Làm sao để không còn người bị bắt giam tùy tiện?

86

Thực trạng nhiều bị can đang ngồi trong trại tạm giam “vô thời hạn” trong khi các cơ quan tố tụng vẫn “nhẩn nha” vi phạm tố tụng đang đặt ra câu hỏi lớn về việc hạn chế tình trạng tùy tiện này ngay từ “luật gốc” là Hiến pháp.

Hiếp pháp sửa đổi bổ sung Hiếp pháp 1992 tiếp tục ghi nhận những quy định tiến bộ của nhân loại là “không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của tòa án”. Nhưng, quy định này sẽ không ngăn chặn được tình trạng vi phạm quyền công dân đang diễn ra như một thực tế “nóng” được đề cập đến trong nhiều vụ án đang xảy ra hiện nay khi mà nhiều công dân vẫn ngồi tù dài hạn khi chưa có bản án kết tội của Tòa án. Những công dân này ngồi tù bằng các quyết định tạm giam của CQĐT và VKS và cả Tòa án.

Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, tạm giam là biện pháp ngăn chặn để đảm bảo cho việc điều tra, truy tố, xét xử được thực hiện một cách đúng đắn. Theo đó, thời gian tạm giam không được quá 4 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Thời gian tạm giam này còn được kéo dài 3 lần nữa bằng các quyết định gia hạn tạm giam khi việc điều tra kéo dài, buộc phải gia hạn điều tra.

Nhưng, có những vụ án không phức tạp, việc điều tra đã kết thúc từ rất lâu. Song, bị can vẫn phải tiếp tục ngồi trong tù một cách “vô thời hạn”. Bị can Phạm Hồng Quân trong vụ tai nạn giao thông trên đường Láng – Hòa Lạc năm 2001 là một ví dụ điển hình. Và, vụ án đang nóng hiện nay là vụ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt mà bị can Trần Minh Anh đã “ngồi tù” gần 4 năm là những ví dụ điển hình.

Với bị can Trần Minh Anh thì quá trình điều tra vụ án đã kết thúc từ cuối năm 2009 với bản kết luận điều tra của CQĐT Bộ Công an. Sau đó, vụ án có nhiều lần điều tra bổ sung nhưng không hoặc rất ít liên quan đến bị can Trần Minh Anh. Nhưng, bị can Trần Minh Anh tiếp tục phải “bóc lịch” trong trại tạm giam để đợi hầu Tòa trong khi đây là vụ án có dấu hiệu oan sai khá rõ ràng.

Đặc biệt, từ tháng 9/2012 đến nay, hồ sơ vụ án đã được chuyển đến Tòa án nhưng không hề được đưa ra xét xử trong khi thời hạn chuẩn bị xét xử của Tòa là 1 tháng và tối đa là 2 tháng. Đây là vụ án khó buộc tội khiến Tòa phải 5 lần trả hồ sơ cho VKS và CQĐT để điều tra bổ sung chứng cứ buộc tội. Sau khi hồ sơ được “đá” lại cho Tòa đã khiến tòa có vẻ lúng túng với “quả bóng” đầy rủi ro oan sai này. Vì thế, từ đã gần nửa năm nay chưa thấy phiên tòa được mở lại. Bản thân các luật sư bào chữa cho bị cáo và bị cáo cũng “mù tịt” về thông tin vụ án. Bị cáo tiếp tục ngồi tù không biết ngày nào được tự do.

Việc giam giữ bị cáo kéo dài một cách không cần thiết đã xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của công dân. Câu hỏi đặt ra là, việc giam giữ bị cáo Trần Minh Anh và các bị cáo khác kéo dài trong khi việc điều tra đã kết thúc và không thể mở phiên tòa đúng hạn sẽ đạt được gì?

Các cơ quan tố tụng chịu trách nhiệm về vụ án này có thể viện dẫn các quy định của Bộ luật tố tụng về tạm giam để cho rằng, họ có quyền giam giữ đối với bị can mà “không trái pháp luật”. Nhưng, việc giam giữ không cần thiết đối với một vụ án “khó xử’ như vậy rõ ràng cần phải xem xét lại. Song, cơ chế xem xét lại việc giam giữ này phải căn cứ vào quy định nào của pháp luật?

Theo các luật sư, hiện nay quy định về tạm giam trong Bộ luật tố tụng hình sự còn quá lỏng lẻo để cho các cơ quan tố tụng có thể tạm giam bị can kéo dài, thậm chí vô thời hạn. Do đó, cơ chế ngăn chặn tình trạng này phải bắt đầu từ việc sửa đổi pháp luật mà đặc biệt là bắt đầu từ việc sửa đổi luật gốc, đó là Hiến pháp.

Trong bối cảnh Nhà nước đang tổ chức lấy ý kiến đối với bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi thì việc xem xét sửa đổi và bổ sung những quy định về việc không được giam giữ tùy tiện đối với bị can là việc làm cần thiết để hạn chế tối đa những công dân bị chà đạp quyền tự do của mình bởi một số cá nhân nắm giữ quyền lực Nhà nước.

Nguyên nhân của việc giam giữ kéo dài và giải pháp sửa đổi pháp luật để tránh tình trạng giam giữ tùy tiện đối với bị can là gì? Chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Việt Hùng, Trưởng VPLS Trí Việt về vấn đề này.      Thưa Luật sư, nhiều người cho rằng, pháp luật về tạm giam hiện nay không có nhiều hạn chế mà điều đáng bàn nhất là vấn đề áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?– Tôi cho rằng, các quy định của pháp luật về tạm giam bị can để phục vụ cho việc điều tra, truy tố, xét xử hiện nay còn quá tùy nghi, tạo điều kiện dễ dàng cho điều tra viên, kiểm sát viên thực hiện việc điều tra, truy tố. Điều này sẽ đồng nghĩa với việc, các bị can, bị cáo sẽ phải thiệt thòi một số quyền lợi của họ, đặc biệt là quyền tự do sẽ bị hạn chế lâu dài bởi biện pháp tạm giam.Đơn cử, trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử thì CQĐT, VKS và Tòa án đều được gia hạn tạm giam đến 2- 3 lần. Nếu cộng tất cả các lần gia hạn của 3 cơ quan trên thì thời hạn tạm giam sẽ kéo dài rất nhiều năm. Như vậy, bản thân các quy định về thời hạn tạm giam hiện nay tôi cho rằng không hợp lý. Với thời hạn như vây, đương nhiên các cơ quan tố tụng hoàn toàn bình tĩnh trong việc điều tra, truy tố, xét xử còn bị can thì sẽ phải ngồi trong tù khá lâu mà không có bản án.Trong thực tế, việc tạm giam còn kéo dài hơn quy định rất nhiều vì tình trạng vi phạm tố tụng của các cơ quan tố tụng. Ví du, trong vụ án Trần Minh Anh, Tòa án trả hồ sơ điều tra đến 5 lần rồi sau đó kéo dài thời gian chuẩn bị xét xử. Với thời gian như vậy, việc giam giữ cũng sẽ kéo dài thêm.Để hạn chế tình trạng giam giữ kéo dài này, theo ông có cần quy định quyền của công dân được bảo vệ trước những việc làm tùy tiện của cơ quan chức năng trong Hiến pháp hay không?– Dự thảo Hiến pháp sửa đổi chỉ quy định việc người bị bắt, giam giữ được trợ giúp pháp lý từ luật sư, người bào chữa; được đòi bồi thường nếu bị bắt giam oan…Quy định như vậy về cơ bản không khác gì các quy định hiện hành và cơ bản sẽ không ngăn chặn được tình trạng giam giữ kéo dài hiện nay.Theo quan điểm của tôi, để hạn chế tình trạng này, chúng ta cần tiếp thu những điểm tích cực, khả thi của pháp luật tố tụng nước ngoài và vận dụng các quy định của Công ước quốc tế về các quyền chính trị, dân sự. Theo đó, cần quy định quyền không bị bắt giữ tùy tiện, trái pháp luật của công dân vào trong Hiến pháp. Bên cạnh đó, cần sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự bằng việc rút ngắn thời hạn tạm giam; tăng các điều kiện áp dụng biện pháp tạm giam và tăng các biện pháp thay thế tạm giam, đồng thời, cần quy định việc hủy bỏ biện pháp tạm giam nếu việc điều tra, truy tố, xét xử phải gia hạn, kéo dài so với thời hạn mà pháp luật quy định để giải quyết vụ án đó.Xin cảm ơn ông!

Bình Minh