GDP Việt Nam năm nay chỉ khoảng 5,1%

89

Đó là nhận định của Hiệp hội Kiểm toán công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) trong báo cáo kinh tế về Đông Nam Á vừa công bố. Đây cũng là con số dự báo của nhiều chuyên gia trong nước. Bản báo cáo của ICAEW cho rằng, lạm phát giảm đang tạo thuận lợi cho Việt Nam đẩy mạnh các chính sách kích cầu tiền tệ, mặc dù mối quan tâm hàng đầu vẫn là cam kết ổn định nền kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh đó, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam dù đang tạm thời giảm sút nhưng sẽ tăng trở lại khi Việt Nam thành một trung tâm sản xuất lớn cũng như tiêu dùng nội địa tăng lên. Và theo dự báo của ICAEW, tăng trưởng bình quân của Việt Nam trong năm nay chỉ đạt khoảng mức 5,1%, tăng lên 5,4% vào năm 2013 và 5,8% ở năm kế tiếp. Dự báo này cũng trùng với suy đoán của Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương. Theo ông Thành, bức tranh kinh tế Việt Nam hiện nay thực tế có thể còn xấu hơn rất nhiều so với những gì đang thấy. Nổi cộm là nợ xấu ngân hàng hiện rất cao nhưng lại không có con số đồng nhất, tình trạng sở hữu chéo cũng ngày càng phức tạp, tín dụng thì khó ra nền kinh tế… Với tình hình hiện nay, ông Thành dự báo tín dụng năm nay sẽ tăng không quá 8% và GDP chỉ khoảng 5,1-5,2%.

Trong khi đó, theo tính toán của Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, tăng trưởng GDP và tình hình lạm phát sẽ phụ thuộc nhiều vào tăng trưởng tín dụng của 6 tháng cuối năm. Theo ông, nếu 6 tháng cuối năm tăng tín dụng trung bình 1% mỗi tháng thì tăng trưởng GDP 2012 khoảng 5,1%-5,2% và lạm phát của 5 tháng sau khoảng 0,5% mỗi tháng do độ trễ chính sách.

Trường hợp tăng trưởng tín dụng nhích lên 1,5% một tháng thì tăng trưởng GDP khoảng 5,3-5,4% trong năm 2012 và lạm phát của 5 tháng sau tăng khoảng 0,5-1% mỗi tháng. Còn nếu Việt Nam cố gắng đưa tín dụng ra nền kinh tế với chỉ tiêu 12%, tức là khoảng 2% một tháng thì tăng trưởng chỉ lên 5,5-5,6% nhưng lạm phát của 5 tháng sau đó sẽ tăng từ 1-2% một tháng. Nguy cơ lạm phát cao trở lại như 2011 là hiện hữu.

Trao đổi với VnExpress, Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa tại Hong Kong và Thượng Hải – Tiến sĩ Alan Phan cho rằng, động thái tăng giá xăng dồn dập trong thời gian ngắn vừa qua sẽ không tác động nhiều đến chỉ số CPI nhưng lại ảnh hưởng lớn đến GDP.

Bởi lẽ, theo ông Alan Phan, thực ra giá xăng tăng có thể tác động nhiều nhất lên nhóm hàng giao thông vận tải, nhưng ảnh hưởng đối với CPI sẽ không đáng kể do giá tiêu dùng giảm trong hai tháng qua. CPI hiện nay cao hơn 5,35% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với dự báo trước đó. “Khả năng tái lạm phát là khó xảy ra”, ông nói.

Nhưng điều ông Alan Phan lo ngại là trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung hiện nay, sức cầu suy giảm, sản xuất đình trệ, chỉ số tăng trưởng GDP hiện khá thấp, khả năng năm nay chỉ đạt khoảng 5-5,1%. Nếu để giá xăng tăng liên tục có thể sẽ khiến chỉ số GDP năm nay xuống còn khoảng 4,8%. Bởi giá xăng dầu chính là nguyên liệu đầu vào tác động trực tiếp tới chi phí sản xuất của hầu hết các ngành, hàng.

Một khi đầu vào tăng sẽ dẫn đến sự điều chỉnh tăng chi phí và giá cả các yếu tố cấu thành hàng hóa – dịch vụ ‘sản phẩm đầu ra. Thế nhưng, hiện nay hàng tồn kho đang lớn, sức mua lại suy yếu. ‘Nếu giá thành tăng lên nhưng doanh nghiệp không thể nào tăng giá bán ra trong lúc này sẽ khiến họ thêm khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Khi đó, sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khác như nợ xấu ngân hàng gia tăng, lao động thất nghiệp và nền kinh tế sẽ tiếp tục đình trệ”, ông lưu ý.

Trước đó, mặc dù tăng trưởng kinh tế trong quý một chỉ đạt 4%, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn… nhưng trong kỳ họp Quốc hội tháng 5-6, Chính phủ vẫn kiên định giữ mục tiêu tăng GDP 6-6,5%. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội – Nguyễn Văn Giàu cũng đồng tình với việc chưa đặt vấn đề điều chỉnh các mục tiêu chủ yếu của Chính phủ. Tuy nhiên, ông Giàu cho rằng với việc GDP quý một chỉ tăng 4% thì việc tăng trưởng cả năm đạt 6-6,5% như quyết tâm của Quốc hội là rất khó khăn.

Ông Mark Billington, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của ICAEW cho rằng, với sự suy thoái của các thị trường quốc tế, sự yếu kém vốn có của các khối ngành công nghiệp, ảnh hưởng dây chuyền tới thương mại quốc tế là điều hết sức rõ ràng. Do đó, việc ảnh hưởng tới các nền kinh tế Đông Nam Á cũng khó tránh khỏi.

Lệ Chi