Công ty Luật Hưng Nguyên: Luật sư là nghề được trọng vọng trong xã hội

67

(Nguoiduatin.vn) – Việt Nam hiện có khoảng gần 10 ngàn Luật sư đang hành nghề và tập sự nhưng con số này vẫn còn quá ít so với yêu cầu đang đặt ra của thị trường dịch vụ pháp lý.

Tìm hiểu những vấn đề tồn tại xung quanh câu chuyện hành nghề Luật sư hiện nay, Nguoiduatin.vn xin đăng tải bài viết của tác giả Ngọc Trìu đăng trên báo Pháp luật & Thời đại về cuộc trao đổi với Tiến sĩ Phan Chí Hiếu (Giám đốc Học viện Tư pháp, Bộ Tư pháp).

Thưa Tiến sĩ, ông có thể chia sẻ đôi điều về việc đào tạo nghề Luật sư hiện nay tại Học viện Tư pháp?

Luật sư là một nghề được trọng vọng trong xã hội, vì vậy mà nhiều người vẫn gọi họ là những thầy cãi, tôn họ lên hàng bậc thầy để thấy nghề này vốn là một nghề cao quý.

Học viện Tư pháp trong 10 năm qua đã đào tạo khoảng 17 ngàn học viên thông qua các khóa đào tạo nghiệp vụ luật sư. Tuy nhiên, một thực tế là nhiều người đã được cấp chứng chỉ hành nghề những vẫn chưa theo nghề luật sư.

Theo số liệu thống kê của Vụ Bổ trợ tư pháp, hiện cả nước có khoảng 6,7 ngàn luật sư đang hành nghề và gần 3 ngàn luật sư đang tập sự. Như vậy, nếu tính cả con số 3000 luật sư đang tập sự này thành luật sư chính thức thì đến 2020, để đạt được chỉ tiêu phát triển đội ngũ luật sư về số lượng như đã xác định trong kế hoạch số 900/UBTVQH 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020, chúng ta phải phát triển thêm khoảng 9 – 11 ngàn luật sư nữa.

Quá trình đào tạo một Luật sư tại Việt Nam hiện nay ra sao thưa ông?

Trước hết, một người muốn trở thành Luật sư nhất thiết phải tốt nghiệp và có bằng Cử nhân Luật được đào tạo bốn năm chính quy. Sau đó, họ phải tham gia khóa đào tạo Luật sư tại Học viện Tư pháp trong thời gian sáu tháng.

Tốt nghiệp khóa học này, học viên sẽ được cấp một chứng chỉ để đăng ký vào một đoàn luật sư thực tập (học việc) khoảng 18 tháng nữa. Như vậy, riêng việc đào tạo nghề đã mất thêm hai năm. Chúng ta mất khoảng sáu năm mới có thể đào tạo được một luật sư ra ngoài xã hội hành nghề.

Thực tế đào tạo nhiều, hành nghề ít sẽ dẫn tới những bất cập gì?

Thị trường dịch vụ pháp lý của chúng ta đang phát triển mạnh, người dân bắt đầu ý thức được việc sử dụng các dịch vụ pháp lý bằng việc tìm đến luật sư, không chỉ để tư vấn luật mà còn nhiều công việc liên quan đến pháp luật mà họ đang vướng mắc. Rõ ràng, tỷ lệ luật sư trên số dân hiện nay còn quá thấp.

Tuy nhiên, có một thực trạng là có nơi luật sư làm không hết việc, có nơi lại “cả ngày không ai mời”? 

Đúng là có thực trạng này. Ở TP. Hồ Chí Minh có phố Luật sư do địa phương này phát triển nghề Luật sư và các tổ chức hành nghề rất lớn. Nhiều Luật sư sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề cũng tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn và khu đông dân cư nên cũng dẫn đến tình trạng nơi thì quá đông, nơi thì quá ít.

Cũng phải nhìn nhận khách quan rằng, chỗ nào mà chất lượng dịch vụ Luật sư ở đó cao và tốt thì người dân tin tưởng và văn phòng Luật sư đó làm không hết việc, nhưng cũng có nơi thì không đủ kinh phí để duy trì. Chính tâm lý của người dân đã dẫn tới vấn đề này.

Tôi xin nhấn mạnh rằng, người dân khi nói tới pháp luật, hãy nghĩ tới Luật sư. Thế nhưng, ở nhiều địa phương, người dân không tin tưởng vào đội ngũ Luật sư tỉnh nhà mà sẵn sàng nhờ luật sư nơi khác về giúp đỡ trong khi những vướng mắc này rất đơn giản hoặc hoàn toàn có thể giải quyết được bởi chính Luật sư của địa phương đó.

Tại một số quốc gia, mô hình “Luật sư gia đình” tỏ ra rất hiệu quả, vậy tại Việt Nam trong thời gian tới có thể thực hiện được mô hình này không thưa ông?

Việt Nam ta đánh giá một gia đình sang, giàu có là một gia đình có nhà riêng, ô tô riêng. Thế nhưng, tại nước ngoài, ở đây không chỉ có các quốc gia phương Tây phát triển mà ngay cả nhiều quốc gia Đông Nam Á, một gia đình sang trọng hay giàu có được đánh giá qua tiêu chí họ có bác sĩ riêng và Luật sư riêng.

Với một dịch vụ rất có tiềm năng như Luật sư, tôi tin rằng nghề Luật sư sẽ phát triển mạnh trong tương lai. Ở một gia đình có luật sư riêng, tất cả những vấn đề liên quan đến góc độ pháp lý và những vướng mắc của chính gia đình đó đều được Luật sư của chính gia đình mình thực hiện để đảm bảo tính hiệu quả.

Việt Nam ta phần đông dân số còn đang đủ sống chứ chưa có thu nhập cao như nhiều nước nên song song với mô hình Luật sư gia đình, chúng ta vẫn cần chú trọng phát triển đội ngũ Luật sư đáp ứng nhu cầu của người dân.

Luật Luật sư ra đời năm 2006 và sau 5 năm thực hiện, chính các Luật sư vẫn phải thốt lên rằng vẫn còn có nhiều vướng mắc. Ông giải thích về điều này ra sao?

Có một thực tế là nhiều người chưa hiểu hết rằng, Luật sư cũng là một chức danh tư pháp. Quá trình tham gia của Luật sư vào một vụ việc cụ thể từ sớm có thể giúp vụ án sáng tỏ hơn nhiều điều, thậm chí còn có thể giải quyết xong sớm hơn dự định. Thế nhưng, có một số ít điều tra viên, thẩm phán và kiểm sát viên nghĩ họ chỉ làm rối vụ án. Tâm lý này cần phải được thay đổi.

Trong Luật tố tụng hình sự/dân sự có những quy định rất rõ việc Luật sư tham gia bào chữa vụ án được phép tiếp cận hồ sơ nhưng có nhiều trường hợp lại không tạo điều kiện, gây khó dễ cho họ trong khi hành nghề.

Đây chính là một trong những vướng mắc đang tồn tại cần phải thay đổi trong thời gian tới. Nói đi cũng phải nói lại, chính một số Luật sư khi hành nghề cũng đã vi phạm nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp, ra sức bảo vệ thân chủ của mình tới cùng bất chấp đúng sai. Thế nên chúng ta phải nhìn nhận và đánh giá khách quan, công bằng để xây dựng loại hình dịch vụ này ngày càng hoàn thiện và phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng phục vụ nhu cầu của xã hội nước ta.

Ông có thể chia sẻ đôi điều về đề án mà Học viện Tư pháp vừa trình Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nguồn cán bộ kiểm sát viên, thẩm phán và luật sư cùng một chương trình?

Học viện Tư pháp vừa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đào tạo chung nguồn cán bộ bổ nhiệm cả ba chức danh trên. Nếu được phê duyệt chúng tôi sẽ triển khai ngay trong năm 2012.
Theo đó, chúng tôi sẽ tổ chức thi tuyển rộng rãi trên toàn quốc đối với người có bằng cử nhân Luật để tuyển chọn ra 100 người xuất sắc nhất đào tạo chương trình này. Khi vào học, tất cả học viên sẽ được bao cấp toàn bộ.

Học viện sẽ dành nhiều ưu đãi nhất, sử dụng nguồn kinh phí để hỗ trợ thêm các học viên. Sau khi tốt nghiệp khóa học này, học viên được cấp chứng chỉ riêng. Tòa án và Viện kiểm sát có thể tuyển dụng nguồn cán bộ này, số còn lại có thể hành nghề Luật sư. Mục đích cuối cùng mà đề án này hướng đến là quá trình tranh luận tại Tòa sẽ tốt hơn và nguồn bổ nhiệm cán bộ cho 3 chức danh trên lúc nào cũng sẽ đảm bảo về chất lượng và dồi dào về số lượng.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

BTV

Công ty Luật Hưng Nguyên