Công ty luật Hà Nội
Tôi chạy xe từ hướng Châu Đốc – Long Xuyên theo lề đường bên phải của mình với vận tốc tối đa khoảng 35 – 40 km/h, trước khi đến đầu cầu kinh Ông Quýt thì tôi đã giảm tốc độ để qua cầu, khi đến đầu cầu thì thấy có 1 chiếc xe gắn máy (ông Hậu) chạy ngược chiều với vận tốc rất nhanh đâm qua giữa lề đường và 1 chiếc xe thứ 3 (ông Đạt) chạy phía sau bên lề phải với ông Hậu, khi ông Đạt chạy xe gần song song với xe của ông Hậu thì ngay lập tức xe của ông Hậu đâm qua lề đường bên tôi, cuối cùng tai nạn xảy ra (sự việc diễn ra rất nhanh, những vì trình bày là sự nhớ lại những gì đã thấy được), sau khi tai nan xảy ra 2 vợ chồng tôi đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang, hậu quả là tôi bị gãy xương hàm, còn ông Hậu chết sau khi cấp cứu tại bệnh viện. Tôi xin hỏi:
1. Việc ông Hậu gây tay nạn cho tôi có phải bồi thường hay không mặc dù ông Hậu đã chết?
2. Nếu cảnh sát điều tra chứng minh người điều khiễn xe thứ 3 (ông Đạt) có lỗi trong vụ việc thì ông Đạt phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại cho tôi và ông Hậu không?
3. Đến nay công an huyện Châu Thành chưa có mời đến lấy lời khai, tôi muốn biết trình tự thời gian trong vụ án trên phải mất bao lâu, bởi vì cảnh sát đã giữ xe tôi làm cho gia đình tôi bất tiện việc đi lại?
Gửi bởi: Lê Văn Gằng
Trả lời có tính chất tham khảo
Chào bác,
1. Trong tình huống trên theo như bác đã nêu thì người có lỗi gây ra vụ tai nạn chính là ông Hậu (đi ngược chiều với vận tốc nhanh và là nguyên nhân chính gây ra vụ tai nạn trên) do vậy, ông Hậu phải là người chịu trách nhiệm chính về vụ tai nạn nói trên. Tuy nhiên, Ông Hậu đã chết ngay trong vụ tai nạn cho nên dưới góc độ trách nhiệm hình sự sẽ không đặt ra bởi chủ thể thực hiện hành vi đã chết, nhưng dưới góc độ trách nhiệm dân sự mà cụ thể trong trường hợp này là trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự vẫn được đặt ra trong trường hợp ông Hậu có tài sản riêng. Người quản lý tài sản riêng hoặc các con của ông Hậu (nếu trước khi gây tai nạn ông Hậu đã chia tài sản riêng của mình cho các con, thì khi nhận di sản thừa kế trong phạm vi nhận sản thừa kế, những người con này phải bồi thường thiệt hại (hay nói chính xác là phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản) do người cha để lại) phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bác.
2. Nếu cơ quan công an điều tra chứng minh người điều khiển xe thứ 3 (ông Đạt) có lỗi trong vụ tai nạn (vi phạm các quy định về điều khiển giao thông đường bộ) gây ra cái chết cho ông Hậu và gây thương tích cho bác thì ông Đạt sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999 và chịu hình phạt tương ứng với hành vi phạm tội. Điều 202 có quy định như sau:
“1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;
b) Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
Bên cạnh đó, ông Đạt cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình ông Hậu và bác theo quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định tại chương XXI Bộ luật Dân sự năm 2005.
3. Việc trả lại xe máy cho gia đình bác còn phụ thuộc vào thời gian giải quyết vụ việc. Nếu ông Hậu là người có lỗi trong vụ tai nạn nêu trên, sau khi làm cơ quan công an làm các thủ tục cần thiết về việc xác định thiệt hại cả về người và tài sản, cũng như sau khi có kết luận chính thức về vụ việc thì xe của bác sẽ được trả lại. Trong trường hợp ông Đạt là người có lỗi, theo quy định của pháp luật với hành vi vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ sẽ bị truy cứu theo quy định của pháp luật như đã nói ở trên, Do đó, chiếc xe máy của bác sẽ được cơ quan tiến hành tố tụng giữ lại nhằm xác định thiệt hại tạo điều kiện cho việc chứng minh hành vi phạm tội của ông Hậu, và sẽ được trả lại sau khi truy cứu xong hành vi phạm tội của ông Hậu. Tuy nhiên, khoảng thời gian giải quyết vụ việc nêu trên rất khó xác định cụ thể, bởi lẽ khoảng thời gian này còn phụ thuộc vào loại tội mà ông Hậu thực hiện (ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng) và có liên quan đến khoảng thời gian của từng giai đoạn tố tụng. Tuy nhiên, có thể khẳng định chắc chắn rằng khi giải quyết xong vụ việc nêu trên cơ quan tiến hành tố tụng không những phải có trách nhiệm bảo quản xe máy của bác mà còn phải trả lại bác theo đúng quy định của pháp luật./.
Luật sư tư, vấn luật, luật sư giỏi, luật sư tại hà nội, công ty luật hà nội, luật giao thông