Không thực hiện trợ giúp pháp lý trong 6 tháng: Có bị tước thẻ cộng tác viên?

80

Đây là băn khoăn của không ít người khi tìm hiểu quy định của pháp luật về cộng tác viên (CTV) của Trung tâm trợ giúp pháp lý (TGPL). Quy định của pháp luật đã có, nhưng vẫn còn chỗ cần phải giải thích thêm. Và do vậy, khi áp dụng vào thực tiễn đã có nhiều cách hiểu khác nhau…

Tại điểm a, khoản 1, Điều 30 Nghị định 07/2007/NĐ-CP về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TGPL đã nêu “ Thẻ CTV bị thu hồi khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

CTV không thực hiện TGPL trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày được cấp thẻ CTV, trừ trường hợp có lý do chính đáng;”

Có thể khẳng định, việc đưa quy định như vậy là nhằm tạo sự ràng buộc trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ của CTV. Mong muốn của nhà làm Luật (theo suy nghĩ của cá nhân người viết bài) là thông qua hoạt động của CTV làm hạn chế những mâu thuẫn nhỏ, tranh chấp phát sinh tại cơ sở, đôi lúc nếu không kịp thời ngăn chặn thì “chuyện bé xé to”, dẫn đến tình trạng khiếu kiện vượt cấp, gây khó khăn cho cơ quan Tòa án và chính quyền các cấp. Và cũng thông qua đó, góp phần tích cực đưa các quy định của pháp luật vào cuộc sống ở cơ sở. Mặt khác, quy định như vậy cũng nhằm tránh tình trạng “đánh trống ghi danh” dẫn đến số lượng CTV tuy đông nhưng số vụ việc thực hiện TGPL thực tế lại ít, không tương xứng với đòi hỏi khách quan của công tác TGPL ở địa phương…

Nếu vậy thì hiểu sao cho đúng các quy định của Nghị định 07/2007/NĐ-CP? Đây là một vấn đề khó. Do các văn bản quy định về CTV (Quyết định số 05/2008/QĐ-BTP ngày 13/5/2008 và Thông tư số 07/2012/TT-BTP ngày 30/7/2012 về CTV TGPL của Trung tâm TGPL nhà nước) không giải thích, hướng dẫn thế nào là “kể từ ngày được cấp thẻ CTV” “lý do nào được xem là chính đáng” cho nên đã có không ít cách hiểu khác nhau, đa số hiểu như sau:

* Về “kể từ ngày được cấp thẻ CTV” được hiểu, kể từ thời điểm ký hợp đồng cộng tác với Trung tâm đến quá 6 tháng, CTV đó không thực hiện được một vụ việc TGPL nào thì vi phạm quy định này. Đương nhiên, CTV đó sẽ bị tước thẻ theo quy định.

Còn nếu ngay từ khi ký kết hợp đồng cộng tác với Trung tâm, CTV đó có thực hiện TGPL (dù chỉ 1 vụ việc tư vấn miệng đơn giản), sau đó CTV không thực hiện TGPL. Việc không thực hiện TGPL của CTV kéo dài năm này qua năm khác. Với suy nghĩ trên, CTV sẽ không rơi vào trường hợp bị tước thẻ CTV.

* Về quan điểm thế nào là “có lý do chính đáng”? Đa số CTV là cán bộ đương chức cho rằng lý do chính đáng là bận công tác chuyên môn, được cử đi học nghiệp vụ hoặc đi công tác xa dài ngày; địa bàn mà CTV đó sinh sống, công tác không có vụ việc xảy ra, người dân không có nhu cầu cần được TGPL. Có thể có vụ việc xảy ra, người dân có nhu cầu nhưng vụ việc đó không thuộc phạm vi đăng ký, ký hợp đồng với Trung tâm…

Qua trao đổi với nhiều người có thâm niên làm công tác TGPL về cách hiểu “thế nào là có lý do chính đáng?”, chúng tôi đã nhận được sự đồng thuận tương đối cao về cách hiểu này.

Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở nhiều địa phương được tổ chức thực hiện rất tốt. Chính quyền ở địa phương đã huy động được toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, các tổ chức trên địa bàn như Hội Phụ nữ, Cựu chiến binh, Nông dân hoặc các tổ chức tôn giáo tại địa phương đã làm rất tốt công tác tuyên truyền vận động; nhiều chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước được triển khai kịp thời tại cơ sở nên người dân hiểu, nhận thức pháp luật được nâng cao. Nhờ vậy, rất ít có tranh chấp phát sinh. Trường hợp nếu có mâu thuẫn xảy ra, các hòa giải viên của tổ hòa giải cũng kịp thời có mặt để giải tỏa tranh chấp, hàn gắn tình làng nghĩa xóm và kết hợp phổ biến các quy định của pháp luật cho các bên. Vì thế, ở những địa phương đó, việc các CTV của Trung tâm TGPL thường xuyên bị “thất nghiệp” cũng là điều dễ hiểu. Cũng chính vì thế, nếu áp quy định “Thẻ CTV bị thu hồi nếu CTV không thực hiện TGPL trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày được cấp thẻ CTV” thì quả thật là khó cho Trung tâm nơi ký hợp đồng cộng tác với CTV đó.

Có thể nói, khi văn bản pháp luật chưa có quy định cụ thể, rõ ràng; văn bản hướng dẫn, giải thích chưa đề cập đến thì sẽ tạo điều kiện cho mọi người có nhiều cách hiểu khác nhau. Vì thế, quan điểm của nhiều người cho rằng, khó áp dụng điểm a, khoản 1, Điều 30 của Nghị định 07/2007/NĐ-CP vào thực tiễn. Quan điểm của bạn về vấn đề này như thế nào? Tác giả rất mong nhận được nhiều ý kiến trao đổi, bình luận, góp ý của bạn đọc quan tâm đến vấn đề này.

Hải Dương

Luật sư tư vấn, Công ty luật hà nội, văn phòng luật sư