Đó là đề xuất được đa số đại biểu tán đồng trong buổi tọa đàm góp ý do Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức ngày 21-11 vừa qua tại TP.HCM.
Theo luật sư Đỗ Ngọc Thịnh (Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam), chế định bào chữa viên nhân dân ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu đặc thù trong hoàn cảnh đất nước ta còn chiến tranh. Hiện nay chế định này đã không còn phù hợp. Cạnh đó, BLTTHS quy định về chế định bào chữa viên nhân dân nhưng lại không hướng dẫn cụ thể để thi hành, không có sự đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn hóa… nên đó chỉ là quy định trên giấy, cần phải bãi bỏ.
Một vấn đề khác cũng được các đại biểu quan tâm đóng góp ý kiến là các quy định về thời gian đào tạo nghề luật sư, thời gian tập sự hành nghề luật sư và quy định về người được miễn, giảm đào tạo nghề luật sư và thời gian tập sự nghề luật sư.
Theo luật sư Nguyễn Toàn Thiện (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận): Hiện nay có không ít những người làm công tác ở các cơ quan bảo vệ đến tuổi về hưu chuyển thẳng qua làm luật sư mà không phải qua khóa đào tạo nghề luật sư và tập sự luật sư. Trong khi đó, bản thân những người này đã mấy chục năm làm công tác bảo vệ pháp luật, công việc đó đã ngấm vào máu thịt họ nên chưa thể thay đổi ngay được. Như vậy, chắc chắn họ sẽ không thể cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất cho thân chủ.
Về những nội dung mà Luật Luật sư chưa quy định, luật sư Đoàn Công Thiện (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Kiên Giang) góp ý: Thực tế hiện nay có những người được Bộ Tư pháp cấp chứng chỉ hành nghề luật sư nhưng không tham gia một đoàn luật sư cụ thể nào. Vậy khi có chuyện gì phát sinh, tổ chức nào sẽ đứng ra chịu trách nhiệm quản lý những luật sư này? Vì thế, Luật Luật sư cần bổ sung thêm quy định về việc bắt buộc luật sư phải tham gia một đoàn luật sư cụ thể để có thể làm tốt công tác quản lý luật sư.
GS-TS Trần Ngọc Đường (cố vấn cao cấp của Liên đoàn Luật sư Việt Nam) chia sẻ: Vai trò quan trọng của luật sư đối với xã hội, đối với người dân đã được thừa nhận và đang từng bước được nâng cao. Khi có luật sư tham gia vào vụ việc, chẳng những quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được đảm bảo tốt hơn mà chính các cán bộ nhà nước liên quan trong việc giải quyết vụ án cũng được hưởng lợi nhiều mặt.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số cán bộ trong các cơ quan tố tụng vẫn chưa đánh giá đúng về vai trò và vị thế của luật sư, nhiều nơi vẫn coi luật sư là sự cản trở cho công việc của mình. Do vậy, muốn nâng luật sư lên đúng vị thế thì trong một chừng mực nào đó, phải thay đổi lại tư duy, quan điểm của một bộ phận cán bộ trong các cơ quan nhà nước.
Công ty Luật Hồng Nguyên, Văn phòng Luật sư Hồng Nguyên, Luật sư tư vấn, Luật sư tranh tụng
HỒNG TÚ