Vụ án Dương Chí Dũng tham ô tài sản tại Vinaline

84

Dương Chí Dũng sinh ngày 5 tháng 5 năm 1957 tại Hải Dương, nguyên là Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Ủy viên Thường vụ Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đại biểu Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam XI toàn quốc.

Trong phiên xử sơ thẩm ngày 16/12/2013 ông bị tuyên án tử hình về tội tham ô, 28 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Vụ xử này được báo chí quốc tế nhiều hãng thông tấn, báo chí lớn của nước ngoài đều đưa tin và nhận định bản án tử hình dành cho ông này là một nỗ lực của Việt Nam trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Cục Cảnh sát phòng chống tham nhũng đã phát hiện những sai phạm trong việc thực hiện lắp đặt ụ nổi thuộc dự án nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía nam. Tháng 2/2012, Cơ quan cảnh sát điều tra quyết định khởi tố bắt tạm giam 4 bị can có liên quan đến hành vi tham ô tài sản. Trong số này có Trần Hải Sơn – Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines.

Theo đó, các bị can này đã có dấu hiệu nâng giá vật tư, quyết toán khống trong việc sửa chữa ụ nổi để chiếm đoạt số tiền trên 2,5 tỷ đồng. Trong quá trình điều tra, Cục Cảnh sát phòng chống tham nhũng đã phát hiện có nhiều dấu hiệu sai phạm trong việc đầu tư dự án nói chung và mua sắm ụ nổi nói riêng. Theo điều tra của Cục Cảnh sát phòng chống tham nhũng, khi chưa được Thủ tướng phê duyệt thì ngày 27/6/2007, ông Dương Chí Dũng là Chủ tịch HĐQT Vinalines đã ký quyết định phê duyệt dự án nhà máy sửa chữa tàu biển tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng mức đầu tư 3.854 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án này sau đó đã bị đội lên thành 6.489 tỷ đồng. Tương tự, việc mua sắm ụ nổi cũng đã bị đội giá lên gấp đôi so với dự toán ban đầu. Theo tài liệu điều tra của phòng Nội vụ của Nga và bản khai nhân chứng được tòa công bố vào ngày 28/4/2014, công ty sở hữu ụ nổi 83M là Nakhodka thỏa thuận giá bán ụ nổi với Công ty môi giới AP (Singapore) chỉ là 2,3 triệu USD, trong khi Vinalines mua ụ cũ hết niên hạn sử dụng này với chi phí tổng cộng lên tới 9 triệu USD. Thêm tiền dắt về, sửa chữa khiến mức đầu tư đội giá thành 19 triệu.  Vinalines đã tự ý quyết định đầu tư khi chưa được Bộ Giao thông Vận tải cập nhật dự án vào quy hoạch và dự án này cũng chưa trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 4805/VPCN-CN ngày 31/8/2006.

Trong sự việc này, cơ quan cảnh sát điều tra xác định ông Trần Hữu Chiều, Phó tổng Giám đốc Vinalines là người đề nghị, ông Mai Xuân Phúc (Tổng Giám đốc thời điểm đó) trình, ông Dương Chí Dũng (Chủ tịch HĐQT) ký phê duyệt.Các hành vi này được xác định là làm trái với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, luật đầu tư, luật đấu thầu.

Ngày 18 tháng 5 năm 2012, sau khi ra quyết định khởi tố, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã làm việc với Bộ GTVT, ngay sau đó Bộ này đã có quyết định đình chỉ công tác với ông Dương Chí Dũng”

Ngày 19 tháng 5 năm 2012, Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã ra quyết định truy nã đối với ông Dương Chí Dũng.

Theo nhận định của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an “đây là vụ án gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho nhà nước, có tính chất phức tạp, gây nhức nhối trong quần chúng nhân dân, làm ảnh hưởng đến uy tín của chính phủ Việt Nam”.

Theo báo Công an nhân dân, ngày 21 tháng 6 năm 2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết đã đề nghị truy nã quốc tế ông Dũng và được Ban Tổng thư ký tổ chức Interpol đồng ý. Bộ Công an đề nghị nơi nào bắt được ông Dũng, thông báo ngay cho Interpol Hà Nội và Ban Tổng thư ký tổ chức Interpol.

Thông báo của Bộ Công an Việt Nam lúc đó cho biết ông Dũng bị bắt giữ hôm thứ Ba ngày 4/9/2012 sau gần 4 tháng đào tẩu tại một nước ASEAN nhưng không nói rõ là nước nào cũng như không đưa thông tin chi tiết về việc bắt giữ.Theo hồ sơ điều tra Cơ quan An ninh (Bộ Công an) hoàn tất ngày 14.10.2013 thì Dương Chí Dũng đã bị bắt tại Campuchia.Theo tin của Petrotimes ngày 07.12.2013, Phó phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an thành phố Hải Phòng Vũ Tiến Sơn đã bị bắt tạm giam vì đã tiếp tay cho Dương Chí Dũng bỏ trốn. Cùng tội này, Đồng Xuân Phong – Nguyên cán bộ Cục Hải quan Hải Phòng cũng đã bị truy nã. Ngày 22/2 Bộ Công an loan tin vừa bắt ông Dương Tự Trọng, nguyên phó giám đốc công an Hải Phòng với lý do ông này nằm trong đường dây tổ chức cho anh trai là Dương Chí Dũng, nguyên chủ tịch Vinalines bỏ trốn. Như vậy, ông Dương Tự Trọng là người thứ 8 đã bị bắt giam trong đường dây tổ chức này. Ngoài ông còn có các cán bộ công an khác như ông Vũ Văn Sáu, Phạm Đình Nghiên, Hà Trọng Tuấn, Hoàng Văn Thắng, Nguyễn Trọng Ánh và ông Đồng Xuân Phong (đang bị truy nã).
Trong phiên xử sơ thẩm ngày 16/12 Dương Chí Dũng bị tuyên án tử hình về tội tham ô, 28 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.  Trong cuộc họp thông báo về tình hình, kết quả công tác công an năm 2013 diễn ra vào ngày 16.12.2013, thượng tướng Đặng Văn Hiếu – Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an, nói rõ, Cơ quan An ninh điều tra của Bộ Công an gửi Viện KSND tối cao không đề cập tới chi tiết người gọi điện báo tin cho Dương Chí Dũng bỏ trốn, do những tình tiết này liên quan đến một vụ án khác, vẫn đang trong quá trình điều tra nên chưa thể tiết lộ danh tính cụ thể.

(nguồn internet)