Luật đất đai phải công nhận quyền sở hữu tư nhân

120

Đất nông nghiệp ngày càng sụt giảm, tranh chấp và khiếu kiện về đất đai bùng nổ, một tầng lớp đại gia hình thành nhờ đầu cơ, kinh doanh bất động sản, khoảng cách giàu nghèo càng tăng thêm. Đó là một số trong nhiều hệ quả của cái gọi là “sở hữu toàn dân” về đất đai ở Việt Nam, một khái niệm hoàn toàn trái với xu thế phát triển kinh tế theo hướng thị trường. Cho nên, ngày càng có nhiều tiếng nói yêu cầu Nhà nước phải công nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai.

Là một người từng được báo chí Việt Nam ca ngợi là “Kỳ tài đất Tiên Lãng” vì đã bỏ biết bao công sức tạo dựng đất bồi ven biển để nuôi trồng thủy sản, ông Đoàn Văn Vươn, một cựu chiến binh, kỹ sư nông lâm xuất thân từ gia đình cách mạng, nay bị khởi tố vì tội “giết người”. Ngày 5/1 vừa qua, ông Đoàn Văn Vươn cùng người nhà đã dùng mìn và súng để chống trả lại lực lượng thi hành lệnh cưỡng chế thu hồi đất nuôi trồng thủy sản tại khu Cống Rộc ( xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng ), bắn bị thương bốn công an và hai bộ đội.

Dường như đây lần đầu tiên mà lực lượng an ninh bị thương vong nhiều như vậy trong một vụ cưỡng chế thu hồi đất. Nhưng xét kỹ hơn thì vụ xảy ra tại Hải Phòng cũng chẳng khác gì với vô số các tranh chấp đất đai ở Việt Nam hiện nay, hậu quả của một Luật Đất đai có quá nhiều điểm cần phải được cấp tốc sửa đổi.

Hiện giờ, theo quy định của Hiến pháp cũng như trong Luật Đất đai, ở Việt Nam, đất đai là “sở hữu của toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu”. Nhưng từ lâu, nhiều chuyên gia, học giả, nhà phân tích chính trị, như ông Nguyễn Thanh Giang ở Hà Nội, đã chỉ ra rằng, cái gọi là sở hữu toàn dân là nguồn gốc gây ra nhiều tham nhũng, làm tăng khoảng cách giàu nghèo, làm giảm năng suất nông nghiệp và nói chung là cản trở sự phát triển của đất nước:

“Thực chất sở hữu toàn dân là gì ? Là sở hữu của Nhà nước. Mà sở hữu của Nhà nước là sở hữu của chính phủ. Mà sở hữu của chính phủ là của các quan chức. Cho nên có một thực tế là một giám đốc nhỏ như giám đốc một công ty chế biến cây trồng nông nghiệp đã biếu không 700 hectare đất công ở huyện Bến Cát, Bình Dương. Một ông giám đốc nhỏ như vậy mà có thể biếu 700 hectare đất, vậy thì những ông quan lớn hơn 5, 7 bậc có thể biếu không đến bao nhiêu hectare đất ?

Các địa chủ đỏ ngày nay không chỉ có hàng trăm, mà là hàng chục ngàn hectare đất. Chúng ta nhớ nhiều địa chủ ngày nào chưa có đến một hectare đất mà đã bị trói vào cột trường đấu, để tá điền đốt râu, rồi chết tức tưởi trong thời kỳ cải cách ruộng đất. Các địa chủ đỏ ngày nay không tốn một giọt mồ hôi mà ung dung, phè phỡn quá !

Trong luật Đất đai 2003 có một thuật ngữ rất mơ hồ là « giá quyền sử dụng đất ». Điều phi lý, quái đản này cũng giống như thuật ngữ « tài sản XHCN », nhưng không hiểu vì sao vẫn tồn tại trong một văn bản Nhà nước. Đất và quyền sử dụng đất là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, cho nên không thể có khái niệm « giá quyền sử dụng đất » được.

Sở dĩ chúng ta không thừa nhận được quyền tư hữu đất đai là vì chúng ta đi theo chủ nghĩa Marx. Marx có một sai lầm cực kỳ cơ bản là chủ trương xóa bỏ tư hữu. Trong thực tế, công hữu làm nghèo đất đai đi, làm cho năng suất thấp.

Hồi cải cách ruộng đất, tuy việc cướp đất của địa chủ chia cho nông dân có những sai lầm tai hại, nhưng nó đã vô tình làm cho việc tư hữu đất đai trở nên sâu hơn. Nhờ vậy mà sản xuất nông nghiệp cũng được đẩy mạnh phần nào. Sản lượng lương thực năm 1957 đạt được đến 4 triệu tấn, cao hơn sản lượng cao nhất tại miền Bắc trước Thế chiến thứ hai ( 2,4 triệu tấn ).

Nhưng oái ăm thay, niềm vui người cày có ruộng chưa được nhen nhúm bao lâu, thì Hiến pháp sửa đổi năm 1980 đã quy định đất đai là sở hữu toàn dân và theo đó, hầu hết đất đai được giao cho các HTX nông nghiệp.

Kể từ khi chính sách này được thực thi từ năm 1976 đến năm 1980, năng suất lúa đã giảm từ 2,23 tấn/hectare xuống chỉ còn 2,08 tấn/hectare. Đảng phải nhìn thẳng vào sự thực đó và thấy được rằng việc tư hữu hóa đất đai là cần thiết, không chỉ để tránh khiếu kiện, tránh phân hóa giàu nghèo cao hơn và còn làm cho năng suất nông nghiệp tăng thêm.”

Đáng nói hơn hết là Điều 23 Hiến pháp 1992 quy định “trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân hoặc tổ chức theo thời giá thị trường”, nhưng Điều 38 Luật Đất đai ngoài quy định đó còn bổ sung thêm “lợi ích công cộng, phát triển kinh tế”! Tức là điều khoản này hoàn toàn vi hiến. Hơn nữa, “phát triển kinh tế” là một khái niệm rất rộng, có thể diễn giải như thế nào cũng được, bởi vì xây sân golf cũng có thể được hiểu là “phát triển du lịch”, có nghĩa là phát triển kinh tế. Chính vì có thể thu hồi đất một cách vô tội vạ như thế, cho nên đây lại càng là cơ hội tham nhũng cho một số quan chức và nguyên nhân gây bất ổn xã hội.

Trong những năm gần đây, trong số các tranh chấp nhà đất ở Việt Nam , có không ít vụ liên quan đến tài sản của các tôn giáo, đặc biệt là của Giáo hội Công giáo. Ngay từ năm 2008, trong văn kiện “QUAN ĐIỂM CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRONG HOÀN CẢNH HIỆN NAY”, công bố ngày 27/9, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã từng nêu rõ :” Luật về đất đai tuy đã sửa đổi nhiều lần nhưng vẫn còn bất cập, chưa đáp ứng kịp đà biến chuyển trong đời sống xã hội, đặc biệt là chưa quan tâm đến quyền tư hữu chính đáng của người dân.”

Trong văn kiện đó, Hội đồng Giám mục Việt Nam nhắc lại rằng Tuyên ngôn Quốc tế của Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền đã khẳng định: “Mọi người đều có quyền tư hữu cho riêng mình hay chung với người khác … và không ai có thể bị tước đoạt tài sản của mình cách độc đoán” . Cho nên, các vị giám mục đề nghị là “thay vì chỉ giải quyết theo kiểu đối phó hoặc cá biệt, thì giới hữu trách phải tìm giải pháp triệt để hơn, tức là để người dân có quyền làm chủ tài sản, đất đai của họ”.

Vấn đề sở hữu đất đai đã được đưa ra bàn cãi ngày càng nhiều trong bối cảnh mà theo dự kiến, vào năm 2013 Quốc hội sẽ sửa đổi Luật Đất Đai 2003. Tại hội thảo Hoàn thiện báo cáo rà soát Luật Đất đai 2003 và Luật Kinh doanh bất động sản tại Hà Nội ngày 21-9, được tờ Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh tường thuật ngày 22/09/2011, các chuyên gia đã kiến nghị thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai và hướng đến đa dạng hóa sở hữu đất đai.

Phân tích về vấn đề sở hữu đất đai, đại diện nhóm nghiên cứu, TS Trần Quang Huy, Trưởng bộ môn Đất đai (khoa Pháp luật kinh tế ĐH Luật Hà Nội), cho rằng cần làm rõ khái niệm “sở hữu toàn dân” vì khái niệm này trừu tượng, không có chủ thể thực. Theo LS Huy, có thể nên nghiên cứu bỏ khái niệm “sở hữu toàn dân”, thay bằng khái niệm “sở hữu Nhà nước”.

Tuy nhiên, luật sư Trương Thanh Đức, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Hàng hải, cho rằng sở hữu “toàn dân” hay “Nhà nước” thì cũng vẫn chỉ là sách vở, chẳng có gì thay đổi cả. Trong khi lý luận và thực tế cuộc sống đòi hỏi công nhận sở hữu tư nhân về đất đai. Theo LS Đức, « nếu không thừa nhận vấn đề gốc rễ căn bản đó, thì dù có sửa Luật Đất đai bao nhiêu lần nữa, cũng vẫn không thoát khỏi tù mù, nhập nhằng, bất cập. »

Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Công ty Quang và cộng sự, thì đề nghị dạng hóa sở hữu đất đai như: sở hữu quốc gia do trung ương quản lý, sở hữu của chính quyền địa phương, sở hữu của cộng đồng dân cư, sở hữu của pháp nhân và sở hữu của cá nhân.

Trong cuộc hội thảo đó, luật sư Đỗ Trọng Hải, Công ty Luật Bizlink, cũng đồng tình với các ý kiến trên và nhấn mạnh: “Hầu hết các nước trên thế giới đều công nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai. Có đa dạng hóa sở hữu thì mới tránh được những xáo trộn hiện nay và hợp với thông lệ quốc tế. Cho dù có là sở hữu gì, khi đụng đến những vấn đề về an ninh quốc gia, thì Nhà nước vẫn đương nhiên được quyền quyết định”.

Về phần ông Nguyễn Thanh Giang thì đưa một số đề nghị cụ thể để sửa đổi Luật Đất đai theo hướng công nhận quyền tư hữu đất đai:

“Tôi đã từng kiến nghị là đất phải có chủ cụ thể và thời hạn danh điền, phải được tư hữu hóa. Đấy là lẽ đời mà cha ông ta đã nhận ra và thực thi từ nghìn năm trước. Tuy vậy, tôi đề nghị là việc tự hữu hóa ruộng đất phải được tiến hành thận trọng từng bước, nhưng cần hết sức khẩn trương.

Có thể tham khảo ý kiến của các chuyên gia quốc tế về đất đai, đó là cấp giấy chứng nhận sở hữu cá nhân cho người sử dụng đất. Tất cả những người sử dụng đất phải nộp thuế đất hàng năm. Việc định thuế đất là dựa vào giá trị đất với những lợi thế tự nhiên, độ mầu mỡ và vị trí của nó. Giấy chứng nhận sở hữu cá nhân thì được tự do chuyển đổi, với mức phí tương ứng với việc cấp một giấy chứng nhận mới. Sẽ không có bất cứ khoản thuế dựa trên giá trị chuyển dụng nào, vì điều này làm tăng chi phí, ngăn cản sự linh động của thị trường, tạo cơ hội cho các hành vi tham nhũng và trốn thuế. Các mảnh đất chưa có chủ sẽ được đấu giá công khai, dành cho những người sẵn sàng nộp thuế cao nhất. Thông tin về mức thuế ở mỗi khu vực phải được công khai trên Internet. Tại mỗi văn phòng quản lý đất đai, bất kỳ ai muốn tranh cãi về việc định giá sẽ được yêu cầu trình đề án của mình.

Ngay trong lịch sử nước mình, cũng có thể tham khảo cách làm của ông cha xưa. Ví dụ như theo Đại Việt Sử ký toàn thư, từ năm Giáp Dần ( 254 ), vua Trần Thái Tông đã xuống chiếu bán ruộng công, mỗi mẫu là 5 quan tiền, cho dân mua làm ruộng tư. Để tạo điều kiện dễ dàng cho việc mua bán, chuyển nhượng đất đai, tháng Chạp năm 1442, vua Lý Anh Tông đã xuống chiếu, là những người tranh nhau ruộng ao, của cải không được nhờ cậy nhà quyền thế. Làm trái thì đánh 80 trượng, xử tội đồ.

Để việc trưng thư đất đai hoàn toàn thỏa đáng, năm Mậu Thân ( 248 ), vua Trần Thái Tông đã cho phép trưng thu đất để đắp đê. Nhưng quy định rằng chỗ nào đắp thì đo xem mất bao nhiêu ruộng đất của dân, rồi đền bù theo thời giá.

Bởi vậy, tôi tha thiết đề nghị Đảng và chính phủ nhìn thấy cái nguy cấp của việc chúng ta chậm biến năm thành phần đất đai và phải sửa Luật Đất đai theo hướng thừa nhận quyền tư hữu và hợp lý. Có như vậy mới dần dần sửa được hai tệ nạn. Thứ nhất là sự phân hóa giàu nghèo quá đáng. Quá đáng đến mức mà bây giờ quan chức chỉ ký một mảnh giấy, từ đất có thể kiếm ra hàng chục, hàng trăm tỷ, nên mới có ông ngồi đánh cờ với nhau mỗi ván 5 tỷ đồng. Trong khi có những người nông dân khốn khổ đến mức mà cháu giết bà nội chỉ để lấy 400 ngàn đồng.

Tệ nạn thứ hai là quan chức tịch thu đất của dân với một cái giá rẻ như bèo, chỉ ký cho nông dân vài trăm ngìn đồng, để bán, chia chác cho nhau lấy hàng chục triệu đồng. Người nông dân oan ức đi khiếu kiện, xã không giải quyết, huyện không giải quyết. Lên trung ương thì lại bị bắt vào đồn công an và bị hành xử rất tàn nhẫn. Trong những người bị hành xử tàn nhẫn, không chỉ có nông dân bình thường, mà có cả những cựu chiến binh từng rơi xương đỗ máu, những bà mẹ anh hùng, … Những cái đó đau lòng lắm.

Cho nên tôi thấy việc sửa lại Luật Đất đai là việc hết sức khẩn cấp và phải làm với một tinh thần cách mạng thật sự, với một tinh thần vì dân để xóa bò những tệ nạn và cũng là những nguy cấp cho Đảng này. Và chỉ có làm một luật đất đai cho đúng thì mới có thể tạo công bằng xã hội và làm cho đất đai sinh sôi nẩy nở. “

Nhưng dầu sao Luật đất đai không thể được sửa đổi theo hướng thừa nhận quyền sở hữu tư nhân đất đai, nếu Hiến pháp không được sửa đổi, mà việc sửa đổi Hiến pháp tuy đã được dự trù, nhưng không biết bao giờ mới được thực hiện.

Trước mắt, nhận thấy là những bất cập đền trong việc bù đất đai đang kềm hãm sực phát triển kinh tế Việt Nam, Ngân hàng Thế giới trong tháng 12 vừa qua đã ra một báo cáo nhằm trợ giúp cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai trong quá trình xây dựng Luật Đất đai mới.

Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, « vấn đề giá đất để tính bồi thường vẫn là vấn đề bức xúc nhất hiện nay ở các địa phương. Cho đến đầu năm 2010, nhiều địa phương cho rằng lượng khiếu nại hành chính về giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đang chiếm tới 90% tổng lượng khiếu kiện của dân.

Trên 80% ý kiến trả lời đều không hài lòng với giá đất áp dụng vào tính toán bồi thường. Do chưa có quy định cụ thể về quy trình xác định giá đất nên mỗi địa phương cấp tỉnh đưa ra cách giải quyết khác nhau. Đại đa số trường hợp đều có biểu hiện áp đặt giá đất theo quyết định hành chính, thiếu phù hợp với các quy luật của cơ chế thị trường. Chính bất cập trong đền bù dẫn tới tốc độ triển khai các dự án chậm, khiến các dự án đầu tư hạ tầng phải chịu nhiều phí tổn, làm chậm khả năng sinh lời của dự án. Khiếu kiện kéo dài gây thiếu ổn định về xã hội và giảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư vào Việt Nam ».

Trong báo cáo, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới và chuyên gia nghiên cứu độc lập đã đưa ra những khuyến nghị nhằm khắc phục các hạn chế của hệ thống pháp luật đất đai, đặc biệt là hệ thống định giá đất và hệ thống luật giải quyết khiếu nại đất đai.