Vào ngày 1.1.2011 sắp tới, khi Nghị định số 51/2010/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ chính thức có hiệu lực pháp luật, các doanh nghiệp sẽ được tự tạo hóa đơn để sử dụng dưới hình thức hóa đơn tự in, hóa đơn đặt in và hóa đơn điện tử. Cơ chế này được coi là điểm mới trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp tự chủ trong việc tự tạo hóa đơn bán hàng, song cũng khiến không ít doanh nghiệp lo lắng.
Trao quyền tự chủ cho DN
“Tạo hóa đơn” là một khái niệm mới, bởi trước đây, theo quy định tại Nghị định 89/2002/NĐ-CP thì hóa đơn sẽ do Bộ Tài chính (Tổng cục thuế) đặt in tại các nhà in, bán cho doanh nghiệp sử dụng; hoặc Bộ Tài chính có văn bản chấp thuận để doanh nghiệp tự in hóa đơn. Theo Nghị định 51, đã có sự thay đổi căn bản về phương thức quản lý sử dụng hóa đơn bán hàng, giao cho doanh nghiệp chủ động tạo hóa đơn bằng cách tự in hóa đơn hoặc khởi tạo hóa đơn điện tử. Ngay sau khi được cấp mã số thuế, doanh nghiệp có thể xúc tiến in hóa đơn theo mẫu để sử dụng. Đối với các doanh nghiệp nhỏ, chưa có điều kiện đặt in hóa đơn, sẽ được mua hóa đơn do cơ quan thuế phát hành.
Hiện nay, trên thế giới còn rất ít quốc gia sử dụng hóa đơn do Bộ Tài chính phát hành mà từ lâu đã trao quyền tự in cho doanh nghiệp. Vì vậy, Nghị định 51/2010/NĐ-CP đề cao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc in và tạo lập hóa đơn bán hàng là phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm trật tự kỷ cương trong việc sử dụng hóa đơn mỗi khi mua bán hàng hóa và dịch vụ; đồng thời, về lâu dài, sẽ giúp cho doanh nghiệp chủ động hơn và dành nhiều thời gian cho việc sản xuất kinh doanh. Cụ thể, Nghị định không hạn chế số lượng đặt in hóa đơn, nên doanh nghiệp hoàn toàn được chủ động tính toán số lượng hợp lý tùy theo nhu cầu bán hàng hóa, dịch vụ, bảo đảm chi phí quản lý thấp nhất; người kinh doanh được quyền chọn các doanh nghiệp in hợp pháp để đặt in hóa đơn mà không phải xin phép và mất thời gian xếp hàng đợi cơ quan thuế phê duyệt, và làm thủ tục khác như đóng mã số thuế lên tờ liên hai của hóa đơn… Quy định này đã chấm dứt tình trạng xin – cho trong quy trình cấp và bán hóa đơn cho doanh nghiệp.
Điều đáng nói nữa là Nghị định 51/2010/NĐ-CP không quy định mẫu hóa đơn mang tính bắt buộc phải áp dụng chung như trước đây, mà giao cho doanh nghiệp căn cứ theo điều kiện cụ thể được thiết kế mẫu hóa đơn. Do đó, ngoài những nội dung bắt buộc theo quy định của cơ quan quản lý thuế, doanh nghiệp có thể thiết kế thêm các thông tin khác như: logo, hoa văn trang trí, ký hiệu nhận dạng… lên trên mặt tờ hóa đơn để quảng bá cho mình; mẫu hóa đơn do doanh nghiệp tự thiết kế sẽ được hợp lý hóa về nội dung, kích cỡ và màu sắc, thể hiện văn hóa kinh doanh, qua đó khẳng định thương hiệu của doanh nghiệp mình. Đến khi phát hành, doanh nghiệp cũng không phải đến trực tiếp đăng ký với cơ quan thuế, chỉ cần thông báo phát hành và gửi mẫu hóa đơn tới cơ quan thuế 10 ngày trước khi phát hành…
Doanh nghiệp còn lo ngại
Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ra đời là một bước tiến mới trong công cuộc cải cách thủ tục hành chính, trên cơ sở nâng cao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vì thời gian có hiệu lực của Nghị định đã cận kề, cộng với lần đầu áp dụng nên nhiều doanh nghiệp khó tránh khỏi lúng túng. Nỗi lo của các doanh nghiệp là làm sao để thiết kế được mẫu hóa đơn đúng theo tiêu chí đặt ra của ngành thuế, tránh trường hợp đã in lại phải hủy vì sai một vài chi tiết, gây lãng phí. Bên cạnh đó, việc chuyển từ sự quản lý rất chặt chẽ của cơ quan thuế sang việc các doanh nghiệp tự quyết định trong việc tạo lập, quản lý và sử dụng hóa đơn, trong điều kiện sự minh bạch trong quản lý kinh tế, xã hội chưa rõ ràng như hiện nay – hiện tượng lợi dụng, tiêu cực có thể xảy ra. Và như vậy, với quy định trên, doanh nghiệp có thực sự được tự chủ hay lại thêm gánh nặng?
Khi doanh nghiệp tự phát hành hóa đơn, nghĩa là doanh nghiệp phải nộp thuế trên số hóa đơn đó và phải chịu trách nhiệm về hóa đơn đã in. Điều lo ngại nhất đối với nhiều doanh nghiệp là tình trạng làm giả hóa đơn. Việc đặt doanh nghiệp khác in hóa đơn là sự mạo hiểm, bởi lẽ khi đặt in hóa đơn, không ai có thể kiểm soát được số lượng hóa đơn bị in thêm. Trên thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp tính đến việc mua máy móc, thiết bị để tự in hóa đơn, song chi phí quá lớn, nhất là với những doanh nghiệp chỉ phải xuất ít hóa đơn. Vì đầu tư như vậy lãi không bù lỗ. Bên cạnh đó, mức chế tài xử phạt đối với doanh nghiệp cố tình làm giả hóa đơn của các doanh nghiệp đặt in hóa đơn để vụ lợi còn rất nhẹ, không đủ sức răn đe. Cụ thể, Nghị định 51 quy định hành vi sử dụng hóa đơn giả, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng, hoặc sử dụng hóa đơn của tổ chức, cá nhân khác… chỉ bị phạt tiền từ 12 triệu đồng đến 60 triệu đồng; hành vi lập hóa đơn khống cũng chỉ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng… mức độ thiệt hại cho doanh nghiệp đặt in hóa đơn có thể cao hơn rất nhiều. Trước thực tế này, đã có nhiều ý kiến cho rằng, Tổng cục Thuế nên xem xét việc cấp phép cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực in hóa đơn; kể cả những hóa đơn được giao dịch qua điện tử cũng phải có hệ thống quản lý chặt chẽ, rõ ràng để tránh trường hợp làm giả hóa đơn, lợi dụng để gian lận thương mại, gây thiệt hại cho doanh nghiệp đặt in hóa đơn.
Một điểm đáng lưu ý, đó là quy định về những nội dung bắt buộc cần thể hiện trên hóa đơn khi tự in hoặc đi đặt in. Cụ thể, khoản 3 Điều 4 Nghị định 51 có nêu ra 9 nội dung bắt buộc phải có trong một tờ hóa đơn, trong đó có tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán; tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua. Có ý kiến cho rằng, nếu đây là quy định bắt buộc khi phát hành thì hợp lý, nhưng nếu bắt buộc không đặt in thì không hợp lý. Vì khi đặt in, chưa thể có các thông tin cụ thể của người mua, tên hàng hóa, dịch vụ, giá cả… Như vậy, các doanh nghiệp sẽ không thể đặt in hóa đơn được, vì không thể cung cấp được những thông tin chưa có.
Nghị định 51/2010/NĐ-CP còn quy định bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải xuất hóa đơn theo ngày cùng với bảng kê khai chi tiết bán hàng. Điều này sẽ rất khó khả thi, vì làm khó cho những doanh nghiệp có nhiều chi nhánh. Để tuân thủ quy định xuất hóa đơn theo ngày, doanh nghiệp sẽ phải tốn thêm nhiều nhân lực. Vì, việc xuất hóa đơn phải có con dấu, chữ ký, mỗi lần giao dịch là một lần phải ký, cấp hóa đơn, đương nhiên các chi nhánh sẽ phải cử người chuyên làm công việc chạy đi chạy lại để lấy chữ ký và đóng dấu rất mất thời gian, không khoa học và còn ảnh hưởng tới lợi nhuận của doanh nghiệp do phải tốn thêm nhân lực mà không thu được kết quả.
Thời điểm quy định buộc doanh nghiệp tự chủ về hóa đơn có hiệu lực không còn dài, cơ quan thuế chỉ bán hóa đơn cho doanh nghiệp đến hết ngày 31.12. Do đó, hàng ngàn doanh nghiệp trên cả nước phải lao đến các nhà in để đặt in hóa đơn, khiến cho nhiều doanh nghiệp in lớn đã trong tình trạng quá tải, doanh nghiệp có nhu cầu đặt in hóa đơn càng lúng túng vì phải chờ đợi. Đó là chưa kể chi phí đặt in hóa đơn cũng cao hơn nhiều so với mua hóa đơn của cơ quan thuế. Tại các cơ sở nhận in hóa đơn có đủ điều kiện theo quy định tại điều 22 Nghị định, thì một quyển hóa đơn 50 tờ x 3 liên có giá thành là 200.000 đồng, đắt gấp 4 lần so với giá mua hóa đơn cũ của Bộ Tài chính; một lần đặt in tối thiểu phải là 10 quyển, tức phải bỏ ra 2 triệu đồng cho một lần in… Điều này càng trở lên bất lợi hơn đối với các doanh nghiệp nhỏ, quy mô kinh doanh không lớn…
Để bảo đảm cho các doanh nghiệp thực sự chủ động tự tạo hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ, tránh được các tiêu cực phát sinh thì vấn đề đặt ra là: chính doanh nghiệp cần có biện pháp quản lý chặt chẽ nguồn hóa đơn do mình tạo ra; đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục quan tâm nghiên cứu, xem xét những kiến nghị của doanh nghiệp, bổ sung các quy định cụ thể, chi tiết trên hóa đơn như thế nào, không để xảy ra tình trạng gian lận, giả mạo hóa đơn làm ảnh hưởng đến uy tín và lợi nhuận của doanh nghiệp.
ĐỨC HẠNH