Khách hàng hỏi: Anh K điều khiển xe ô tô đang lưu thông trên đường quốc lộ. Quan sát phía trước an toàn và có đủ điều kiện vượt, anh K báo hiệu để xin vượt. Tuy nhiên xe ô tô phía trước không nhường đường. Nhận thấy rằng không có chướng ngại vật bên phải nên anh K đã đánh xe về phía bên phải làn đường và vượt lên. Hỏi trong tình huống này, anh K hay lái xe phía trước đã vi phạm quy định của Luật an toàn giao thông đường bộ?
Luật sư tư vấn Trả lời:
Trong trường hợp này, cả anh K và lái xe phía trước đều đã vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
* Đối với xe xin vượt:
Theo quy định tại Điều 14 Luật Giao thông đường bộ về nguyên tắc khi vượt xe, xe xin vượt phải vượt về bên trái làn đường, trừ các trường hợp sau:
– Khi xe phía trước có tín hiệu rẽ trái hoặc đang rẽ trái;
– Khi xe điện đang chạy giữa đường;
– Khi xe chuyên dùng đang làm việc trên đường mà không thể vượt bên trái được
Như vậy, việc anh K vượt bên phải khi không có các trường hợp ngoại lệ trên đã vi phạm quy định của Luật Giao thông đường bộ. Với vi phạm này, anh K sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng (quy định tại Điểm đ Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 34/2010/NĐ-CP) và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 30 ngày (quy định tại Điểm b Khoản 9 Điều 8 Nghị định số 34/2010/NĐ-CP).
* Đối với xe ô tô phía trước
Đối với lái xe phía trước, trong quá trình tham gia giao thông, khi xe phía sau có tín hiệu xin vượt trước nếu đủ điều kiện an toàn, người điều khiển phương tiện phía trước có nghĩa vụ phải giảm tốc độ, đi sát về bên phải của phần đường xe chạy cho đến khi xe sau đã vượt qua, không được gây trở ngại đối với xe xin vượt (Khoản 3 Điều 14 Luật giao thông đường bộ). Như vậy, với việc không nhường đường mặc dù không có chướng ngại vật gây cản trở việc vượt xe, lái xe phía trước cũng đã vi phạm quy định của Luật Giao thông đường bộ.
Hành vi không nhường đường cho xe xin vượt trước khi có đủ điều kiện an toàn của lái xe phía trước sẽ bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng (quy định tại Điểm đ Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ).
CÔNG TY LUẬT HƯNG NGUYÊN