DN muốn “chết” hợp pháp cũng khó

15

Hiện nay nhiều DN lâm tình trạng phá sản vẫn không thể ra tòa yêu cầu phá sản một cách hợp pháp bởi vướng về sổ sách, tài sản, các quy định của pháp luật…

Từ thực tế trên, trong năm 2011, Tòa Kinh tế TAND TP.HCM chỉ thụ lý 11 vụ phá sản DN.

Doanh nghiệp (DN) X. kinh doanh ngành vận tải ở Phú Yên vay ngân hàng hơn trăm tỉ đồng để mua ô tô khách. Kinh doanh thua lỗ, DN phải bán xe để xoay sở. Tuy nhiên vẫn không giải quyết được vấn đề khó khăn vì thế DN này nộp đơn ra tòa mở thủ tục phá sản.

Phá sản không đơn giản

Tuy nhiên, chủ nợ là ngân hàng đã can thiệp vào quá trình làm thủ tục tuyên bố phá sản của DN này. Ngân hàng cho rằng DN này có ý định lừa đảo khi lấy xe khách của DN đã thế chấp ngân hàng đem bán nên cần phải xem xét rõ hơn. Cộng đó, chính việc làm ăn với hệ thống hai sổ sách và báo cáo thuế lời lỗ khác nhau khiến cho việc yêu cầu tuyên bố phá sản của DN gặp trở ngại.

Hay như vụ Công ty Cổ phần Dược Viễn Đông nợ nần đến hơn 900 tỉ đồng, giám đốc đi tù không có khả năng thanh toán nợ. Ngân hàng A. (một chủ nợ lớn) từ lâu có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với công ty này nhưng đến nay tòa vẫn chưa tuyên bố công ty này phá sản được vì gặp nhiều vướng mắc khác nhau.

Luật không dễ thực hiện

Điều 13 Luật Phá sản quy định khi nhận thấy DN, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản thì các chủ nợ không có bảo đảm hoặc có một phần đều có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với DN, hợp tác xã đó. Người nộp đơn phải nộp chứng cứ chứng minh. Dựa trên căn cứ tài liệu, giấy tờ đó tòa sẽ xem xét mở hay không mở thủ tục phá sản. Sau khi nhận được yêu cầu mở thủ tục phá sản, nếu thấy cần sửa đổi đơn, bổ sung tài liệu thì tòa án yêu cầu người nộp đơn thực hiện việc sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của tòa án.

Theo các thẩm phán, quy định trên khó thực hiện được. Trên thực tế người yêu cầu mở thủ tục phá sản thường rất khó tự thu thập chứng cứ. Ngay cả khi tòa án yêu cầu người rơi vào tình trạng phá sản nộp chứng cứ thì họ cũng còn bất hợp tác huống hồ đặt ra cho chủ nợ và thời hạn cung cấp tài liệu vỏn vẹn 10 ngày.

Khó đòi chi phí đăng báo

Ông Phan Gia Quí (Chánh Tòa Kinh tế TAND TP.HCM) phân tích thủ tục phá sản với một DN luật quy định khá chặt chẽ, chi tiết và việc tiến hành trên thực tế có thể kéo dài, khó ấn định được thời gian.

Một vấn đề nữa là sau khi tòa chấp nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản DN thì tòa tiến hành thành lập tổ thanh lý tài sản rồi mở hội nghị chủ nợ… trước khi tiến hành tuyên bố phá sản. Mỗi lần tòa ra quyết định gì nằm trong quá trình làm thủ tục phá sản thì DN phải chịu phí đăng báo thông báo ba kỳ liên tiếp. DN đã chết còn kinh phí đâu để thực hiện những việc này.

Cũng theo chánh Tòa Kinh tế, tổ trưởng, tổ quản lý tài sản theo Luật Phá sản 1993 do tòa án lập và điều khiển, tổ thanh lý tài sản do thi hành án phụ trách. Theo Luật Phá sản 2004 thì hai tổ này gộp làm một và do chấp hành viên làm tổ trưởng. Cơ chế này phát sinh nhiều bất cập, nhất là khi hầu hết các vụ phá sản đều kéo dài, chấp hành viên không thể vừa điều hành tốt tổ quản lý, thanh lý tài sản vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tại cơ quan thi hành án.

Chưa rõ thẩm quyền của thẩm phán

Một kiểm sát viên VKSND TP.HCM phân tích thêm, Luật Phá sản quy định thẩm phán có nhiệm vụ, quyền hạn giám sát, tiến hành thủ tục phá sản. Nhưng thẩm quyền của thẩm phán giải quyết việc phá sản đến đâu chưa rõ nhất là các quyết định ngoại lệ trong quá trình giải quyết khiếu nại; áp dụng biện pháp chế tài để thực hiện các quyết định của mình về thủ tục phá sản.

Ngay trong việc ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản đã là cả một vấn đề. Luật quy định thời hạn chỉ có 30 ngày nhưng thực tế nhiều khi DN không nộp báo cáo tài chính có kiểm toán nên thẩm phán phải chờ đợi đến khi có kiểm toán thì mới ra quyết định mở thủ tục phá sản, dẫn đến thời gian kéo dài đến 3-4 tháng.

Chế tài DN không hợp tác

Theo tôi, luật cần bổ sung phạt hành chính hành vi của chủ DN hoặc đại diện hợp pháp của DN, hợp tác xã không tham gia hoặc không cử người tham gia tổ quản lý, thanh lý tài sản. Đồng thời, BLHS cũng cần bổ sung thêm tội danh liên quan đến việc không chấp hành các quyết định của tòa án trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản.

Một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM

Khó biết DN đang lời hay lỗ

Một trong những vướng mắc khó thực hiện việc mở thủ tục phá sản với DN chính là hệ thống sổ sách không minh bạch, không đúng thực tế. DN nào cũng tồn tại hai hệ thống sổ sách nội bộ và báo cáo thuế. Theo sổ sách báo cáo thuế thì lời trong khi nội bộ thì lỗ lấy cơ sở đâu để yêu cầu tòa mở thủ tục phá sản. Nhiều DN đem vốn đi kinh doanh các ngành nghề không thuộc lĩnh vực được cấp phép như đầu tư vào chứng khoán, bất động sản…

Luật sưNGUYỄN THÀNH CÔNG,Đoàn Luật sư TP.HCM

Khó khăn về kinh phí hoạt động

Kinh phí hoạt động của tổ quản lý, thanh lý tài sản chủ yếu sử dụng từ nguồn kinh phí của cơ quan thi hành án dân sự. Nhưng nguồn kinh phí của cơ quan thi hành án không thể đáp ứng yêu cầu. Chế độ thù lao cho những người làm công tác này cũng quá khiêm tốn…

Ông PHAN GIA QUÍ,Chánh Tòa Kinh tế TAND TP.HCM

ÁI MINH