Đề xuất sớm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp về 20%

11

Các chuyên gia quốc tế cho rằng thuế suất 25% Việt Nam đang áp dụng không hề thấp so với thế giới và nên sớm giảm để kích thích sản xuất.
Tại hội thảo về cải cách thuế được Phòng Thương mại và công nghiệp châu Âu (Eurocham) vừa tổ chức tại Hà Nội hôm qua, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) – Phạm Minh Đức cho rằng mức thuế thu nhập 25% đánh vào doanh nghiệp đang trở nên lạc hậu trong bối cảnh các chi phí đầu vào đều tăng cao, huy động vốn gặp nhiều khó khăn.Theo phân tích của chuyên gia này, mặc dù cơ quan quản lý luôn khẳng định thuế suất 25% không cao so với mặt bằng chung trên thế giới, nhưng nghĩa vụ thuế thực tế mà doanh nghiệp phải chịu cao hơn nhiều con số danh nghĩa này. Chẳng hạn các chi phí kinh doanh hợp lý (quảng cáo, khánh tiết…) trong nhiều trường hợp chưa được thừa nhận, cộng với các chi phí không chính thức khác thì thì thuế thu nhập thực tế mà doanh nghiệp phải chịu “chắc chắn là cao hơn 25%”.

Theo chuyên gia của WB, để tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp tích cực, nhằm vào việc giãn, giảm thuế. Tuy nhiên, các động thái này chủ yếu chỉ thay đổi về mặt thời gian chứ ít làm giảm nghĩa vụ đóng thuế cho doanh nghiệp. Do vậy, cần có những giải pháp tích cực hơn nữa để kích thích sản xuất, thu hút đầu tư.

Chia sẻ quan điểm này Chủ tịch Eurocham Tom Mackelland cho rằng chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam đã có những thay đổi theo hướng giảm dần, từ 32% xuống 28%, rồi 25% từ năm 2009, do đó đã tạo được sức hút đối với vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên môi trường kinh doanh hiện tại đã khác, và đòi hỏi cần tiếp tục giảm gánh nặng thuế cho doanh nghiệp để thu hút đầu tư.

Theo chiến lược cải cách thuế được Chính phủ phê duyệt, thuế suất dự kiến được giảm dần xuống 22-23% vào năm 2015 và 20% vào 2020. Tuy nhiên, theo ông Mackelland, việc giảm xuống 20% cần được thực hiện sớm nhất có thể, thay vì phải đợi khoảng 8 – 10 năm nữa.

Một vấn đề khác cũng được giới chuyên gia quan tâm là thuế giá trị gia tăng (VAT). Theo đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) – Sanjay Kalra, hiện danh mục hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế hiện nay có 25 nhóm. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc có quá nhiều nhóm như vậy gây ra những vấn đề về quản lý và tuân thủ cho người nộp thuế kinh doanh.

Trong phần phát biểu của mình, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Nguyễn Thị Cúc cho rằng, việc áp dụng ba mức thuế suất: 0% đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, 5% đối với 15 nhóm hàng hóa dịch vụ hàng hóa thiết yếu và 10% đối với các hàng hóa, dịch vụ còn lại như hiện nay là chưa hợp lý khi khấu trừ thuế giữa hai khâu mua bán, đầu vào đầu ra.

Quy định cùng một lúc nhiều mức thuế suất đã tạo ra sự không công bằng giữa các hàng hóa, dịch vụ thuộc các mức thuế khác nhau. Quy định này lại dựa trên công dụng của hàng hóa hoặc nguyên vật liệu trong kết cấu nên rất khó xác định thuế suất đối với từng mặt hàng. Ví dụ, có mặt hàng nguyên liệu mua vào thuế suất 5% nhưng khi thành phẩm bán ra lại nộp thuế 10% và ngược lại.

Ngoài ra, theo bà Cúc, Luật Thuế VAT hiện hành vẫn tồn tại 2 phương pháp tính thuế là khấu trừ và trực tiếp. Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia, phương pháp tính thuế trực tiếp đối với các đối tượng kinh doanh nhỏ đã được bãi bỏ để thiết lập ngưỡng doanh thu chịu thuế. Điều này sẽ giúp cải thiện tính tuân thủ về thuế bởi hóa đơn chứng từ khi áp dụng phương pháp khấu trừ sẽ được lưu giữ trong mọi trường hợp để có thể kiểm tra đối chiếu về sau.

Theo số liệu của Bộ Tài chính giai đoạn 2007 – 2012, thu thuế luôn chiếm tỷ lệ rất cao trong tổng ngân sách. Tỷ lệ bình quân giai đoạn 2007 – 2011 là 81,5%. Riêng năm 2012, tỷ lệ này được kỳ vọng là 91,14%. Trong tổng 12 nguồn thu từ các loại thuế, thu nhập doanh nghiệp và VAT chiếm tỷ trọng cao nhất qua các năm (bình quân trên 30% mỗi loại). Tỷ lệ nguồn thu từ thuế trên tổng GDP hiện cũng rất cao, bình quân lên tới 23% một năm.