Chế định chứng cứ trong tố tụng hình sự… lỗi thời

86

Chứng cứ là một vấn đề khá quan trọng, có tính chất mấu chốt trong việc xét xử  vụ án hình sự. Bởi vậy, một trong những nội dung quan trọng trong sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành (BLTTHS 2003) là phải đổi mới chế định chứng cứ trong tố tụng hình sự nhằm tăng dân chủ, giảm oan sai, đáp ứng yêu cầu cải cách và hội nhập.

Bất cập từ thực tiễn
Về nguyên tắc, mọi chứng cứ do người có thẩm quyền thu thập đúng trình tự, thủ tục đều có giá trị pháp lý ngang nhau nên phải được đánh giá, sử dụng như nhau. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 10 BLTTHS thì “trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng” nên đương nhiên cơ quan tiến hành tố tụng là chủ thể có quyền chủ động hoàn toàn trong toàn bộ quá trình tố tụng nói chung và trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ và hồ sơ vụ án là căn cứ duy nhất và hợp pháp để phán quyết một người có tội hay không có tội.
BLTTHS 2003 cũng quy định người bào chữa được quyền thu thập các đồ vật, tài liệu liên quan đến vụ án nhưng chúng chỉ có thể là chứng cứ khi được nộp cho các cơ quan tiến hành tố tụng và được các cơ quan này chứng nhận, đưa vào hồ sơ. Hơn thế nữa, mặc dù luật sư được quyền “đọc, ghi chép, sao chụp” các tài liệu trong hồ sơ vụ án, nhưng đấy chỉ là những tài liệu liên quan đến việc bào chữa mà không phải là toàn bộ những tài liệu của vụ án. Thậm chí, luật sư bảo vệ bị can, bị cáo cũng phải lấy hồ sơ của vụ án do cơ quan tố tụng xây dựng lên làm căn cứ để bào chữa (gỡ tội) cho thân chủ của mình.
BLTTHS quy định luật sư có quyền thu thập tài liệu, đồ vật, nhưng lại chưa quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ của luật sư. Căn cứ vào quy định tại điều 65 BLHHS thì giá trị pháp lý của tài liệu, đồ vật do luật sư thu thập không cao, thậm chí không được cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận.
Ở một góc độ khác, LS Đỗ Thúy Phượng (ĐLS Hà Nội) cho rằng, do BLTTHS hiện hành không lượng hóa chứng cứ để chứng minh trong vụ án hình sự, mà chỉ quy định “chứng cứ thu thập được phải bảo đảm đủ để giải quyết vụ án hình sự” nên trong mỗi vụ án cụ thể, cơ quan tiến hành tố tụng có quyền xác định số lượng chứng cứ cần và đủ để giải quyết vụ án hình sự.
LS Phượng lo ngại trường hợp chứng cứ do luật sư cung cấp hoàn toàn khách quan và tin cậy, có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình giải quyết vụ án nhưng cơ quan tố tụng lại xem nhẹ vì cho rằng họ đã xác định số lượng chứng cứ cần và đủ để giải quyết vụ án rồi? Hơn nữa, làm thế nào để bảo đảm nguyên tắc không coi một loại chứng cứ nào đó là duy nhất để buộc tội?
BLTTHS hiện hành quy định, thẩm quyền đánh giá, sử dụng chứng cứ trong vụ án hình sự hoàn toàn thuộc về người tiến hành tố tụng nhưng Bộ luật này lại không quy định cụ thể về việc đánh giá, sử dụng chứng cứ không phải do cơ quan tiến hành tố tụng thu thập mà chỉ đưa ra yêu cầu chung là “phải xác định và đánh giá mọi chứng cứ với đầy đủ tinh thần trách nhiệm, sau khi nghiên cứu một cách tổng hợp, khách quan, toàn diện và đầy đủ tất cả các tình tiết của vụ án”.
Theo một số chuyên gia, quy định chung chung như vậy khó tránh khỏi sự áp đặt, duy ý chí, chỉ coi trọng chứng cứ do cơ quan tiến hành tố tụng thu thập, dẫn đến phiến diện, oan sai.
Phải đổi mới chế định chứng cứ
Thực tiễn giải quyết vụ án hình sự cho thấy, chế định chứng cứ trong BLTTHS năm 2003 đang bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Việc quy định chỉ các cơ quan tiến hành tố tụng mới có quyền thu thập, đánh giá, sử dụng chứng cứ là chưa phù hợp, chưa bảo đảm sự công bằng giữa các chủ thể trong quá trình thực hiện các chức năng cơ bản của tố tụng hình sự; quy định nguồn chứng cứ được ghi nhận chủ yếu bằng văn bản, vật chứng mà chưa thừa nhận các phương tiện khác (ví dụ phương tiện điện tử ghi âm, ghi hình, thẻ nhớ… có khả năng lưu giữ các dấu vết của tội phạm) là chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, nhất là trước sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ hiện đại, theo nhiều chuyên gia pháp lý cần thiết phải nghiên cứu, đổi mới chế định chứng cứ trong tố tụng hình sự.
Việc đổi mới chế định chứng cứ phải xuất phát từ điều kiện phát triển kinh tế- xã hội và khoa học công nghệ, từ nhu cầu điều tra, xử lý đối với các hành vi phạm tội trong tình hình mới để mở rộng các biện pháp chứng minh và nguồn ghi nhận chứng cứ; khắc phục căn bản những vướng mắc, bất cập trong các quy định của pháp luật hiện hành; bảo đảm phù hợp với việc đổi mới vị trí, vai trò của các chủ thể trong thực hiện các chức năng cơ bản của tố tụng hình sự, bảo đảm sự bình đẳng giữa các chủ thể trong quá trình chứng minh vụ án.
Công ty Luật Hưng Nguyên – theo Nguyễn Lê