Án oan sai có phần do cơ quan tố tụng chỉ chú trọng buộc tội!

19

Khi điều tra thường thiên về thu thập xác định chứng cứ buộc tội, còn chứng cứ gỡ tội dù theo luật vẫn phải thu thập nhưng không được chú trọng.

Những luật sư cãi trắng án rất hiếm, và cãi trắng án đến 5 vụ chắc chỉ tính được trên đầu ngón tay. Ông có thể chia sẻ thêm “bí quyết” hành nghề của mình?

Việc cãi “trắng án” cho thân chủ là vô cùng khó và cũng rất hiếm hoi. Việc tuyên một người phạm tội được tiến  hành bởi 3 cơ quan tiến hành tố tụng, nên chứng minh “ngược lại” không hề đơn giản.

Ví dụ, vụ án của bà Nguyễn Thị Chiến (trú tại xã Thanh Lâm, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) bị TAND huyện Thanh Oai tuyên phạm tội Vu khống. Đây là chuyện một người dân đi tố cáo lãnh đạo địa phương là ông chủ tịch xã, thì ông chủ tịch xã này lại tố cáo ngược ra các cơ quan pháp luật ở địa phương ấy. Thế nhưng, việc điều tra xác minh, thu thập chứng cứ dường như chỉ bảo vệ cho ông chủ tịch, phần trình bày của bà Chiến lại không được xem xét khách quan, không được thu thập chứng cứ khác để chứng minh cho phần trình bày ấy là đúng hay không? Khi bà Chiến tìm đến Đoàn Luật sư Hà Nội nhờ giúp đỡ và được giao giải quyết vụ án, đọc hồ sơ tôi đã thấy nhiều điểm vô lý. Tôi đã thu thập các tài liệu, chứng cứ, đi tìm nhân chứng trên cơ sở trình bày của đương sự, và đã tìm ra được người làm chứng là ông bảo vệ cơ quan cho biết có nhìn thấy bà Chiến đưa tiền cho ông chủ tịch, chứng minh bà Chiến không có hành vi vu khống, trình bày của bà Chiến là có cơ sở. Những chứng cứ “có lý” này đã được Tòa án cấp phúc thẩm xem xét toàn diện và xét không đủ cơ sở buộc tội, nên đã tuyên bà Chiến vô tội.

Hay vụ kỳ án “Nhà hàng Cỏ Xanh”. Do việc đánh giá, nhìn nhận sự việc phiến diện  mà các cơ quan tiến hành tố tụng TP HCM đã biến chị Thơm từ bị hại thành bị can, khiến người yêu chị Thơm bỗng dưng vướng vòng lao lý. Đây là vụ án khá phức tạp, đòi hỏi việc đánh giá chứng cứ, động cơ mục đích của chị Thơm và anh Hải phải thật sự khách quan thì mới làm rõ được hành vi nhận tiền có phải là hành vi nhằm cưỡng đoạt tiền của bác sĩ Phan hay không? Tôi đã chứng minh,  thực tế là chị Thơm và anh Hải đã nhận tiền trên cơ sở sự  thương lượng, thỏa thuận giữa chị Thơm và anh Phan trước đó,  không có dấu hiệu phạm tội. Nhưng để có được bản án vô tội đó, tôi đã phải đồng hành cùng hai bị cáo, bị hại này gần 4 năm trời. May mắn, các cơ quan tố tụng cấp phúc thẩm cũng đã thận trọng xem xét những sơ hở, thiếu sót trong quá trình tố tụng, nên bản án đã được hủy, để xử lại và có phán quyết cuối cùng công minh.

Hay trước đây có thời kỳ một loạt các vụ án dân sự, kinh tế bị hình sự hóa. Doanh nghiệp khi lâm vào tình trạng khó khăn chưa trả được nợ, liền bị chủ nợ tố cáo đến CA. CQĐT chỉ căn cứ vào việc có vay, có nhận tiền, chưa trả được nợ, rồi bị tố cáo để khởi tố vụ án và kết luận lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Nhưng thực tế, để xem xét trách nhiệm hình sự của hành vi vay và chưa trả được nợ lại không thuần túy ở việc có vay, có nhận tiền, có chuyện chưa trả nợ, mà còn phải xem xét các  yếu tố khác như mục đích vay, sử dụng nguồn tiền như thế nào.

Khi tham gia bào chữa những vụ án này (như vụ bị cáo Trần Văn Tân bị khép tội Lừa đảo và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, sau được tuyên vô tội), tôi đã đề nghị xem xét cả các yếu tố về mặt chủ quan của can phạm, như mục đích sử dụng tiền vay, lộ trình đồng tiền chạy vào đâu, sổ sách ghi nhận như thế nào… Số tiền vay được đưa vào kinh doanh, có hạch toán, sổ sách rõ ràng chứ không bỏ túi, chiếm đoạt cá nhân nhưng CQĐT lại kết tội chiếm đoạt là không thỏa đáng, và tôi đã chứng minh yếu tố cấu thành tội này phải có mục đích chiếm đoạt cá nhân là dấu hiệu bắt buộc…

– Ông có khẳng định rằng nếu có luật sư tham gia tố tụng, việc oan sai sẽ giảm?

Điều này là chắc chắn! Qua thực tế các vụ oan sai cho thấy, việc cho luật sư tham gia tố tụng ngay từ khi khởi tố bị can là vô cùng quan trọng. Ngoài việc bào chữa, bảo vệ cho thân chủ, chúng tôi còn có trách nhiệm bảo vệ công lý, nên việc tham gia ngay từ đầu của luật sư sẽ như người phản biện cho cơ quan tố tụng, giúp cơ quan tố tụng phải “thận trọng” hơn. Từ đó tránh được các vi phạm, sai sót không đáng có.

– Thực tế cho thấy việc đòi bồi thường oan sai sau khi được minh oan cũng vất vả và tốn thời gian không kém việc tham gia tố tụng? Ông có cho rằng qui định hiện hành về vấn đề này còn bất hợp lý?

Đúng là việc đòi bồi thường oan sai theo các qui định hiện hành vẫn còn nhiều hạn chế. Như việc pháp luật cũng qui định hành vi của một người tuy có sai sót nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì không được bồi thường. Nhưng trong trường hợp này, người dân cũng bị thiệt hại danh dự, uy tín, phải đối mặt với dư luận về việc đứng trước vành móng ngựa, bị tổn hại kinh tế, nên việc không được bồi thường là thiệt thòi cho họ.

Như vụ việc của bà Chiến, tuy được tuyên vô tội, nhưng đến nay vẫn chưa nhập được hộ khẩu cho bản thân và gia đình, cũng như căn nhà đã mua chưa được cấp sổ đỏ vì những nguyên nhân rất “khó nói”. Riêng việc đòi bồi thường oan sai, do bà Chiến không biết để mà đòi, nên cũng có thể đã hết thời hiệu. Bởi vậy, người dân khi vướng oan sai cần quan tâm đến các chính sách pháp luật để đòi quyền lợi cho mình. Người dân nếu không tự mình thì có thể ủy quyền cho luật sư tham gia để thương lượng bồi thường vì các luật sư am hiểu pháp luật và biết được phạm vi được bồi thường đến đâu để giảm bớt thời gian thương lượng kéo dài.

Thực tế cho thấy, sau khi có Nghị quyết 08 và Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác tư pháp, số lượng các vụ án oan sai gần đây có giảm. Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 còn nhiều điều chưa cụ thể, rõ ràng, làm cho việc hiểu và áp dụng luật không thống nhất, nên theo tôi cần được nghiên cứu sửa đổi mới đảm bảo được hoạt động tố tụng chặt chẽ, khách quan.

– Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Hải Lý