Bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can

91

Sau khi cấp giấy chứng nhận người bào chữa, ĐTV phải giao các quyết định tố tụng liên quan đến người được bào chữa cho người bào chữa và thông báo cách thức liên lạc của CQĐT, ĐTV với họ khi cần thông báo về thời gian, địa điểm lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can.

Ngày 10/10/2011, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký ban hành Thông tư số 70/2011/TT-BCA quy định chi tiết thi hành các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự liên quan đến việc bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/12/2011. PV Báo CAND đã có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng, GS,TS. Nguyễn Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công an về Thông tư này.

PV: Thưa Thiếu tướng, đến nay đã qua 8 năm thực hiện Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, việc bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự đã được thực hiện như thế nào?

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Anh: Để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự, góp phần chống oan, sai trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, ngoài việc quy định người bị tạm giữ, bị can có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 đã mở rộng phạm vi tham gia và tăng cường hơn nữa quyền hạn, trách nhiệm của người bào chữa trong tố tụng hình sự.

Thực tiễn 8 năm thi hành các quy định nêu trên của Bộ luật Tố tụng hình sự cho thấy, cơ quan điều tra, điều tra viên và người bào chữa đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật tố tụng hình sự liên quan đến việc bào chữa ở giai đoạn điều tra vụ án hình sự.

Trong quá trình tiến hành các hoạt động tố tụng hình sự, các cơ quan điều tra đã chủ động trong việc tạo điều kiện thuận lợi để người bào chữa thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật, như: cấp giấy chứng nhận bào chữa; tạo điều kiện thuận lợi cho người bào chữa tham dự các buổi làm việc của điều tra viên với người bị tạm giữ, bị can và tham dự các hoạt động điều tra khác, cũng như bảo đảm để người bào chữa được gặp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam…

PV: Vậy thưa Thiếu tướng, Thông tư 70 vừa được Bộ trưởng Bộ Công an ban hành có ý nghĩa như thế nào?

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Anh: Như đã trao đổi, bên cạnh những thuận lợi và kết quả nêu trên, hoạt động tham gia tố tụng của người bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự nảy sinh một số hạn chế, bất cập như việc xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa trong nhiều trường hợp còn chưa bảo đảm thời gian quy định; quy trình, thủ tục hành chính khi đề nghị xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa chưa cụ thể, rõ ràng; quy định các loại văn bản, tài liệu cần có trong hồ sơ đề nghị của người bào chữa để cơ quan điều tra xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa chưa cụ thể nên nhận thức và vận dụng trong thực tiễn chưa thống nhất.

Theo quy định hiện hành người bào chữa có các quyền và nghĩa vụ, như: quyền có mặt khi lấy lời khai của người bị tạm giữ, hỏi cung bị can, gặp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam, quyền sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án… Tương tự là nghĩa vụ của người bào chữa trong việc tôn trọng sự thật và pháp luật, không được mua chuộc, cưỡng ép hoặc xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật, không được tiết lộ bí mật điều tra mà mình biết được khi thực hiện việc bào chữa… Tuy vậy, do chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết và chưa có cơ chế hữu hiệu và điều kiện bảo đảm thực hiện có hiệu quả các quy định này nên thực tiễn còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng, ảnh hưởng đến công tác điều tra cũng như hoạt động tham gia tố tụng của người bào chữa.

Việc ban hành Thông tư số 70/2011/TT-BCA ngày 10/10/2011 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết thi hành các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự liên quan đến việc bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự có ý nghĩa quan trọng, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ trong việc bảo đảm quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, quyền của người bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự do cơ quan điều tra trong Công an nhân dân thụ lý.

Quá trình xây dựng dự thảo Thông tư, Bộ Công an đã lấy ý kiến của Công an các đơn vị, địa phương và xin ý kiến của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và đã nhận được nhiều đóng góp có giá trị thực tiễn. Vì vậy, nội dung của Thông tư bao gồm những quy định tương đối toàn diện, cụ thể, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Thiếu tướng, GS,TS. Nguyễn Ngọc Anh.

PV: Đề nghị Thiếu tướng cho biết một số nội dung chính của Thông tư 70/2011/TT-BCA.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Anh: Thông tư 70/2011/TT-BCA gồm 14 điều, quy định chi tiết thi hành các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự liên quan đến việc bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự. Những quy định này rất cụ thể nhằm bảo đảm tính nhất quán trong việc thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003.

Tôi ví dụ, ở điều 4 quy định việc giải thích quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa và thực hiện thủ tục nhờ người bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, nêu rõ: Khi giao Quyết định tạm giữ cho người bị tạm giữ, Quyết định khởi tố bị can cho bị can, điều tra viên phải đọc và giải thích cho họ biết rõ về quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, bị can theo quy định tại Điều 48, Điều 49 Bộ luật Tố tụng hình sự và lập biên bản giao nhận Quyết định. Trong biên bản phải ghi rõ ý kiến của người bị tạm giữ, bị can về việc có nhờ người bào chữa hay không…

Cũng tại Điều 4 này, trong trường hợp người bị tạm giữ, bị can chưa nhờ người bào chữa thì trong lần đầu lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can, điều tra viên phải hỏi rõ người bị tạm giữ, bị can có nhờ người bào chữa không và phải ghi ý kiến của họ vào biên bản. Nếu người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam nhờ người bào chữa thì thực hiện theo các quy định tại khoản 1 điều này.

Trong trường hợp bị can phạm tội mà khung hình phạt đối với tội đó có mức cao nhất là tử hình được quy định tại Bộ luật Hình sự; bị can là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất, nếu sau khi giải thích và thông báo cho bị can, người đại diện hợp pháp của họ về quyền được nhờ người bào chữa mà họ từ chối thì cơ quan điều tra phải làm văn bản yêu cầu Đoàn luật sư thuộc địa bàn cơ quan điều tra đang thụ lý vụ án cử người bào chữa cho họ, hoặc đề nghị ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử người bào chữa cho thành viên tổ chức mình; trường hợp Đoàn luật sư, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận đã cử người bào chữa nhưng bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ đề nghị thay đổi hoặc từ chối người bào chữa thì Điều tra viên phải lập biên bản ghi rõ ý kiến của họ.

Trường hợp người bị tạm giữ, bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ đề nghị thay đổi người bào chữa thì cơ quan điều tra phải có văn bản yêu cầu Đoàn luật sư cử người khác bào chữa cho họ hoặc đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử người khác bào chữa cho thành viên tổ chức mình…

PV: Thưa Thiếu tướng, trong thực tế, việc thực hiện quy định người bào chữa có mặt khi hỏi cung bị can, lấy lời khai người bị tạm giữ, còn có những bất cập. Vậy tại Thông tư 70, vấn đề này được giải quyết ra sao?

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Anh:
Điều 7 Thông tư 70 quy định về người bào chữa có mặt khi hỏi cung bị can, lấy lời khai người bị tạm giữ đã quy định rất cụ thể việc này, theo trình tự như sau:

Sau khi cấp giấy chứng nhận người bào chữa, điều tra viên phải giao các quyết định tố tụng liên quan đến người được bào chữa cho người bào chữa và thông báo cách thức liên lạc của cơ quan điều tra, điều tra viên với họ khi cần thông báo về thời gian, địa điểm lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can.

Điều tra viên phải thông báo về thời gian, địa điểm lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can cho người bào chữa trước 24 (hai mươi bốn) giờ, trường hợp người bào chữa ở xa có thể thông báo trước 48 (bốn mươi tám) giờ; trường hợp không thể trì hoãn được việc lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can thì điều tra viên tiến hành lấy lời khai, hỏi cung và sau đó phải thông báo cho người bào chữa biết.

Điều tra viên phải tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật trước khi người bào chữa có mặt khi lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can (bảo đảm người bào chữa không được sử dụng điện thoại, các thiết bị ghi âm, ghi hình…); giải thích quyền và nghĩa vụ của người bào chữa khi có mặt để Điều tra viên lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can.

Khi lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can, Điều tra viên và người bào chữa phải thực hiện theo quy định của điểm a khoản 2 Điều 58 Bộ luật Tố tụng hình sự, nội quy nhà tạm giữ, trại tạm giam và các quy định pháp luật có liên quan khác. Nếu phát hiện người bào chữa vi phạm pháp luật thì phải dừng ngay việc lấy lời khai, hỏi cung và lập biên bản về việc này, báo cáo Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra xử lý…

PV: Việc xây dựng và ban hành được Thông tư 70, chắc chắn rất công phu, tốn nhiều thời gian, công sức. Còn việc tổ chức thực hiện, theo Thiếu tướng, cần làm gì để đạt hiệu quả cao?

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Anh: Chúng ta vẫn thường nói, để pháp luật đi vào cuộc sống, trước hết cần được truyên truyền, phổ biến để mọi công dân hiểu rõ được quyền lợi và trách nhiệm của mình. Thông tư số 70/2011/TT – BCA có hiệu lực thi hành từ ngày 25/12/2011; để thực hiện tốt, trước hết cần quán triệt, tập huấn cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác điều tra hình sự, giam giữ ở Công an các đơn vị, địa phương.

Đồng thời tiến hành phổ biến, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các cơ quan chức năng của Bộ Công an như Tổng cục An ninh II, Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm và Công an các đơn vị, địa phương có sự phối chặt chẽ, kịp thời trao đổi, giải quyết những vướng mắc trong tổ chức, thực hiện Thông tư.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng.

Khi lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can nếu điều tra viên đồng ý cho người bào chữa được hỏi người bị tạm giữ, bị can thì phải ghi câu hỏi của người bào chữa, câu trả lời của người bị tạm giữ, bị can vào trong biên bản lấy lời khai người bị tạm giữ, biên bản hỏi cung bị can. Khi kết thúc việc lấy lời khai, hỏi cung, điều tra viên phải đọc lại hoặc đưa cho người bào chữa đọc lại biên bản lấy lời khai, biên bản hỏi cung, sau khi xác nhận đúng nội dung câu hỏi, trả lời thì yêu cầu người bào chữa ký vào biên bản. Trường hợp biên bản ghi chưa đầy đủ, chưa chính xác nội dung câu hỏi và trả lời, người bào chữa có quyền đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ghi ý kiến của mình trước khi ký vào biên bản. Khi người bào chữa đề nghị, Điều tra viên phải xác nhận thời gian làm việc thực tế của người bào chữa tham gia tố tụng trong quá trình điều tra vụ án.

(Trích điều 7 Thông tư 70/2011TT – BCA)

Duy Hiển – Anh Hiếu (thực hiện)