Lãi suất thấp khó đến tay doanh nghiệp

17

Dù ngân hàng rầm rộ tuyên bố hạ lãi suất cho vay song rất ít doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tiếp cận được. Khách vay khắc phục hậu quả bão lũ… được hứa hẹn cho vay 14,5%, chênh 0,5% với lãi suất huy động.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thực phẩm Hanco Lê Việt Hà cho biết, tuy là doanh nghiệp sản xuất nhưng hiện nay đơn vị ông vẫn phải vay vốn của hai ngân hàng cổ phần lớn tại TP HCM với lãi suất cao nhất lên đến 22% một năm. Khi hay tin nhiều nhà băng đồng loạt đưa lãi suất cho vay sản xuất xuống mức 15%-17% một năm, bên ông đã liên hệ với nhà băng để mong được điều chỉnh lãi suất. Tuy nhiên, đến nay Hanco vẫn chưa nhận được thông tin giảm lãi suất nào từ phía ngân hàng.

Ông Hà cho biết thêm, hiện Hanco chỉ duy trì các khoản vay trước đó, còn với mức lãi suất cao trên dưới 20% một năm như hiện giờ thì doanh nghiệp không thể dám vay mới. “Chúng tôi còn đang tìm cách bán bớt những tài sản có thể để trả nợ cũ chứ nói gì đi vay mới”, ông Hà chia sẻ.

Theo vị chủ tịch này, để các doanh nghiệp sản xuất sống nổi thì mức lãi suất cho vay phải hạ xuống quanh 15% mỗi năm. “Nhưng đây chỉ là mơ ước, vì hiện nay mức 17-19% đối với các công ty sản xuất thuộc khối cổ phần còn chưa thực hiện được thì lấy đâu ra 15%”, ông Hà chua chát nói.

Ông Cao Tiến Vị, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty giấy Sài Gòn thì cho rằng, ngân hàng muốn áp dụng mức lãi suất thấp như công bố ít nhất phải có một độ trễ nhất định. “Bởi muốn vay khoản mới, doanh nghiệp phải đợi khoản vay cũ đến hạn. Do đó, các nhà băng vừa công bố giảm lãi suất thì doanh nghiệp cũng chưa thể vay khoản mới với lãi suất thấp được”, ông Vị nói.

Theo Chủ tịch giấy Sài Gòn, công ty ông đang có các khoản vay của nhiều ngân hàng khác nhau. Trong đó, lãi suất ở các ngân hàng cổ phần nhỏ lên tới 21-22%, ngân hàng cổ phần lớn 19% và các ngân hàng thương mại nhà nước là 16-17% một năm.

Ngay cả một công ty sản xuất lớn như Đại Đồng Tiến, Tổng giám đốc Trịnh Chí Cường cũng cho biết, hiện nay mức lãi suất trung bình mà doanh nghiệp ông được các nhà băng cho vay cũng khoảng 17% chứ không thấp hơn. “Mức này đã duy trì từ cuối năm 2011, đầu 2012 đến nay và chưa có sự điều chỉnh nào”, ông Cường nói.

Giám đốc một công ty sản xuất bao bì tại quận Tân Phú, TP HCM than thở, vừa qua doanh nghiệp ông đầu tư hàng trăm tỷ đồng để di dời nhà máy, mở rộng sản xuất về khu công nghiệp Đức Hòa, tỉnh Long An. Đơn vị ông cũng là mối ruột của vài nhà băng. Tuy vậy, mức lãi vay thấp nhất mà doanh nghiệp được ưu ái vẫn khá cao, gần 18% một năm. “Với tình hình kinh tế hiện nay, cộng với lãi suất quá cao như thế này sẽ khiến nhiều công ty đuối sức, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm số lượng khá lớn đang rất thiếu vốn”, ông nói.

Chia sẻ vấn đề này, Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần có trụ sở tại TP HCM thừa nhận, thực tế hiện nay việc giảm lãi suất cho vay xuống 15-17% chỉ có thể áp dụng cho vài trường hợp là khách hàng tốt và có mối quan hệ quen biết chứ chưa thể áp cho đại trà.

“Trên cơ sở nguồn vốn nhiều hay ít, giá vốn đầu vào cao hay thấp, đối tượng khách hàng, lĩnh vực kinh doanh sản xuất rủi ro thấp hay cao…, ngân hàng sẽ đưa ra mức lãi suất cho vay khác nhau”, ông này nói.

Ông Trần Anh Tuấn, Tổng giám đốc Ngân hàng Nam Á cũng cho rằng, tiền để để giảm lãi suất hiện nay là có. Song ông cho biết, trước mắt Nam A Bank chỉ có thể giảm nhẹ trên dưới 1% mỗi năm cho những khách hàng tốt.”Và ít nhất phải hết quý 1 thì xu hướng giảm lãi suất mới bắt đầu thể hiện rõ nét”, ông Tuấn nhận xét.

Đại diện VietinBank chia sẻ thêm, trên thực tế, việc hạ lãi suất cho vay trong khi lãi suất huy động chưa giảm sẽ làm giảm hiệu quả hoạt động của các ngân hàng. Tuy nhiên, riêng VietinBank có lợi thế chi phí vốn rẻ nên vấn đề này không quá nghiêm trọng. Nhưng để có thể giảm tiếp lãi suất cho vay thì tình hình lạm phát cần tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, qua đó hạ lãi suất huy động.

Trong khi đó, Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP HCM cho rằng, để vay được mức lãi suất thấp như ngân hàng công bố, các doanh nghiệp phải là những đối tượng nằm trong diện ưu tiên đặc biệt, phải đáp ứng các thủ tục chặt chẽ của một hợp đồng tín dụng. Do vậy, không ít doanh nghiệp nằm trong đối tượng được vay lãi suất thấp nhưng vẫn phải vay lãi suất cao…

Sỡ dĩ xảy ra tình trạng trên, theo ông Dương là do việc giảm lãi suất hiện nay chỉ mang tính nhỏ lẻ và xuất phát từ nội tại của một vài nhà băng dư thanh khoản, muốn mở rộng tín dụng (không hạ lãi suất sẽ không thể cho vay)…chứ chưa phải là một xu hướng tất yếu.

Để việc giảm lãi suất thực sự rõ nét, ông Dương cho rằng, trước hết Ngân hàng Nhà nước cần sớm giải quyết triệt để vấn đề thanh khoản. “Còn hiện nay, tính thanh khoản của phần lớn các nhà băng vẫn rất bất ổn. Nếu giảm ngay lãi suất một cách đại trà thì doanh nghiệp sẽ được cứu nhưng ngân hàng thì chết”, Tiến sĩ Dương nhấn mạnh.

Trước đó, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam là đơn vị đi đầu công bố giảm lãi suất, thậm chí còn giảm năm đợt trong vòng 4 tháng cuối năm. Mấy ngày qua, hàng loạt ngân hàng khác cũng đều tuyên bố những chương trình vay vốn có lãi suất thấp so với mặt bằng lãi suất thị trường. Như Vietcombank hiện lãi suất cao nhất đối với sản xuất kinh doanh là 16 – 17% một năm. Vietinbank hạ lãi cho vay với mức thấp nhất tại đây là 15,5% một năm, giảm so với 16 – 17% trước kia…Hay như ACB đang áp dụng chương trình 100 triệu USD cho doanh nghiệp xuất khẩu có lãi suất hợp lý, thấp hơn thông thường 0,5% một năm…

Lệ Chi