệu kháng nghị đối với trường hợp có đơn yêu cầu đúng thời hạn trong 2 năm, nhưng làm không kịp, để muộn thì việc đó không tính thời hạn.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trần Đình Nhã: Có 2 vấn đề cần đặc biệt quan tâm…
Có 2 vấn đề cần đặc biệt quan tâm đó là kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự và về thẩm quyền đưa ra cơ chế đặc biệt.
Có ý kiến cho rằng nên mở rộng quyền của Viện kiểm sát trong vụ án dân sự vì như thế không ảnh hưởng gì đến nguyên tắc tự định đoạt. Tôi lại cho là khác. Sự tham gia của Viện kiểm sát ảnh hưởng rất lớn đến quyền định đoạt của đương sự bởi vì khi Viện kiểm sát phát biểu ý kiến về một vụ việc dân sự, dứt khoát Viện kiểm sát sẽ ủng hộ một bên chứ không thể nói tôi phát biểu ý kiến, tôi không ủng hộ bên nào. Về việc Viện kiểm sát phát biểu như thế nào về nội dung của vụ án và Viện kiểm sát phát biểu vào lúc nào? Trong một phiên tòa, đặt vị trí của người phát biểu lúc nào cũng rất quan trọng. Viện kiểm sát phát biểu ở đây để làm gì, nếu để phát biểu thì Viện kiểm sát có đi thu thập chứng cứ hay không, có quá trình nghiên cứu đánh giá chứng cứ như thế nào để phát biểu trước phiên tòa? Tôi đề nghị lưu ý một điểm là khi xây dựng Bộ luật Tố tụng dân sự nhiều ý kiến cho rằng đây là hướng đi đúng, hạn chế dần vai trò của Viện kiểm sát trong hoạt động dân sự, trong tố tụng dân sự. Và Bộ Chính trị khi xây dựng Nghị quyết 49 về cải cách tư pháp cũng ủng hộ phương hướng ấy. Bây giờ, nếu theo ý kiến của Viện kiểm sát thì lại bắt đầu quay lại như trong Pháp lệnh tố tụng dân sự. Vậy chúng ta tiến hay chúng ta lùi?
Một vấn đề nữa là việc đề nghị xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Vấn đề này cũng được nhiều ĐBQH nêu, thậm chí những ý kiến không tán thành ở tổ còn nhiều hơn ý kiến tán thành. Đây là điều cần cân nhắc. Tôi đồng ý với ý kiến của Thường trực Ủy ban Tư pháp là cần phải tiếp tục nghiên cứu để đưa ra một cơ chế phù hợp, đúng hướng.
Minh Vân