Doanh nghiệp xăng dầu “xé nhỏ” biên độ để tăng giá

86

Doanh nghiệp xăng dầu cho rằng, việc họ điều chỉnh giá theo chu kỳ 10 ngày là theo đúng quy định và sát với thực tế. Còn theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, doanh nghiệp đang “lợi dụng” cơ chế để xé nhỏ biên độ tăng giá. Chiều 13/8, chỉ sau hơn 10 ngày tăng giá, giá xăng dầu lại được các doanh nghiệp tiếp tục điều chỉnh tăng thêm 1.100 đồng/lít, trong khi trước đó Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu doanh nghiệp lấy giá cơ sở theo chu kỳ trung bình 30 ngày, khiến dư luận không khỏi bức xúc và hoài nghi.

Anh Trần Tâm (Hai Bà Trưng, Hà Nội) bày rỏ: “Sao giá xăng tăng liên tục và tăng mạnh thế. Chúng tôi chưa kịp thích nghi với mức giá điều chỉnh ngày 1/8 thì lại phải hứng chịu đợt tăng giá này, trong khi những lần giảm trước thì giảm rất nhỏ giọt”.
Chị Thu Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) thì thở dài lo lắng: “Rồi đây, giá các mặt hàng sẽ lại tăng theo… xăng dầu”.

Đưa thắc mắc này đến doanh nghiệp, lãnh đạo Petrolimex (đơn vị chiếm trên 60% thị phần) giải thích: Việc điều chỉnh giá xăng dầu lần này xuất phát từ thực tiễn diễn biến giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới trong chu kỳ tính giá, phù hợp với nguyên tắc xác định giá bán tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu (NĐ 84) và các văn bản hướng dẫn thi hành NĐ 84 của Liên bộ Tài chính – Công Thương. Trước khi chính thức điều chỉnh, Petrolimex đã báo cáo Tổ giám sát Liên bộ về giá xăng dầu theo đúng thể thức quy định.

Đại diện Saigon Petro (đơn vị chiếm 7% thị phần) cũng cho rằng, doanh nghiệp điều chỉnh theo chu kỳ 10 ngày/lần hiện nay là hoàn toàn phù hợp với quy định và thực tiễn. Bởi chu kỳ nhập hàng của doanh nghiệp hiện nay là 3 chuyến hàng/tháng nên cứ 10 ngày doanh nghiệp được kiến nghị điều chỉnh giá tăng hoặc giảm sẽ sát với thực tế hơn.

“Văn bản của Bộ Tài chính về việc doanh nghiệp phải tính giá cơ sở theo chu kỳ bình quân 30 ngày của giá xăng dầu thế giới chỉ có ý nhắc nhở để doanh nghiệp thống nhất trong cách tính giá, chứ không có tính chất ép buộc. Thế nên, doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá theo chu kỳ 10 ngày như hiện nay là không sai”, đại diện này khẳng định.

Ở một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long lại nhìn nhận, Luật Giá vừa được thông qua và sẽ bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013 cùng với Pháp lệnh Giá hiện đang được thực hiện có quy định rất rõ ràng là xăng dầu cùng với điện, nước, hàng không là sản phẩm độc quyền.

Do đó, khi thị trường xăng dầu vẫn độc quyền thì nhà nước phải có sự can thiệp và kiểm soát chặt chẽ về giá. Và để đảm bảo minh bạch, làm cơ sở để xác định mức tăng của doanh nghiệp có hợp lý hay không, việc công khai giá vốn, chi phí, lượng hàng nhập và tồn kho của các đầu mối là hết sức cần thiết.

Ông Long cho rằng, theo Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu, quá trình định giá chia làm 3 mức: Giá đầu vào tăng từ 0-7% thì doanh nghiệp được tự định giá; Từ 7-12% thì doanh nghiệp được định giá 7%, còn lại 5% Quỹ bình ổn giá sẽ bù 60% và 40% là theo giá thị trường; Trên 12% sẽ do cơ quan quản lý quyết định.

“Theo tôi, cách chia này có vẻ rất cụ thể, nhưng lại không có nguyên tắc và trái với quản lý giá theo cơ chế thị trường và sản phẩm độc quyền phải do Nhà nước quản lý giá. Với cách định giá trên không có căn cứ, cơ sở để xác minh rõ ràng nên doanh nghiệp đã lợi dụng để xé nhỏ biên độ trong việc tăng giá”, ông Long nói.

Và cũng theo chuyên gia này, cách hiểu để doanh nghiệp có thể tự quyết định thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu và thời gian tăng – giảm giữa hai lần tối thiểu là 10 ngày cũng sai trong cơ chế thị trường. Trong cơ chế thị trường, một doanh nghiệp không bao giờ được quyền tự định giá. Bởi trên thực tế, các doanh nghiệp đầu mối vẫn đang “nhìn” Petrolimex để điều chỉnh dù mức lãi lỗ của mỗi doanh nghiệp là khác nhau.

Theo giới chuyên gia, cùng với giá xăng dầu nhập khẩu tăng, các mức thuế và phí hiện nay cũng tác động mạnh tới mức giá. Bởi nếu tính cơ cấu phí và thuế vào giá xăng, đã chiếm tới 32% giá xăng dầu. Cụ thể, các khoản thuế, phí hiện hành trong cơ cấu giá xăng bao gồm: Thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế GTGT 10%, thuế nhập khẩu 12%, phí xăng dầu (phí môi trường) 1.000 đồng/lít.

Vì thế, nhằm chia sẻ gánh nặng về giá đối với người dân, Nhà nước nên tính toán giảm bớt yếu tố cấu thành vào giá, ví dụ như giảm thuế nhập khẩu hoặc ngừng trích quỹ bình ổn… Một doanh nghiệp xăng dầu cho biết, nếu giảm thuế nhập khẩu 2% và không phải trích quỹ bình ổn, thì giá xăng chỉ cần tăng 400 đồng/lít.

Công ty Luật Hưng Nguyên – theo An Hạ