Sở Tư pháp Hà Nội triển khai kế hoạch phát triển nghề luật sư

86

Hội nghị có sự tham gia của đại diện 100 tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn TP.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Trương Thị Nga cho biết, theo Đề án của Thủ tướng Chính phủ, cả nước cần đào tạo 100 luật sư “đẳng cấp quốc tế” thì Hà Nội phải đáp ứng một nửa. Theo Kế hoạch của UBND TP, Hà Nội phấn đấu từ nay đến năm 2020 có 50 luật sư và 15 tổ chức hành nghề luật sư được đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại, đầu tư có yếu tố nước ngoài, có khả năng cạnh tranh với các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài. Kế hoạch của TP cũng nêu rõ từ nay đến tháng 6-2012, Sở Tư pháp sẽ hoàn thành việc khảo sát, điều tra toàn bộ đội ngũ luật sư trên địa bàn TP để thống kê, đánh giá số lượng, chất lượng và nhu cầu đào tạo. Trên cơ sở điều tra này, Sở Tư pháp sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan mở một số khóa đào tạo nghề luật sư.

Riêng về nâng cao năng lực ngoại ngữ, tin học cho luật sư, từ nay đến năm 2015, TP có kế hoạch phối hợp với các trung tâm ngoại ngữ mở các lớp tiếng Anh chuyên ngành dành cho luật sư thuộc Đoàn luật sư Hà Nội. TP cũng sẽ có chính sách thu hút các luật sư được cử đi đào tạo theo Đề án của Chính  phủ, những luật sư giỏi, có kinh nghiệm về hoạt động tại các tổ chức hành nghề luật sư của Hà Nội. Đồng thời, tạo điều kiện để các tổ chức hành nghề luật sư tham gia tư vấn các dự án đầu tư, kinh doanh thương mại trong nước và có yếu tố nước ngoài, tham gia tranh tụng, tư vấn giải quyết tranh chấp trong các lĩnh vực liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế trên địa bàn TP cho các tổ chức, cá nhân và UBND TP.

Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội Nguyễn Trọng Tỵ cho biết, hiện Hà Nội có 1755 luật sư, gần 700 tổ chức hành nghề. Đoàn luật sư Hà Nội hiện đã có chương trình thành lập Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cho luật sư Hà Nội, trong đó đặc biệt chú trọng ngoại ngữ. “Giới luật sư trẻ còn thiếu kinh nghiệm, chưa đủ khả năng kinh tế để đi học nâng cao ở nước ngoài, muốn nhưng không được. Đây là hạn chế của luật sư trẻ, nếu Nhà nước, các tổ chức xã hội không giúp được những luật sư trẻ này thì thật đáng tiếc và cũng là thiếu sót” – luật sư Tỵ cho biết.

Đồng tình, hai Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội Nguyễn Văn Chiến và Nguyễn Huy Thiệp cùng phân tích, “luật sư hội nhập” không đơn thuần chỉ giỏi tư vấn, mà cần cả kỹ năng tranh tụng với những tranh chấp quốc tế. Đề án của Chính phủ chia làm 3 đối tượng để cấp kinh phí. Nhưng các cán bộ Nhà nước đưa đi đào tạo lại chưa phải là luật sư, vậy có đúng đối tượng không mà lại được Nhà nước cấp 100% kinh phí? Đề án đào tạo luật sư này vẫn đang lúng túng về chính sách, những luật sư đáp ứng tiêu chuẩn ngoại ngữ đang làm ở các văn phòng, cty luật nước ngoài thì khó tụ tập được họ, những luật sư trẻ muốn đi học thì không có tiền. Cần có cơ chế phù hợp thì đề án này mới khả thi, ông Thiệp nhấn mạnh.

Công ty Luật Hưng Nguyên