Doanh nghiệp Việt: Sẽ “chết”, nếu ỷ lại

74

Đó là câu chuyện nóng hổi tại “Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng hôm qua nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.
Khó khăn còn ở phía trước

Tại Diễn đàn, VCCI đã công bố Khảo sát động thái doanh nghiệp Việt Nam quý III-2012 đối với doanh nghiệp trên toàn quốc ở các quy mô, ngành nghề khác nhau: Kết quả điều tra đã cho thấy trong quý III vừa qua các chỉ số về hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) đều có chiều hướng xấu đi tại nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là chỉ số về lợi nhuận trên đơn vị sản phẩm, tổng doanh số, và hàng tồn kho. Chiều hướng này cũng được quan sát thấy ở các quý khảo sát trước đó.

Điều đó cho thấy rằng các chỉ tiêu này vẫn là những điểm đáng quan ngại của các DN. Bên cạnh đó, DN cũng chia sẻ những ý kiến của mình về giải pháp xử lý hàng tồn kho và xử lý nợ xấu ngân hàng. Theo đó, hầu hết các DN áp dụng giải pháp tìm thị trường mới và giảm giá bán để giải phóng hàng tồn kho. Một số lượng lớn các DN cho rằng Chính phủ nên thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại để giải quyết hàng tồn kho và thực hiện giải pháp hỗ trợ các phương án mua bán hợp nhất các ngân hàng yếu kém để giải quyết vấn đề nợ xấu ngân hàng.

Nhìn chung, báo cáo cho thấy tổng quan tình hình sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý III-2012 khó khăn hơn nhiều so với quý II-2012. Các doanh nghiệp cũng dự báo rằng tổng quan tình hình sản xuất kinh doanh trong quý IV-2012 tiếp tục khó khăn hơn so với quý III-2012. Tuy nhiên, mức độ khó khăn của quý IV so với quý III ít hơn so với các mức độ khó khăn của quý III so với quý II-2012.

Cuộc khảo sát cho thấy, hầu hết các DN quyết định giữ nguyên quy mô kinh doanh trong năm 2012, chỉ có 18,1% DN cho biết, có thể mở rộng quy mô kinh doanh.
Tự cứu mình trước

Tại Diễn đàn, các doanh nhân đã chia sẻ khó khăn và cách giải quyết riêng của DN mình. Bà Võ Thị Thanh – Chủ tịch HĐQT Cty CP Thuận Thảo (tỉnh Phú Yên) cho biết: “Hai năm vừa rồi DN rất khó khăn. Không có một DN nào có thể bàng quan, không suy nghĩ tìm kế để vượt khó, giữ “mạng sống” cho doanh nghiệp của mình”. Bà Thanh bày tỏ mong muốn, Chính phủ cần có những biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đặc biệt là nguồn vốn, chứ không nên để DN “chết” nằm đó thì sẽ không còn tác dụng.

Còn bà Nguyễn Kim Hạnh – Giám đốc câu lạc bộ hàng Việt Nam chất lượng cao, người có hàng chục năm gắn bó với các chương trình hỗ trợ DN, nhận định: “DN cũng chính là cuộc đời của mỗi doanh nhân nên họ không thể bỏ mặc không lo mà ngược lại phải chạy đôn chạy đáo để cứu vãn trước tình thế khó khăn. Một trong những vấn đề khó khăn nhất đối với các DN đó là vấn đề nguồn vốn. Mặc dù, nhiều chính sách của Chính phủ đưa ra nhằm tạo điều kiện choDN tiếp cận được nguồn vốn, tuy nhiên cũng còn nhiều khó khăn”. Bà Hạnh cho rằng, các cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh hơn để hỗ trợ các DN, đặc biệt trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh trên chính thị trường nội địa, giải quyết hàng tồn kho.

“Băng giá thì không thể tan trong một đêm”- Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh ví von cho thấy tình hình khó khăn hiện nay không thể sớm giải quyết. Theo ông Khánh, những khó khăn của hiện tại bắt nguồn từ sự mất cân đối về cơ cấu, xuất phát từ tín hiệu thị trường chưa chính xác… những khó khăn từ nội tại trong nước kết hợp với bối cảnh thế giới suy thoái đã càng khiến cho DN chúng ta gặp khó khăn.

Chính phủ hiện nay đã và đang đưa ra nhiều biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho DN mà đặc biệt là chính sách giảm thuế thu nhập cá nhân, gia hạn thuế, hạ dần lãi suất cho vay… Trong thời gian tới, mục tiêu điều hành lâu dài của Chính phủ là đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế và tái cơ cấu nền kinh tế, bao gồm tái cơ cấu các DN Nhà nước.

Để đạt được mục tiêu to lớn là ổn định kinh tế vĩ mô và hướng tới tầm nhìn tăng trưởng thì chúng ta phải tin tưởng vào sự đồng sức đồng lòng của cộng đồng doanh nhân Việt Nam để vượt qua khó khăn. Tôi tin tưởng vào sức sống của DN, doanh nhân Việt Nam.

Chia sẻ quan điểm, TS. Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, những khó khăn mà chúng ta đang gánh chịu là hậu quả từ trước đó. Tuy nhiên, người làm DN, người làm chính sách đều bị hút vào mô hình tăng trưởng vì thế mà khó khăn chưa được giải quyết. Do đó, hiện nay, Chính phủ đặt mục tiêu cao nhất và tập trung các nguồn lực, sự kiên trì để giải quyết vấn đề tái cơ cấu nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế.

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, tình hình của các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, nhưng chính các DN phải vững tin và vận dụng hết nội lực để vượt khó. “Chắc chắn tình hình kinh tế thời gian tới sẽ còn nhiều khó khăn đồng nghĩa các DN cũng chưa thể lạc quan được. Vì thế, trong giai đoạn khó khăn này các DN cần phải trụ vững và giữ vững niềm tin để vượt khó. Các DN cần đối thoại nhiều hơn nữa với Chính phủ.

Các DN đã thành công trong khủng hoảng cũng nên chia sẻ kinh nghiệm với các DN khác, cùng nhau đồng sức đồng lòng vì mục tiêu ổn định kinh tế và tăng trưởng bền vững” – ông Lộc đề nghị và cho biết, VCCI sẽ cùng cộng đồng DN kiến nghị Chính phủ tiếp tục tính toán các biện pháp hỗ trợ hiệu quả cho các DN. “Nhưng trên hết và quan trọng hơn cả là các DN hãy tự cứu mình trước khi kêu cứu lên Chính phủ”- Chủ tịch VCCI nói.

Có nhiều DN đang gắng gượng

Tính đến 20/9/2012, trong số 675 nghìn DN đã thành lập, còn 471 nghìn DN đang hoạt động, tức là khoảng 200 nghìn DN đã rời khỏi thị trường. Riêng năm 2012, có 51 nghìn DN thành lập mới, số DN phải giải thể, ngừng hoạt động đã trên 40 nghìn DN. Nghĩa là, số DN phá sản đã gần lại hơn số thành lập mới. Đáng nói là trong số 471 nghìn DN đang hoạt động, số thua lỗ rất lớn.

Trao đổi với báo chí, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, đúng là có DN hoạt động hiệu quả kém, quản trị yếu, đầu cơ… dẫn đến thua lỗ, phá sản. Nhưng, có một bộ phận DN có năng lực cạnh tranh, quản trị tốt, do DN khác phá sản, khiến họ không đòi được nợ, hoặc do thị trường ảm đạm nên lâm vào khó khăn tạm thời.

“Nhà nước phải giúp đối tượng này vượt lên, bởi họ chỉ gặp vấn đề về dòng tiền tạm thời gián đoạn, họ không đáng “chết”. Để bộ phận này tiếp tục phá sản, nền kinh tế sẽ cực kỳ khó khăn”, ông Lộc chia sẻ và cho rằng, Chính phủ nên tiếp tục giảm thuế. “Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần điều này. Thái Lan đang thuế thu nhập DN 30% đã giảm mạnh xuống còn 23%. Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan… thuế thu nhập áp cho DN vừa và nhỏ hiện chỉ 17%. Thuế thu nhập DN của Việt Nam đang cao so với tương quan chung, cần giảm xuống nhanh, để thể hiện sự chia sẻ của Chính phủ. Nhiều DN gắng gượng vì họ còn tích lũy mấy năm trước. Nhưng họ có thể còn khó khăn trong năm 2013, thậm chí đến 2015. Nếu chúng ta không chia sẻ thực sự có ý nghĩa, thì DN không thể vượt qua khó khăn được”.

H.Đ
Tự chủ, không chạy theo đám đông

Trong bối cảnh khó khăn, vẫn có một bộ phận DN, chủ yếu là DN vừa và nhỏ vẫn “sống tốt” với nhịp độ tăng trưởng 30-50%/năm. Vì sao họ “vô sự” trong cuộc suy giảm kinh tế toàn cầu và khó khăn trong nước? Theo các nhà phân tích thì đó là một bộ phận các doanh nghiệp đã hội tụ được những điều kiện phát triển bền vững. Chiến lược đa dạng hóa thị trường giúp họ tránh được rủi ro khi nền kinh tế biến động. Phần lớn số doanh nghiệp đó thường không mạo hiểm. Họ cũng có một hệ thống quản trị ứng phó những rủi ro, khủng hoảng tốt.

Là lãnh đạo một trong những DN vẫn vươn lên trong khủng hoảng, Tổng giám đốc Cty Kinh Đô Trần Lệ Nguyên cho rằng, bối cảnh khó khăn cũng chính là cơ hội để các DN có thực lực vượt lên. Điều cốt lõi là doanh nghiệp phải bắt được nhịp mới của thị trường, đưa ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu, khả năng mua sắm của người tiêu dùng. Lãnh đạo Vinamilk cũng chia sẻ, bí quyết của Vinamilk là luôn phân tích, khai phá điểm mạnh của chính mình và không nhất thiết phải theo xu hướng đám đông;…

Công ty Luật Hưng Nguyên (sưu tầm)