Doanh nghiệp lo cái lợi trước mắt nên chơi xấu nhau để cạnh tranh, trong khi vai trò nhà quản lý mờ nhạt nên thương hiệu Việt nổi tiếng trên thị trường quốc tế vẫn mãi xa xôi. Tại Hội thảo “Bảo vệ thương hiệu quốc gia, những cơ sở pháp lý” diễn ra tại thành phố Hạ Long vào ngày 12/8, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoa Sen cho biết: Trên thế giới, các doanh nghiệp họ cạnh tranh với nhau bằng thương hiệu, bằng chất lượng còn ở Việt Nam, doanh nghiệp lại cạnh tranh nhau bằng giá. Theo đó, chất lượng hàng hóa ngày càng bị hạ thấp.
“Các doanh nghiệp làm ăn chân chính hiện nay đang phải cạnh tranh với các doanh nghiệp làm ăn chụp giật, đánh lừa người tiêu dùng. Sản phẩm càng nổi tiếng thì càng bị làm nhái nhiều. Đôi khi người bán cũng không thể xác định được hàng của mình là thật hay giả. Hiện tượng này đã trở nên phổ biến, dễ hiểu, ai cũng biết. Tuy nhiên điều khó hiểu là vai trò quản lý của các cơ quan chức năng lại quá mờ nhạt trong việc bảo vệ sự sáng tạo và giá trị của các doanh nghiệp. Cứ như thế, doanh nghiệp làm ăn chân chính khó tồn tại và tạo ra được một thương hiệu tốt”, ông Vũ trăn trở.
Ông Phạm Lê Tấn Phong, Giám đốc Trung tâm truyền thông Tập đoàn Tân Hiệp Phát cũng bức xúc với tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường mà cơ quan chức năng địa phương đang làm ngơ.
Ông chia sẻ: “Tại nhiều khu vực, các cơ sở sản xuất hàng giả ngang nhiên hoạt động và rầm rộ bán hàng về nông thôn, vận chuyển về các vùng nông thôn, nhất lên vùng sâu, vùng xa, biên giới thậm chí bày bán ngay tại phố phường thủ đo nhưng tất các các cơ quan địa phương đều làm ngơ không xử lý”.
Ông Phong khẳng định “doanh nghiệp làm ăn chân chính là người đã từng phải chịu nhiều sóng gió, thua thiệt về kiểu cạnh tranh không lành mạnh và những việc làm không minh bạch này”.
TS. Võ Đại Lược cũng nhận định: “Tất cả những quốc gia có thương hiệu mạnh như chúng ta thấy đều có thể chế gồm ba yếu tố – luật pháp, bộ máy nhà nước, phương thức điều hành rất tốt. Họ biết thu hút nhân tài từ khắp nơi với những chính sách đãi ngộ hấp dẫn”. Theo chuyên gia kinh tế này, hiện Việt nam đang dung dưỡng cho những doanh nghiệp làm ăn chụp giật, làm nản lòng những doanh nhân có ý thức xây dựng thương hiệu mạnh, chân chính.Trong khi vai trò của cơ quan chức năng còn khá mờ nhạt, chưa thực sự mặn mà với việc bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính, mà trên thực tế các doanh nghiệp muốn tự bảo vệ được mình cũng hết sức khó khăn bởi theo các doanh nghiệp, thủ tục nhiều khê, rắc rối, thời gian theo kiện kéo dài, chi phí tốn kém.
Nhiều doanh nghiệp khi được hỏi về việc cạnh tranh không lành mạnh và thiếu minh bạch giữa các doanh nghiệp với nhau đều thẳng thắn bày tỏ: Báo chí cũng như chuyên gia đều nói chúng tôi làm ăn chụp giật nhưng chính sách không ổn định, hàng giả tràn thị trường, cơ quan chức năng lơ là. Do đó, nhiều khi để tồn tại chúng tôi cũng đành lao theo kiểu làm ăn đó.
Ông Lê Phước Vũ cho rằng, có 90% hàng Việt phải vào thị trường thế giới trung gian dưới dạng thô, hoặc gia công cho các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài. Do đó, người tiêu dùng nước ngoài vẫn còn chưa có khái niệm về hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam.
Theo ông Lê Phước Vũ, hầu hết các doanh nghiệp của nước ta hiện nay đều chưa nhận thức đúng về vấn đề thương hiệu và sự đóng góp của thương hiệu trong giá trị sản phẩm. Ông dẫn chứng: “Trong một cuộc khảo sát do câu lạc bộ Hàng Việt Nam chất cao thực hiện, chỉ có 4,2% doanh nghiệp cho rằng thương hiệu là vũ khí trong cạnh tranh; 5,4% cho rằng thương hiệu là tài sản của doanh nghiệp và chỉ có 30% doanh nghiệp cho rằng thương hiệu sẽ giúp bán hàng được giá cao hơn và đem lại niềm tự hào cho người tiêu dùng”.
“Việt Nam là nước nổi tiếng về cây chè, chè xuất khẩu sang thị trường các nước rất nhiều, tuy nhiên thế giới chẳng ai biết họ đang dùng chè của Việt Nam bởi chúng ta phần lớn đều xuất khẩu sản phẩm thô, yếu trong xây dựng và bảo hộ thương hiệu”, ông Đoàn Anh Tuân, Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam cũng bày tỏ về việc bảo vệ thương hiệu cho những sản phẩm của Việt Nam tại thị trường nước ngoài.
Ông Nguyễn Sĩ Dũng, Phó chủ nhiệm văn phòng Quốc Hội cho biết: “Việc bảo vệ thương hiệu cũng như bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của tổ quốc bởi nó không chỉ là riêng của doanh nghiệp đó mà còn là vấn đề kinh tế, vấn đề hình ảnh của cả một nước”. Theo ông Dũng các doanh nghiệp cần chú trọng và đầu tư hơn nữa cho vấn đề xây dựng và bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp mình. Hiện nay, những thương hiệu của Việt Nam ở nước ngoài đạt tới độ “nhắc tới Việt Nam là khách hàng nghĩ ngay tới sản phẩm đó và ngược lại còn quá ít”.
Thực tế ở Việt Nam hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp mới chỉ quan tâm tới việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trong nước mà chưa chúng tới đăng ký ở nước ngoài. Vì vậy, không ít thương hiệu lớn của các doanh nghiệp Việt đã bị các công ty của nước ngoài đăng ký bảo hộ tại nước ngoài như: Cà phê Đăk Lăk năm 1997, kẹo dừa Bến Tre năm 1998, cà phê Trung Nguyên năm 2000, Vifon năm 2001, thuốc lá Vinataba và Petro năm 2002… Vụ gần nhất trong năm 2011 là cà phê Buôn Ma Thuột và nước mắm Phú Quốc. Hậu quả, các doanh nghiệp Việt chỉ sản xuất sản phẩm thô hoặc gia phải thông qua nước thứ ba.
Ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Ở Quảng Ninh có rất nhiều sản phẩm đặc sản có thể đưa lên thành thương hiệu và xuất khẩu rộng ra thị trường nước ngoài nhưng việc bảo hộ thương hiệu thì quá ít”. Ông cũng nhận xét: “Tính cộng đồng của các ban ngành, doanh nghiện Việt là rất yếu, hầu như chưa có sự hợp tác, mạnh ai người , mạnh ai người nấy làm”.
“Không chiếm lĩnh được thị trường thì khó vươn ra tầm quốc tế. Ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp, Nhà nước cần phải có giải pháp tổng thể về giáo dục, đào tạo, truyền thông, tuyên truyền để tạo điều nên một văn hóa tiêu dùng thông minh, lạnh mạnh và có chiến lược. Như vậy để sẽ tránh sự lệch lạc trong thị hiếu của người tiêu dùng có phần cổ súy cho hàng nhái và nặng tâm lý sính ngoại”, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập Đoàn cà phê Trung Nguyên chia sẻ.
Công ty Luật Hưng Nguyên (sưu tầm)