Quyền im lặng” là quyền không khai báo khi không có sự tư vấn của LS để tránh “tự mình buộc tội mình”, gây thiệt hại cho bản thân.
Một số luật sư phát biểu trên báo Pháp luật VN cho thấy rằng, “quyền im lặng” trong tố tụng đã trở thành mối quan tâm của nhiều luật sư.
Theo nguyên tắc phổ biến của TTHS các nước là “suy đoán vô tội” thì những người đang bị tình nghi, bị tạm giữ, tạm giam được quyền có LS tư vấn riêng và có quyền giữ im lặng nếu không có LS khi “vướng” vào quy trình tố tụng.
Đây là “lõi của vấn đề” như nhận xét của LS. Trần Trọng Nghĩa (Đoàn LS TP.HCM) để LS được tham gia vào quá trình tố tụng ngay từ những thủ tục đầu tiên, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người tham gia tố tụng, chủ thể tham gia TTHS.
Quan tâm đến quyền tố tụng đặc biệt này, LS. Ngô Ngọc Thủy (ĐLS Hà Nội) nhấn mạnh: “Đã đến lúc “xới” lên vấn đề về chế định “quyền im lặng” cho những người bị tạm giữ, tạm giam”.
Mặc dù ông cũng lưu ý đến nay chưa có một thống kê chính thức về việc chưa có quy định về “quyền im lặng” là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng oan, sai trong TTHS hay nếu có quy định này thì liệu có chấm dứt được oan, sai trong TTHS.
Còn TS. Nguyễn Ngọc Anh (Bộ Công an) lại thấy “quyền im lặng” có vẻ không phù hợp với thực tiễn và văn hóa Việt Nam vì “có đến 9/10 người khi bị bắt đều lập tức kêu oan, chứ không im lặng”.
Nhưng từ thực tiễn, nhiều vụ án đã bị chệch hướng, dẫn đến oan, sai do thiếu sự tham gia của LS từ giai đoạn đầu của quá trình tố tụng, kể từ khi một người bị bắt tạm giữ, tạm giam. Trong thời gian này, cơ quan điều tra vẫn tiến hành thẩm vấn, lấy lời khai của đối tượng.
Không hiếm người bị tạm giam, tạm giữ bắt buộc phải một mình đối diện với cơ quan điều tra trong khi thiếu hiểu biết về pháp luật. Đến khi có LS thì “chuyện đã rồi”.
Dù Bộ luật TTHS quy định LS được tham gia ngay từ giai đoạn điều tra, song LS. Trương Xuân Tám phản ánh: “Khi cơ quan điều tra “thích” thì mới mời LS tham gia thẩm vấn thân chủ cho “có lệ”. Rồi đến khi người bị tạm giam, tạm giữ, bị can đã nhận tội mới tiếp tục mời tham gia”.
Như vậy, nếu người bị tạm giữ, tạm giam có “quyền im lặng” thì cơ quan điều tra bắt buộc phải “nhờ cậy” LS tham gia thẩm vấn nếu muốn nhanh chóng kết thúc hoạt động điều tra một vụ án.
Bên cạnh đó, ủng hộ một quy định về “quyền im lặng” khi sửa đổi Bộ luật TTHS 2003, PGS.TS. Trần Văn Độ (TANDTC) nêu quan niệm “quyền im lặng” là quyền không khai báo khi không có sự tư vấn của LS để tránh “tự mình buộc tội mình”, gây thiệt hại cho bản thân. Do đó, nếu quy định trong phạm vi thực tế nhất định có thể đảm bảo quyền bào chữa của bị can, bị cáo.
Nhiều quốc gia đã có quy định về “quyền im lặng” trong TTHS, thậm chí như Đức cho phép đương sự được thực hiện “quyền im lặng” trong suốt quá trình tố tụng. Tuy nhiên, căn cứ vào điều kiện ở Việt Nam, LS.Trương Trọng Nghĩa nhận thấy, nếu có “quyền im lặng” từ khi bắt đầu bị điều tra đến khi có LS thì đã bảo đảm được những gì mà người bị tạm giữ, tạm giam phát biểu với cơ quan điều tra đều được sự tư vấn và chứng kiến của LS.
Công ty Luật Hưng Nguyên ( sưu tầm)