Án hành chính: Tranh cãi từ chuyện tưởng đơn giản

85

Nhiều tình huống thực tế tưởng đơn giản nhưng khi các thẩm phán mổ xẻ thì mới té ra là còn những cách hiểu khác nhau. Chú trọng tổ chức đối thoại.

Rất nhiều thẩm phán chuyên xử án hành chính của TAND TP.HCM đã trực tiếp nêu ra những tình huống vướng mắc mình từng gặp phải để cùng tìm cách tháo gỡ trong buổi trao đổi nghiệp vụ do TAND Tối cao và Trường Cán bộ tòa án vừa phối hợp tổ chức.

Khi đương sự cương quyết đòi kiện sai đối tượng thì làm thế nào? Có nên đưa đồng thừa kế tài sản vào tham gia tố tụng hay không? Khi cơ quan nhà nước ra một quyết định theo bản án đã có hiệu lực pháp luật, nếu sau đó bản án bị hủy thì quyết định của cơ quan nhà nước có bị hủy không?

Nhiều tình huống tưởng đơn giản nhưng khi các thẩm phán mổ xẻ thì mới té ra là còn những cách hiểu khác nhau.

Khi đương sự… trái khoáy

Một thẩm phán kể về trường hợp mình từng gặp: Ông A. khởi kiện quyết định thu hồi đất của UBND một quận. Đáng lẽ đối tượng bị kiện là UBND nhưng thấy chủ tịch quận là người ký quyết định, lại có hiềm khích từ trước nên ông A. cương quyết đòi kiện chủ tịch quận dù thẩm phán đã giải thích hết nước hết cái. Lúc đó, thẩm phán phải làm sao?

Theo một thẩm phán, nếu đương sự vẫn khăng khăng giữ ý định thì tòa cứ ra quyết định trả lại đơn với lý do kiện sai đối tượng. Lập tức một thẩm phán khác đứng dậy tranh luận: “Quyền khởi kiện là của đương sự. Họ kiện sai đối tượng thì tòa phải tìm cách thuyết phục họ kiện đúng, nếu không thụ lý đơn là gây thiệt hại cho người khởi kiện”. Một ý kiến khác cho rằng tòa nên tiếp tục giải quyết, khi xét xử thì tuyên bác yêu cầu vì kiện sai đối tượng khởi kiện.

Theo Phó Chánh án TAND Tối cao Tưởng Duy Lượng, nếu gặp tình huống này, ưu tiên số một vẫn là cách xử lý mềm dẻo của cán bộ tòa, phải giải thích bằng được cho đương sự để họ chỉnh lại đối tượng khởi kiện. Thẩm phán phải phân tích rõ cho họ hậu quả của việc cứ muốn làm theo ý của họ để họ nhận thức được vấn đề và sửa đơn kiện.

“Khi còn là thẩm phán tôi cũng từng gặp rất nhiều đương sự trái khoáy nhưng cuối cùng họ cũng nghe theo hướng dẫn đúng. Tôi không tin là khi cán bộ tòa làm việc hết mình mà đương sự vẫn không thay đổi” – ông Lượng nói. Tuy nhiên, với những trường hợp hiếm hoi không thể thuyết phục được thì tòa phải trả lại đơn và giải thích rõ cho đương sự lý do.

Cũng theo ông Lượng, khi xem xét giám đốc thẩm còn phát hiện nhiều trường hợp chính các tòa cũng xác định sai đối tượng khởi kiện theo đương sự. Để đảm bảo tính ổn định của bản án, TAND Tối cao cũng cân nhắc việc hủy án, nếu bản án đó có thêm những sai sót khác thì mới phải hủy, còn cái sai đó không ảnh hưởng đến quyền lợi của ai thì không nên hủy.

Có đưa các đồng thừa kế vào vụ án?

Một thẩm phán đưa ra một tình huống có thật: Ông B. xây tường rào bao quanh lô đất của dòng họ nhưng UBND một quận không cấp phép xây dựng vì cho rằng vướng quy hoạch. Không đồng tình, ông B. khởi kiện UBND quận. Trong trường hợp này, tòa có đưa đồng thừa kế của ông B. vào tham gia vụ án với tư cách là người liên quan hay không?

Nhiều ý kiến cho rằng không cần đưa vào vì quyết định hành chính của UBND chỉ ảnh hưởng tới một mình ông B., không tác động đến các đồng thừa kế. Còn nếu họ thấy mình bị ảnh hưởng thì từng người có thể khởi kiện riêng UBND bằng các vụ kiện riêng lẻ khác.

Tuy nhiên, đại diện TAND Tối cao cho rằng tòa phải xử lý ngược lại mới đúng. Vì việc ông B. xây tường rào là xung quanh đất là nhằm bảo vệ tài sản của tất cả đồng thừa kế. Do đó khi UBND có quyết định không cho cũng ảnh hưởng đến tất cả đồng thừa kế nên họ là đồng nguyên đơn của vụ kiện. Nếu họ không đứng ra khởi kiện mà chỉ ủy quyền cho ông B. thì tòa phải cho họ tham gia tố tụng với tư cách là người liên quan. Bởi lẽ họ cũng là chủ sở hữu tài sản, bị UBND từ chối cấp phép, dù họ không khởi kiện thì cũng phải có ý kiến của họ.

Tạm đình chỉ để chờ quyết định cuối cùng?

Một tình huống khác: UBND huyện căn cứ vào quyết định của một bản án dân sự đã có hiệu lực pháp luật để cấp giấy đỏ cho bà C. Sau đó, bản án dân sự mà UBND đã dựa vào trước đó bị tòa cấp trên hủy để giải quyết lại. Đương sự khởi kiện vụ án hành chính yêu cầu tòa buộc UBND huyện hủy quyết định cấp giấy đỏ thì tòa phải làm sao?

Theo một thẩm phán, giấy đỏ mà UBND cấp cho đương sự là kết quả phát sinh từ một bản án dân sự. Nếu bản án đó bị hủy thì quyết định cấp giấy đỏ cũng phải bị hủy để tránh thiệt hại cho cả hai bên đương sự và UBND. Tuy nhiên, một ý kiến khác lại phản đối rằng nếu quyết định của UBND là đúng đắn, hợp lý thì không có lý gì phải hủy bởi vừa tốn thời gian vừa gây thiệt hại tài chính cho Nhà nước. Lúc này, hướng xử lý phù hợp nhất là tòa cần tạm ngưng giải quyết vụ án hành chính, chờ kết quả giải quyết cuối cùng của vụ án dân sự.

Theo Phó Chánh án TAND Tối cao Tưởng Duy Lượng, đây là vấn đề mà nhiều tòa địa phương còn lúng túng. Ông Lượng gút: “Trừ trường hợp bản án dân sự bị đình chỉ thì tòa mới giải quyết vụ án hành chính. Còn bản án dân sự bị hủy để giải quyết lại thì tòa hành chính phải tạm đình chỉ vụ án. Bởi lẽ khi chưa có một bản án dân sự có hiệu lực pháp luật thì tòa hành chính chưa thể biết việc cấp giấy đỏ của UBND là đúng hay sai nên không thể ra phán quyết là bác hay không bác yêu cầu khởi kiện của đương sự”.

Chú trọng tổ chức đối thoại

Một tình huống cũng được bàn luận sôi nổi là Luật Tố tụng hành chính quy định tòa phải tạo điều kiện cho bên khởi kiện và bên bị kiện đối thoại với nhau. Vậy khi tổ chức đối thoại, tòa có cần lập văn bản ghi nhận ý kiến hai bên hay không? Gọi tên văn bản đó là gì?

Đại diện TAND Tối cao cho rằng dù không bắt buộc nhưng việc đối thoại là rất cần thiết vì sau đối thoại sẽ có những kết quả nhất định, mặt khác nhiệm vụ của tòa án là làm giảm thiểu xung đột giữa nhân dân với chính quyền. Thẩm phán phải là người chủ trì đối thoại và có thể thực hiện việc phân tích pháp luật cho hai bên. Tại buổi đối thoại cũng cần có biên bản ghi lại cẩn thận và thẩm phán cũng nên ký vào biên bản đó.

Không thể xem nhẹ tình huống nào

Theo tôi khi nhận thức của các thẩm phán chưa thống nhất thì chúng ta càng phải thận trọng trong việc giải quyết án, đặc biệt với án hành chính. Không nên xem nhẹ những chuyện mà chúng ta coi là đơn giản.

Thẩm phán TƯỞNG DUY LƯỢNG, Phó Chánh án TAND Tối cao

Kiện sai đối tượng: Trả đơn

Nếu đương sự kiện quyết định thu hồi đất của UBND thì đối tượng bị kiện phải là UBND cho dù chủ tịch UBND là người ký tên trong quyết định. Bởi lẽ chủ tịch UBND chỉ ký vì thẩm quyền phải ký. Mặt khác, theo khoản 1 Điều 104 Luật Tố tụng hành chính thì đơn kiện phải ghi rõ đối tượng bị kiện. Do đó khi đã giải thích mà đương sự vẫn không chịu sửa đơn kiện thì tòa cứ trả đơn với hai lý do là không chịu sửa đơn kiện và xác định sai đối tượng bị kiện.

Thẩm phán ĐỖ KHẮC TUẤN, Phó Chánh án TAND TP.HCM

SONG NGUYỄN – DƯƠNG HẰNG