Pháp luật chưa đủ sức răn đe người ngoại tình

106

– Những vụ ngoại tình bị xử lý hình sự, phạt tù giam, tù án treo như người đàn ông ở ngoại thành Hà Nội vừa qua rất hiếm hoi; trong khi thực trạng quan hệ ngoài chồng vợ rất phổ biến. Theo ông, tại sao khó đưa ra tòa như vậy?

– Trước hết phải khẳng định những người có cuộc sống như vợ chồng với người khác dù đã kết hôn là rất phổ biến ở Việt Nam. Bản thân tôi chứng kiến rất nhiều đôi như vậy, chẳng hạn vợ ở quê, chồng lên Hà Nội làm, rồi cặp bồ với người ở nơi mới… Tuy nhiên, số lượng những trường hợp như vậy bị tòa xử lý rất hiếm. Tôi cho rằng để xảy ra điều này một phần là do ý thức người dân không muốn ồn ào, họ có lòng tự trọng cao, không nghĩ rằng tố cáo việc làm sai trái của chồng (hoặc vợ) là có thể bỏ tù được người ngoại tình. Đa số người dân không nghĩ hoặc không biết rằng có luật quy định về việc này.

– Theo luật pháp Việt Nam, người ngoại tình có thể bị xử lý theo những hình thức nào?

Tùy theo mức độ nặng nhẹ mà người ngoại tình sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự. Cụ thể, với mức xử phạt hành chính:

Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Đang có vợ (chồng) mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng;

b) Chưa có vợ (chồng) mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng (vợ) nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng.

Tòa án cũng sẽ buộc chấm dứt quan hệ hôn nhân trái pháp luật đối với người vi phạm.

Người ngoại tình chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi: hành vi của họ gây hậu quả nghiêm trọng (có thể làm làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát…) hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Khi đó, họ bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

Trường hợp tòa án đã có quyết định tiêu hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

– Theo ông, những quy định pháp luật đủ sức răn đe người ngoại tình hay không?

– Tôi cho rằng chưa một chút nào. Việc xử phạt hành chính như hiện nay là quá thấp. Ngoài ra, những trường hợp đã bị xử phạt hành chính rồi, nhưng sau đó tiếp tục tái phạm thì ít khi bị xử lý hình sự tiếp, do vậy không có tác dụng răn đe. Còn mức xử phạt hình sự như hiện nay tuy không phải là quá nhẹ, nhưng cái chính là chúng ta làm không nghiêm, khiến người dân nhờn luật, không sợ. Tổng số vụ ngoại tình bị xử lý trên cả nước mà tôi biết đến nay chưa đầy 10 trường hợp, và hầu như người dân còn không biết đến, thì làm sao họ sợ được!

Trường hợp này cũng giống như việc chúng ta có quy định xử phạt người đi bộ vi phạm luật giao thông, nhưng đến nay trên toàn quốc chỉ mới có 1 người bị xử lý! Con số ít ỏi này chẳng giúp đánh động gì người dân cả.

– Khi bị chồng (vợ) ngoại tình, người bạn đời (và có thể cả con) thường tổn thương sâu sắc, chủ yếu là những tổn thương không thể tính được như tâm lý nặng nề, trầm cảm, sa sút sức khỏe… Tại sao luật không căn cứ vào những điều này để xử phạt mà phải chờ đến khi có “hậu quả nghiêm trọng”?

– Thực tế quả như vậy. Cho đến nay, nghị quyết của Tòa án tối cao mới chỉ sử dụng phương pháp liệt kê để tính ra những hậu quả cụ thể, thấy được của việc ngoại tình, ví dụ vợ (chồng) vì thế mà phạm tội, con vì thế mà phạm tội, hay vợ (chồng) tự sát…, chứ chưa đưa ra các phương pháp khác để xác định các hậu quả không đếm được. Căn cứ vào những bằng chứng cụ thể này cơ quan điều tra sẽ khởi tố. Còn nếu không có các căn cứ cụ thể ấy, họ sẽ rất e dè.

– Xu hướng ngoại tình đang ngày một gia tăng, đứng ở góc độ nghề nghiệp của mình, ông lý giải nguyên nhân tại sao?

– Ngày nay, xã hội đã không còn quá khắt khe với hiện tượng ngoại tình. Thêm nữa, cuộc sống người dân vẫn còn vất vả, do vậy khi gặp chuyện “ăn chả ăn nem”, họ không thấy quá nặng nề nữa, không đủ sức mà soi xét người khác, và vì thế người ngoại tình cũng bớt e dè, ngày càng trở nên phổ biến.

Tôi cho rằng để dẹp nạn này, pháp luật cần có những quy định cụ thể hơn, cần đưa ra xử lý hình sự nhiều trường hợp hơn để tạo dư luật tốt, khiến những người đã và đang ngoại tình phải nhìn lại mình để điều chỉnh hành vi.

Thuận An