Không quy định Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng sẽ gây nghi hoặc

81

“Đừng gây tâm lý nghi hoặc sao đột nhiên Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng lại… biến mất. Không đề cập cơ quan này trong luật khác nào “phú quý giật lùi”!” – Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng góp ý về phương án tổ chức Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng.
“Cơ quan chỉ đạo chống tham nhũng bỗng dưng… biến mất!”

Dù cả cơ quan soạn thảo (Thanh tra Chính phủ) và cơ quan thẩm tra (UB Tư pháp của QH) đều nghiêng về phương án 3 – không quy định về việc thành lập, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, các ý kiến thảo luận trong UB Thường vụ QH vẫn rất khác nhau.

Phương án này nhận được sự đồng tình của Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân…
Ông Phúc nhận xét, lập Ban chỉ đạo mới đi liền với việc khôi phục Ban Nội chính TƯ (phương án 1) không hợp lý. Để Ban chỉ đạo thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư quản lý nhưng lại giao UB Thường vụ thành lập, quy định tổ chức (phương án 2) thì chồng chéo, trái khoáy.

Bà Ngân lập luận thêm, quy định thành lập một hệ thống cơ quan trong luật căn cứ theo một nghị quyết TƯ, về mặt thủ tục là không hợp hiến. Đảng lãnh đạo đất nước nhưng là trên nền pháp luật chứ không thể đứng trên pháp luật.

“Phương án 3 hay nhất vì không ít việc không có Ban Chỉ đạo vẫn thực hiện trôi chảy. Còn quan điểm, quyết tâm “tuyên chiến” với tham nhũng của Đảng, hoàn toàn có thể thể hiện bằng những cách thức khác” – bà Ngân phân tích.

Trái với quan điểm này, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý lại cho rằng vẫn nên có quy định về Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng. Ông Lý đề nghị chọn phương án 2. “Dù Ban chỉ đạo là cơ quan thuộc Đảng thì phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị nên vẫn phải có quy định về mặt nhà nước” – ông Lý nói.

Việc cơ quan này do QH thành lập, ông Lý nhận định càng “uy”, có hiệu lực pháp lý, càng góp phần bảo đảm sự liên tục trong các quy định của luật mà hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ban cũng sẽ tốt hơn.

Ủng hộ quan điểm này, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, Ban chỉ đạo là cơ quan hướng dẫn, điều hành, không phải một đơn vị trực tiếp thực hiện việc chống tham nhũng. Theo đó, cần thiết tăng cường các cơ quan nhà nước như kiểm toán, thanh tra, điều tra, truy tố xét xử… – những đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ này.

Về các phương án tổ chức, ông Hùng kiến nghị làm sao “không để mất” Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng. “Đừng để gây tâm lý nghi hoặc, để người khác đặt vấn đề chúng ta “đánh trống bỏ dùi”, đang nhiên cơ quan chỉ đạo phòng chống tham nhũng lại… biến mất? Phương án 3 – không đề cập gì đến Ban này trong luật nữa thì khác nào “phú quý giật lùi”? – Chủ tịch QH lật lại vấn đề, nếu để Ban Chỉ đạo bên Đảng thì cũng phải thông qua pháp luật để luật cụ thể hóa.

Do chưa thống nhất ý kiến, UB Thường vụ yêu cầu cả cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu phân tích, lý giải các câu hỏi đặt ra về mô hình Ban chỉ đạo, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật để gửi tới các Đoàn đại biểu QH chuẩn bị cho kỳ họp tới trong 10 ngày nữa.

Mở rộng đối tượng, kê khai tài sản càng hình thức

Một nội dung khác còn nhiều ý kiến trái chiều là về đề xuất mở rộng diện đối tượng cán bộ phải kê khai tài sản hàng năm, thực hiện kê khai với cả người thân thích ruột thịt của cán bộ, buộc niêm yết công khai bản kê khai tại nơi công tác và nơi cư trú.

Đồng tình cần có những biện pháp thực chất hơn để kê khai tài sản không còn hình thức, song ông Phan Trung Lý nhấn mạnh điều quan trọng nhất vẫn là phải kiểm soát được thu nhập.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng đặt câu hỏi, “mở rộng đến mức nào”, “có giới hạn nào trong phạm vi quan hệ liên quan đến đối tượng chính phải kê khai tài sản”?. Theo ông Phước, khi chưa đồng bộ được việc quản lý kiểm soát tài sản thu nhập công dân thì mở rộng diện đối tượng kê khai tài sản càng khó kiểm soát, khó khả thi.

Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cũng băn khoăn về tính khả thi của quy định mới. Ông Sơn lập luận, giải quyết tham nhũng cơ bản là làm thay đổi ý thức mỗi người, nâng cao tính tự giác. Còn nếu đã có ý đối phó thì sẽ có đủ cách thức tinh vi để “chống” kê khai tài sản. Nếu đối tượng đổi phương thức tích trữ tài sản từ nhà đất, tiền bạc sang thành… kim cương – món đồ che giấu nhỏ xíu, sao phát hiện ra được.

Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cũng tán thành quan điểm chưa nên mở rộng đối tượng cán bộ phải kê khai tài sản. “Mới bấy nhiêu người phải kê khai như thời gian qua thôi mà việc này còn hình thức, mở rộng nữa kiểm soát làm sao? Trước hết cần tính cách đảm bảo thực chất của việc kê khai với nhóm đối tượng theo quy định hiện hành đã”.

Bà Ngân cũng đề nghị duy trì quy định chỉ công khai bản kê khai tài sản ở nơi công tác của cán bộ. Việc công khai tại nơi cư trú theo Phó Chủ tịch QH, rất phức tạp mà cũng chưa chắc giúp kiểm soát được tham nhũng tốt hơn.

Chủ tịch QH cũng yêu cầu, nếu thêm quy định công khai bản kê tài sản tại nơi cư trú, luật cũng phải làm rõ khai niện “nơi cư trú”, quy định cụ thể việc dán bản kê ở đâu – trước cửa nhà cán bộ phải kê khai hay tại trụ sở phường? Ai có quyền kiểm tra bản kê hay dân khu phố đều có quyền đến hỏi, đến xem và vào nhà cán bộ để kiểm tra xem việc khai đúng sai, sát thực đến đâu.

“Làm sao để quy định chặt chẽ, không để hở cho đối tượng lách luật, cũng không làmảnh hưởng đến quyền tự do tài sản, quyền nhân thân, cá nhân của con người, tránh việc lợi dụng quy định để gây rối tình hình” – ông Hùng lưu ý.

Về vai trò và trách nhiệm của báo chí, Khoản 4, Điều 101 dự án luật quy định: “Cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin về hành vi tham nhũng có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ cho việc xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng”. Để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh tùy tiện trong việc yêu cầu báo chí, phóng viên cung cấp thông tin về tham nhũng và phòng, chống tham nhũng, cơ quan thẩm tra kiến nghị, cần quy định ngay trong dự án luật về cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin cũng như những loại thông tin, tài liệu mà báo chí, phóng viên có nghĩa vụ phải cung cấp khi có yêu cầu.
Công ty Luật Hưng Nguyên (sưu tầm)