Cần có tòa án hiến pháp để bảo vệ môi trường đầu tư

127

Môi trường đầu tư giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và trong nước chưa công bằng do vẫn tồn tại nhiều văn bản pháp luật trái với nguyên tắc Hiến pháp. Nếu một văn bản ban hành trái với Hiến pháp thì ai sẽ là người bãi bỏ? Ở hầu hết các nước, quyền giải thích luật, hay tuyên bố một văn bản vi hiến là thuộc thẩm quyền của Tòa án Hiến pháp, hoặc Tòa án tối cao.

Nhiều văn bản trái với tinh thần đổi mới của Hiến pháp

Hiến pháp 1992 đề xuất thúc đẩy mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế trong đó có kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, được sản xuất kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm, cùng hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật… (điều 16). Nhà nước cho phép các tổ chức (kể cả tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài) được giao đất, được chuyển quyền sử dụng đất (điều 18), tài sản và quyền lợi chính đáng được Nhà nước bảo hộ (điều 22 và 81). Người Việt Nam ở nước ngoài được khuyến khích và tạo điều kiện để đầu tư về nước (điều 25).

Hầu hết các điều trên đã được cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, nhiều văn bản pháp luật ban hành trái với các nguyên tắc Hiến pháp vẫn tồn tại. Điển hình nhất là quy trình thành lập doanh nghiệp trong Luật Đầu tư, thể hiện rõ sự không bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước (chỉ cần giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (phải có giấy chứng nhận đầu tư và đa số chỉ được cấp sau khi đã thẩm định).

Sau đó là quy định về sử dụng đất. Trong khi các doanh nghiệp trong nước được giao đất, được chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì các doanh nghiêp có vốn đầu tư nước ngoài không có các quyền này. Việc phân biệt đối xử thể hiện rõ trong các quy định của Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. Ngay cả các doanh nghiệp trong nước bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài cũng bị coi là đơn vị kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, bị hạn chế tỷ lệ đầu tư ở mức thấp nhất (điều 4.3 Quyết định 88/2009/QĐ-TTg).

Sự phân biệt đối xử trong – ngoài nước còn hạn chế luôn cả vốn đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài. Trước khi có Luật Đầu tư, người Việt Nam ở nước ngoài được phép đầu tư ở Việt Nam như các thành phần kinh tế trong nước, nay họ bị hạn chế như các thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Mô hình nào cũng phải bảo đảm thể chế nhà nước pháp quyền

Có quan điểm cho rằng Hiến pháp chỉ nói rằng các thành phần bình đẳng “theo pháp luật” nên nếu pháp luật không quy định bình đẳng thì không có bình đẳng. Nói như vậy không khác nào cho pháp luật đứng trên Hiến pháp.

Quan điểm khác lại cho rằng Việt Nam mới gia hội nhập kinh tế thế giới nên kinh nghiệm còn thiếu. Do đó nếu để các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư tràn lan sẽ dẫn đến việc không quản lý được, kinh tế trong nước bị chèn ép, công nghiệp nội địa không phát triển, an ninh quốc gia bị ảnh hưởng. Tuy nhiên giải pháp để ngăn chặn các nguy cơ đó là phải có luật cạnh tranh và thực thi luật thật nghiêm túc, có bộ luật lao động để bảo vệ người lao động Việt Nam, có quy định về bảo vệ môi trường, có luật thuế thật cụ thể và chặt chẽ. Có nghĩa là, hãy chọn giải pháp nào không vi hiến, thay vì nghĩ ngay đến việc đối xử bất bình đẳng. Nhà đầu tư nước ngoài tin vào Hiến pháp, vì vậy đừng để lòng tin đó bị nghi ngờ hay thách thức.

Trong quá khứ đã có nhiều quốc gia theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ. Một số quốc gia không thành công như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia. Ở những quốc gia này, người dân phải sử dụng những sản phẩm chất lượng thấp, giá cao như xe hơi Tata 2007 dựa trên công nghệ xe Moris của Anh những năm 1950, hay xe Proton của Malaysia dựa trên công nghệ xe Mitsubishi của Nhật những năm 1970. Ở những quốc gia thành công trong chủ nghĩa bảo hộ như Nhật Bản, Hàn Quốc, việc bảo hộ phải đi kèm với việc chống độc quyền và nâng cao khả năng cạnh tranh. Mà thật ra ngày nay các quốc gia này cũng đã mở cửa, người nước ngoài được cạnh tranh bình đẳng với người trong nước. Trên hết, các quốc gia thành công dù theo đuổi mô hình nào cũng phải đảm bảo thể chế của nhà nước pháp quyền.

Bất cứ nơi đâu, nếu có nhà nước pháp quyền thì mọi cơ quan nhà nước, mọi công dân phải thượng tôn pháp luật, và trên hết là văn bản pháp luật có giá trị cao nhất là Hiến pháp. Các văn bản khác chỉ có thể giải thích và thi hành Hiến pháp chứ không thể trái với Hiến pháp.

Cần có tòa án hiến pháp

Câu hỏi đặt ra là nếu một văn bản ban hành trái với Hiến pháp thì ai sẽ là người bãi bỏ? Theo quy định của Hiến pháp 1992, Ủy ban thường vụ Quốc hội có thẩm quyền giải thích Hiến pháp và pháp luật. Nhưng cho đến nay, Ủy ban thường vụ Quốc hội không thực hiện được chức năng này bởi lẽ về nguyên tắc đó là cơ quan lập pháp chứ không phải là cơ quan giải thích luật.

Lập pháp là chức năng của Quốc hội và thông qua pháp lệnh cũng thuộc chức năng của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Một người không thể vừa đá bóng vừa thổi còi. Đó là chưa nói đại biểu Quốc hội chưa hẳn đã là luật gia hay có văn phòng luật sư trợ giúp về pháp lý. Vì thế, giao nhiệm vụ giải thích luật cho Ủy ban thường vụ Quốc hội là vừa không hợp lý, vừa quá sức họ.

Muốn giải thích được các điều luật một cách chính xác thì phải trăn trở với nó, vì vậy buộc phải đặt việc giải thích trong một vụ việc cụ thể, gắn với các sự kiện pháp lý cụ thể. Chỉ có tòa án với nguyên tắc nghĩa vụ phải xét xử của thẩm phán mới có điều kiện cũng như nghĩa vụ giải thích các điều luật gắn với một trường hợp cụ thể và các trường hợp tương tự, chứ không phải giải thích chung chung. Ở hầu hết các nước, quyền giải thích luật, hay tuyên bố một văn bản vi hiến là thuộc thẩm quyền của Tòa án Hiến pháp, hoặc Tòa án tối cao.

Hiện nay có quan điểm cho rằng, pháp luật của chúng ta chồng chéo, thiếu hụt, mâu thuẫn là do cơ chế. Có lẽ cơ chế đó thiếu một tòa án Hiến pháp, giống như một ngã tư đông nghẹt xe cộ mà thiếu đèn giao thông, thiếu cảnh sát giao thông. Việc đối xử bất bình đẳng với các thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cùng bắt nguồn từ việc một số cơ quan lập pháp có lòng yêu nước nhưng không coi trọng các nguyên tắc hiến định, ban hành các văn bản theo chỉ đạo, theo ý muốn chủ quan, không xuất phát từ các điều khoản của Hiến pháp.

Cuối cùng, mặc dù ai cũng biết rằng Hiến pháp có hiệu lực cao nhất nhưng không ai trích dẫn Hiến pháp trong các văn bản khiếu nại, hay áp dụng Hiến pháp trong các văn bản hành chính cho người dân. Do pháp luật thiếu người “thổi còi” nên ý chí của cơ quan áp dụng luật trở nên quan trọng hơn cơ quan làm luật. Điều này dẫn đến tình trạng khi áp dụng văn bản là Hiến pháp không quan trọng bằng luật, luật không quan trọng bằng nghị định, nghị định không quan trọng bằng thông tư, thông tư không quan trọng bằng chỉ thị, công văn…

Thực tế 20 năm qua cho thấy môi trường đầu tư của Việt Nam chỉ được cải thiện đôi chút và trên bảng xếp hạng vẫn bị tụt hạng do môi trường pháp lý thiếu tôn ti trật tự, chồng chéo hay mâu thuẫn. Nếu chúng ta tiếp tục đối xử không bình đẳng với nhà đầu tư nước ngoài, thì sẽ đến lúc các quốc gia xung quanh như Lào, Campuchia, Myanmar hay Philippines sẽ thu hút nhiều đầu tư hơn Việt Nam, và suy thoái kinh tế sẽ tiếp tục kéo dài.