10 loại giấy phép xuất, nhập khẩu: Lo lại “rộ” cơ chế “xin – cho”

548

Trong khi nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo luật Quản lý ngoại thương quy định khoảng 10 loại giấy phép là không hợp lý với mục tiêu cải cách thủ tục hành chính thì ban soạn thảo khẳng định: Dự thảo luật không quy định cụ thể các loại giấy phép, mà chỉ quy định nguyên tắc áp dụng, bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm thời gian, chi phí của cơ quan quản lý Nhà nước, của thương nhân.

Kiến nghị giảm bớt giấy phép

Trong phiên làm việc sáng nay (25/5) của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đã thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về dự án luật Quản lý ngoại thương.

Theo đó, góp ý cho dự luật, một số ý kiến cho rằng, trong khi mục tiêu của luật là cải cách thủ tục hành chính thì dự thảo luật quy định khoảng 10 loại giấy phép là không hợp lý. Các ý kiến này đề nghị rà soát giảm bớt giấy phép, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, hạn chế “xin cho”.

Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể thời gian cấp phép và điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu; đưa ra các tiêu chí cụ thể về cấp giấy phép, tiêu chí xác định mặt hàng quản lý theo giấy phép, tổ chức được cấp phép và số lượng hàng hóa được cấp phép trong dự thảo luật.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Hồng Thanh, thực tế dự thảo luật không quy định cụ thể các loại giấy phép, mà chỉ quy định nguyên tắc áp dụng, bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm thời gian, chi phí của cơ quan quản lý Nhà nước, của thương nhân.

Trên cơ sở các nguyên tắc đó, giao Chính phủ quy định chi tiết Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu, quy định phương thức, phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ đối với hàng hóa thuộc danh mục, trong đó có quy định giấy phép gắn với hàng hóa cụ thể và giao các bộ, cơ quan ngang bộ công bố công khai

Đã áp hạn ngạch sao còn ưu đãi thuế suất?

Một số ý kiến khác đề nghị bỏ điều khoản quy định về áp dụng thuế quan ưu đãi hơn đối với lô hàng áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu do hạn ngạch thuế quan nhập khẩu là một biện pháp tự vệ đối với hàng nhập khẩu, vì vậy quy định này là không hợp lý.

Theo giải trình của UBTVQ, áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu là một trong những biện pháp tự vệ cần thiết và phù hợp với thông lệ quốc tế.

“Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu là biện pháp chỉ nhằm mục đích phân biệt mức thuế áp dụng đối với hàng hóa trong hạn ngạch thuế quan và mức thuế áp dụng với hàng hóa ngoài hạn ngạch thuế quan, trong đó mức thuế áp dụng trong hạn ngạch thuế quan phải nhỏ hơn mức thuế ngoài hạn ngạch thuế quan”, ông Thanh giải thích.

Như vậy, việc nhập khẩu hàng hóa ngoài hạn ngạch sẽ phải chịu mức thuế cao hơn chính là đáp ứng được tiêu chí áp dụng các biện pháp tự vệ cần thiết phù hợp với thông lệ quốc tế đã nêu trên. Do đó, nội dung này vẫn được UBTVQH đề nghị giữ như quy định tại dự thảo luật.

Cũng liên quan đến hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, có ý kiến đề nghị giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thẩm quyền áp dụng. Tuy nhiên, UBTVQH đánh giá, hạn ngạch xuất, nhập khẩu là biện pháp điều hành linh hoạt, theo thời kỳ đối với từng loại hàng hóa cụ thể nhằm xác định số lượng hàng hóa được phép xuất khẩu hoặc nhập khẩu.

Khi quyết định áp dụng hạn ngạch đối với một loại hàng hóa nào đó, không những cần bảo đảm các nguyên tắc, tiêu chí như công khai, minh bạch về số lượng, khối lượng và phương thức giao hạn ngạch, phù hợp với điều ước quốc tế, tăng trưởng kinh tế theo từng thời kỳ mà còn phải căn cứ vào chính sách áp dụng hạn ngạch của nước nhập khẩu đối với chính loại hàng hóa đó của Việt Nam.

Đồng thời, thẩm quyền áp dụng hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu quy định như dự thảo luật đang thực hiện trên thực tế, do vậy, Ủy ban xin giữ quy định giao Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, tổ chức có liên quan để quyết định việc áp dụng hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu.

Một số ý kiến khác đề nghị bổ sung quy định cụ thể các biện pháp phòng vệ thương mại trong trường hợp doanh nghiệp nước ta ra nước ngoài bị chèn ép. Ông Thanh cho biết, UBTVQH đã tiếp thu góp ý này và bổ sung quy định: Khi các thương nhân Việt Nam bị nước nhập khẩu điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền khác thực hiện các hoạt động trợ giúp cho thương nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn.

Theo dân trí.