Phải tái cơ cấu, các tập đoàn kêu khó

99

EVN cho rằng khó hoạt động ‘sòng phẳng’ với các doanh nghiệp khác một khi chưa có giá thị trường với điện. Trong khi đó, đại diện của VNPT lại nhắc nhiều đến việc xác định vốn điều lệ, giải quyết lao động.Hội thảo về Giải pháp tài chính tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước được Bộ Tài chính và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức ngày 31/5 với kỳ vọng mang lại cơ hội để các tập đoàn, tổng công ty có thể “nói thật” những khó khăn gặp phải trong quá trình tái cơ cấu – đặc biệt là những khó khăn về tài chính. Tuy vậy, mặc dù có mặt khá đông đủ tại diễn đàn, lắng nghe nhiều phát biểu của các chuyên gia, nhà quản lý, cũng như nhận được sự kêu gọi đến lần thứ hai của Thứ trưởng Trần Văn Hiếu, nhưng vẫn có rất ít đại diện của các tập đoàn sẵn sàng phát biểu.

Là một trong số ít những cánh tay “xung phong”, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực – Đinh Quang Tri tiếp tục gửi đi một thông điệp, vốn được EVN nhắc đi, nhắc lại nhiều lần: “Dù giải pháp gì đi nữa, vẫn phải gắn giá điện theo thị trường”.

Theo giải thích của ông Tri, nếu xác định các tập đoàn, tổng công ty là đơn vị làm công ích, thì chuyện Nhà nước can thiệp vào giá là có thể hiểu được. Nhưng nếu đặt doanh nghiệp trong môi trường cạnh tranh bình đẳng thì phải áp dụng giá theo thị trường. “Giá bán điện đang ở mức thấp, cổ phần hóa các nhà máy điện thì chắc chắc chắn không có ai mua, hoặc nếu mua thì chỉ nhằm mục đích thâu tóm”, đại diện doanh nghiệp cho biết.

Một cái khó khác cũng được Phó tổng giám đốc EVN nhắc tới là quy chế hiện hành đối với các tập đoàn, tổng công ty là bán vốn không được lỗ. Theo đó, trong điều kiện thị trường chứng khoán suy giảm, việc thoái vốn của doanh nghiệp Nhà nước là rất khó khăn. “Nếu bán rẻ thì cũng có người mua nhưng như thế phạm luật. Cho nên trong nhiều trường hợp, lãnh đạo doanh nghiệp thà để số vốn đó 10 năm, còn hơn bán lỗ một tỷ rồi… đi tù”, ông Tri chia sẻ.

Bên cạnh những giải pháp tài chính, đại diện EVN cũng cho rằng, yếu tố con người quyết định rất lớn tới thành công của việc tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty. Theo ông Tri, hầu hết những vụ bê bối gần đây của các “ông lớn” đều xuất phát từ các sai phạm cá nhân. Do đó, việc sắp xếp, lựa chọn chức danh, từ tổng giám đốc cho đến trưởng phòng đều phải căn cứ vào năng lực, khả năng và đạo đức của cán bộ.

Cũng chia sẻ với đại diện của EVN về vấn đề nhân sự nhưng Trưởng ban Tài chính – Kế toán của Tập đoàn Bưu chính viễn thông – Hoàng Kim Bình lại tiếp cận theo một hướng khác. Từ thực tế tái cơ cấu của VNPT, bà Bình cho biết việc sắp xếp lại lao động nảy sinh rất nhiều bất cập. Phần lớn số người bị thuyên chuyển, dôi dư… đều không muốn rời chỗ làm cũ.

“Vừa qua chúng tôi cũng tiến hành sắp xếp, giảm biên chế được 4.000 trên tổng số 40.000 cán bộ, công nhân viên. Tuy nhiên, phần lớn những người xin nghỉ lại là những lao động có khả năng xin việc tại công ty khác. Trong khi những người ở lại chưa chắc doanh nghiệp đã cần giữ”, bà Bình chia sẻ…

Trao đổi với các doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết, cơ quan quản lý đang hết sức lắng nghe, tiếp thu những khó khăn của doanh nghiệp để có được những điều chỉnh kịp thời, sát với yêu cầu đổi mới doanh nghiệp. Tuy vậy, những vấn đề như EVN hay VNPT nêu ra khó có thể được giải quyết trong một sớm, một chiều. Đơn cử như việc thị trường hóa giá điện cần có một lộ trình “lâu dài và đau đớn”, nhưng bắt buộc phải làm.

Riêng chuyện cho phép doanh nghiệp bán lỗ phần vốn góp Nhà nước, Thứ trưởng cho biết cơ quan quản lý đang nghiên cứu. Tuy nhiên, với quan điểm cá nhân, ông Hiếu cho rằng cần có cách nhìn khác về hiệu quả sử dụng vốn tại doanh nghiệp cũng như các dự án. “Nếu mua 10 đồng, chỉ bán 9 đồng nhưng ta có ngay 9 đồng đó đầu tư vào ngành chính thì cũng là hiệu quả. Hoặc nếu hôm nay thiệt hại 10 đồng, nhưng để đến mai thiệt tới 20 đồng thì tốt nhất là nên cho bán luôn hôm nay”, đại diện Bộ Tài chính gợi ý.

Chia sẻ với quan điểm cho phép doanh nghiệp Nhà nước được “cắt lỗ”, nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng, thực tế ở nhiều địa phương cho thấy cho bán lỗ là hiệu quả: “Một dự án do doanh nghiệp Nhà nước đầu tư ở Nghệ An 50 tỷ đồng, phải bán với giá 30 tỷ. Nhưng người mua thực hiện được dự án ngay, đi vào hoạt động và nộp thuế thì số tiền Nhà nước thu được đủ bù số mất mát kia”, ông Tuyển phân tích.

Tuy vậy, cũng theo chuyên gia này thì một trong những điểm nghẽn của tái cơ cấu doanh nghiệp hiện nay chính là xác định vai trò của doanh nghiệp Nhà nước. Theo đó, các tập đoàn, tổng công ty chỉ có vai trò nhất định trong việc thực hiện chính sách công nghiệp ở những lĩnh vực tư nhân chưa thể hoặc không muốn làm. “Nếu tiếp tục coi doanh nghiệp Nhà nước là công cụ điều tiết vĩ mô thì việc tái cơ cấu khó lòng thành công”, ông Tuyển cảnh báo.

Theo Vnexpress.net